Dù đã đạt được những kết quả tốt đẹp nhưng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KKHGĐ) của tỉnh Phú Yên vẫn đang đứng trước những thách thức. Đó là, tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao và ngày càng trở nên trầm trọng; chất lượng dân số thấp, tỉ lệ dân số bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh có xu hướng ngày càng tăng…
Hướng dẫn cách CSSKSS-KHHGĐ cho phụ nữ ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) - Ảnh: CTV
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO
Trong những năm qua, ngành Dân số đã nỗ lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác DS-KHHGĐ vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là, mức sinh thay thế đã đạt được nhưng chưa thực sự vững chắc, đặc biệt, hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa mức sinh còn cao. Cơ cấu dân số tỉnh ta bắt đầu chuyển từ giai đoạn “cơ cấu dân số trẻ” bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” và đang trên đường “già hóa dân số”. Sự chuyển đổi này sẽ tạo ra những cơ hội thuận lợi to lớn và những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển ngành, lĩnh vực nói riêng và đối với công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng và trở thành một vấn đề lớn. Nếu không được khống chế ngay từ bây giờ thì trong vài thập kỷ đến sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ như một số quốc gia trong khu vực đang phải gánh chịu với những hệ lụy nghiêm trọng về an ninh chính trị, an sinh xã hội. Chất lượng dân số thấp thể hiện ở chiều cao, cân nặng của thanh niên Phú Yên còn thua kém nhiều nơi khác; tỉ lệ người khuyết tật còn cao, hiện chiếm 8,4% dân số so với cả nước là 7,8%; số trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh có xu hướng tiếp tục tăng. Điều này cần sớm khắc phục trong thời gian tới và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề nêu trên để từng bước nâng cao chất lượng dân số nhằm đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH và phát triển cả đất nước.
Với số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh đang có xu hướng gia tăng, chúng ta cần phải làm gì để có những công dân tương lai khỏe mạnh? Đó là một câu hỏi khó đặt ra cho cả cộng đồng cùng trả lời. Để làm được điều này cần nhiều giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp. Riêng công tác DS-KHHGĐ sẽ tập trung nâng cao đầu vào bằng cách đẩy mạnh 3 cấp dự phòng. Đó là, tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp dự định kết hôn biết được những bệnh tật cần tránh như bệnh nhiễm trùng, bệnh về gan… để họ quyết định việc sẽ kết hôn hay sinh con hoặc không. Việc sàng lọc trước sinh sẽ giúp phát hiện sớm những khuyết tật về mặt hình thể và những bất thường, các gen di truyền dị tật về nhiễm sắc thể của thai nhi; tư vấn cho những người mẹ đình chỉ thai nghén trường hợp những đứa trẻ sẽ không thể sống được sau sinh hoặc có thể tư vấn để điều trị cho thai ngay từ trong bụng mẹ. Với những trường hợp khi đứa trẻ ra đời rồi mới có thể phát hiện được một số bệnh tật thì việc sàng lọc sơ sinh sớm sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển gần như bình thường. Thực hiện tốt được 3 cấp dự phòng trên sẽ giúp các cặp vợ chồng có được sức khỏe tốt nhất và cho ra đời những công dân khỏe mạnh cả về thể lực, trí lực và tinh thần.
THÍCH ỨNG ĐỂ VƯỢT QUA THỬ THÁCH
Việc mất cân bằng giới tính khi sinh đã được cảnh báo với những hệ lụy xấu tác động đến cấu trúc dân số trong tương lai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân còn nặng nề tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng và nương tựa lúc tuổi già. Bên cạnh đó, điều kiện kỹ thuật, phương tiện chẩn đoán, lựa chọn giới tính trước sinh và mức sinh thấp cũng ảnh hưởng đến vấn đề này. Để giảm thiểu được nguy cơ, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số đã và sẽ tiếp tục tập trung vào truyền thông, thay đổi nhận thức của người dân. Để người dân chấp nhận việc mỗi gia đình có từ 1-2 con, chúng ta đã phải mất 50 năm. Vậy để thay đổi nhận thức xem con gái cũng như con trai sẽ là một cuộc vận động lâu dài, bền bỉ chứ không thể trong một vài năm.
Chi cục DS-KHHGĐ sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, thanh tra các nhà xuất bản, nhà sách, các trang wed, ấn phẩm có phổ biến phương pháp sinh con theo ý muốn. Khi phát hiện có vi phạm, đoàn thanh tra sẽ yêu cầu thu hồi, đình chỉ xuất bản và tháo gỡ các nội dung trên. Chi cục DS-KHHGĐ và các đoàn thanh tra cũng đề xuất xử lý một số phòng khám, siêu âm vi phạm pháp luật về việc chẩn đoán giới tính thai nhi.
Đề án Nâng cao chất lượng giống nòi bao gồm 3 đề án: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ được triển khai ở tỉnh ta từ năm 2011 và những năm tiếp theo. Để đề án này triển khai có hiệu quả, đòi hỏi có sự trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự tích cực hưởng ứng của nhân dân vì chất lượng dân số sẽ quyết định tương lai của dân tộc.
Ths. ĐỖ THỊ NHƯ MAI
Phó chi cục DS-KKHGĐ Phú Yên