HIV có thể truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai, qua máu vi lượng, do nhiễm trùng ngược dòng hoặc do quá trình tiếp xúc trực tiếp ở trẻ sơ sinh trong khi sinh.
Nguồn lây nhiễm: HIV có thể từ máu mẹ, nhau thai, nước ối, dịch tiết cổ tử cung, âm đạo hoặc từ sữa mẹ thông qua tuần hoàn nhau thai, qua da niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp mà truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh.
Thời điểm lây truyền: Lây truyền có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai (17%), trong khi chuyển dạ và khi sinh (50%)và trong thời kỳ bú sữa mẹ (33%).
Những yếu tố nguy cơ đối với lây truyền HIV từ mẹ sang con
Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho con như:
Đối với mẹ: Số lượng virus trong máu cao, lượng CD4 thấp hay mẹ đang trong giai đoạn tiến triển AIDS. Ngoài ra, một số hành vi nguy cơ như nghiện chích ma túy, tình dục không bảo vệ, nhiễm bệnh lây qua đường tình dục trong thời kỳ mang thai hay nhiễm trùng mãn tính như sốt rét… hoặc tình trạng suy dinh dưỡng là những yếu tố ảnh hưởng đến lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thời gian chuyển dạ và sinh: Ở những bà mẹ mà thời gian chuyển dạ hay vỡ ối kéo dài, sinh ngã âm đạo hoặc nhiễm trùng ối sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV cho con.
Đối với con: Những trẻ sinh thiếu tháng hoặc có yếu tố di truyền bẩm sinh cũng có thể có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn những trẻ khác.
Thời kỳ bú mẹ: Thời gian bú mẹ kéo dài, mẹ bị viêm tuyến vú hoặc trẻ ăn nhiều loại thức ăn không đúng cách cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ lây truyền của HIV.
Tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con. Tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con thay đổi từ 13-40% tùy thuộc vào từng nghiên cứu. Tỉ lệ này có thể thay đổi do ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ như tình trạng bệnh của mẹ, trẻ có bú mẹ hay không…, cũng có thể do cách tính tỉ lệ khác nhau tùy thuộc vào độ nhạy hoặc kỹ thuật xét nghiệm được sử dụng hoặc do tình trạng loại trừ khỏi nghiên cứu khi trẻ bị tử vong sau sinh hoặc mất tích trong quá trình theo dõi.
Các chiến lược dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
1. Giảm nồng độ HIV trong dịch và các mô của mẹ
Sử dụng thuốc kháng retrovirus: Cần lưu ý về dược động học của thuốc, độ an toàn, tính sẵn có và hiệu quả cũng như chi phí khi chọn lựa thuốc dùng cho bệnh nhân. Cần sử dụng trong thời kỳ mang thai để làm giảm số lượng virus trong dịch và mô của mẹ, đồng thời ức chế sự lây truyền HIV qua nhau thai để dự phòng lây nhiễm cho con. Bên cạnh đó, phải sử dụng thuốc trong khi sinh và cho con bú nhằm dự phòng sau tiếp xúc cho trẻ.
Sử dụng kháng sinh để dự phòng và điều trị nhiễm trùng ối nếu có, đồng thời phải diệt khuẩn đường âm đạo trong khi sinh nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho con.
2. Giảm tiếp xúc với HIV của thai nhi và trẻ sơ sinh đối với dịch và mô của mẹ
Quản lý sản khoa trong suốt thời gian sinh: Có thể áp dụng phương pháp mổ lấy thai để tránh chuyển dạ và vỡ ối hoặc đặt điện cực đầu thai nhi, chọc ối và cắt tầng sinh môn làm giảm nguy cơ tiếp xúc.
Quản lý thời kỳ bú mẹ: Không bú sữa mẹ sẽ loại trừ được nguy cơ tiếp xúc sau sinh, cai sữa sớm làm giảm thời gian tiếp xúc và bú bình hoàn toàn có thể làm giảm lây truyền từ mẹ sang con. Trường hợp trẻ bú mẹ nên sử dụng thuốc kháng retrovirus trong thời gian cho con bú. Tuy nhiên đối với trẻ bú bình phải tuân thủ chế độ vệ sinh như dùng nước sạch, vệ sinh trước và sau khi cho trẻ bú nhằm tránh được tiêu chảy. Ngoài ra còn tăng cường thức ăn bổ sung để bảo đảm đủ dưỡng chất cho trẻ.
3. Giảm nguy cơ nhiễm HIV đối với những trẻ đã tiếp xúc
Đối với những trẻ đã tiếp xúc với nguy cơ nên dùng thuốc kháng retrovirus cho trẻ để giảm thiểu tỉ lệ mắc. Cũng có thể tiến hành tiêm vắc-xin phòng ngừa nếu có sẵn.
Bên cạnh những can thiệp dự phòng trên, cũng cần phải bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho mẹ và con như vitamin A. Đối với người mẹ cần tránh những hành vi làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm thêm như tránh quan hệ tình dục không được bảo vệ, tiêm chích ma túy, hút thuốc lá trong suốt thời gian mang thai.
4. Tham vấn dự phòng lây truyền từ mẹ sang con
Việc tham vấn dự phòng cho mẹ để dự phòng lây nhiễm qua đường tình dục, giáo dục và hỗ trợ về quyết định xét nghiệm HIV hay không cũng như hỗ trợ cho chẩn đoán HIV. Ngoài ra cần giáo dục cho các bà mẹ về những biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV cho con và cách nuôi dưỡng trẻ.
Xét nghiệm HIV trong chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con
Xét nghiệm cho phụ nữ mang thai nhằm thông báo về tình trạng nhiễm HIV của họ và tiến hành các can thiệp để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, cho bạn tình cũng như hỗ trợ về mặt y tế xã hội. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính cũng cần tham vấn để phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân.
Đối với trẻ sơ sinh, việc xét nghiệm nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV của trẻ để lập kế hoạch theo dõi và chăm sóc trẻ trong tương lai, đồng thời tiến hành những can thiệp y tế cho trẻ. Ngoài ra, việc xét nghiệm HIV cho trẻ còn dùng để đánh giá hiệu quả của chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Các loại xét nghiệm HIV cho trẻ em:
Xét nghiệm tìm kháng thể trong máu: đối với tất cả trẻ em sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV đều có kết quả xét nghiệm dương tính ngay sau khi sinh. Kết quả dương tính này có thể do kháng thể của mẹ truyền sang hoặc có thể do trẻ đã bị nhiễm HIV trong bào thai. Do vậy xét nghiệm tìm kháng thể chỉ có giá trị khi trẻ hơn 18 tháng tuổi, có nghĩa là nếu kết quả xét nghiệm dương tính trong thời gian này thì chắc chắn rằng trẻ đã bị nhiễm HIV.
Xét nghiệm phát hiện vi-rút: là xét nghiệm phát hiện virus trong máu của trẻ. Xét nghiệm này có giá thành cao và không sẵn có, chỉ tiến hành tại các trung tâm lớn. Xét nghiệm tìm virus trong máu có thể phát hiện từ 25-50% số trẻ nhiễm HIV ngay sau khi sinh và >90% trẻ được phát hiện nhiễm HIV sau một tháng tuổi.
(Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh)