Công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa thời gian qua đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm gần 1,8% so với năm 2009. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của chị Trần Thị Nhung.
Chị Trần Thị Nhung (bìa phải) đang truyền thông dân số - KHHGĐ cho người dân thôn Ngân Điền. - Ảnh: N.NGUYỆN
Không quản nắng mưa, chị Trần Thị Nhung, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ngân Điền (xã Sơn Hà) và cũng là cán bộ làm công tác dân số lặn lội đến từng gia đình của các chị em hội viên để tuyên truyền việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Theo chị Nhung, nhận thức về việc KHHGĐ của phần lớn người dân ở nông thôn còn thấp, họ vẫn có tâm lý muốn sinh nhiều con để vui cửa vui nhà. Vì vậy, để giúp người dân thay đổi nhận thức, quan niệm về việc sinh con, trước hết người làm công tác DS-KHHGĐ phải kiên trì thuyết phục, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm đất”, lần đầu chưa được, lần sau lại tiếp tục, đến khi nào bà con hiểu và ủng hộ mới thôi. Chị Nhung tâm sự: “Mới đầu làm công tác này, tôi gặp nhiều khó khăn. Vận động bà con không nghe, dù buồn chán nhưng cứ nhìn thấy cảnh gia đình nghèo khó vì đông con, không có điều kiện chăm sóc con cái chu đáo, tôi lại thấy buồn hơn, thế là lại quyết tâm đi vận động, tuyên truyền”.
Nhờ sự nhiệt tình, năng nổ và chịu khó, chị Nhung đã vận động cho các cặp vợ chồng ở thôn Ngân Điền nghe, hiểu và thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Anh Phạm Lân, chồng chị Nguyễn Thị Nguyên ở thôn Ngân Điền, cho rằng: “Con nào cũng là con. Quan trọng là làm sao nuôi dạy con cho tốt, để con cái sau này lớn lên trở thành người có ích cho xã hội là tôi vui rồi”. Anh Lân đi trồng sắn, trồng mía và kéo cộ bò thuê, thu nhập chẳng bao nhiêu, biết nếu nhà đông con thì vất vả lắm. “Chị thử nghĩ coi, nếu nhà đông con, nấu một nồi cơm ra phải chia năm xẻ bảy, ăn làm sao đủ. Nếu nhà mình ít con, một nồi cơm đó con mình ăn sẽ no, không phải đói khát, nheo nhóc”, anh Lân đã đưa ra ví dụ thực tế như vậy.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động mà nhiều gia đình đã thấy được những lợi ích thiết thực của việc thực hiện KHHGĐ. Nhiều cặp vợ chồng trẻ đã nhiệt tình, hăng hái thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp. Những cặp vợ chồng sau nhiều năm đình sản, đặt vòng tránh thai, sức khỏe vẫn bảo đảm, lại có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống ngày một khá giả. Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Đoàn Thị Thủy có hai con đều là gái, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi, đời sống kinh tế ổn định. Anh chị đã quyết định không sinh con thứ 3. Chị Đoàn Thị Thủy kể: “Trước đây, gia đình tôi là một trong những hộ khó khăn nhất trong thôn. Để có điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc con cái chu đáo, vợ chồng tôi đã thống nhất chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt. Công lớn đó thuộc về chị Nhung”.
Qua mỗi đợt phát động chiến dịch DS-KHHGĐ, các hộ gia đình trong toàn xã có nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về chính sách DS-KHHGĐ. Các cặp vợ chồng mạnh dạn tham gia thực hiện tốt KHHGĐ, phụ nữ thường xuyên đến trạm y tế để khám chữa các bệnh phụ khoa miễn phí, thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn và hiện đại. Đây là một trong những nỗ lực lớn của các cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ, trong đó chị Trần Thị Nhung đã góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức của nhân dân để thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ tại địa phương.
NHƯ NGUYỆN