Thứ Sáu, 29/11/2024 21:37 CH
Giữ sóng ở độ cao hơn 390 mét
Thứ Tư, 21/06/2006 07:43 SA

Để đến nơi làm việc, họ cưỡi “con ngựa sắt” vượt qua 5 km đường quanh co với những con dốc dựng đứng. Nơi đây, trên đỉnh Chóp Chài bảng lảng mây, các kỹ thuật viên của Trung tâm Truyền hình VN tại Phú Yên và Đài phát thanh Phú Yên chưa một phút giây sao nhãng nhiệm vụ. Những ngày mưa bão, chớp giật đùng đùng, khi người dưới chân núi co ro trong những chiếc áo dày cộm thì họ chạy đua với thời gian để khắc sự cố. Ở độ cao hơn 390 m so với mực nước biển, mồ hôi của những người giữ sóng rơi xuống rất âm thầm.

 

060621-phat-thanh-1.jpg

Anh Nguyễn Thanh Hà, cán bộ kỹ thuật Đài Phát thanh Phú Yên làm việc trên trạm thu phát sóng Chóp Chài – Ảnh: D.T.X

 

“Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải tập trung cao độ - anh Nguyễn Thanh Bình, kỹ thuật viên  của Đài Phát thanh Phú Yên cho biết - Nếu máy móc trục trặc thì phải xử lý trong thời gian nhanh nhất. Nó hỏng lúc 1, 2 giờ sáng cũng phải lo mà làm, không kịp thì gọi điện báo để lãnh đạo điều người lên bổ sung. Nói tóm lại là bằng mọi cách, không thể để cho mất sóng”.

 

Bộ phận truyền dẫn phát sóng (Trung tâm truyền hình VN tại Phú Yên) có nhiệm vụ nhận tín hiệu, phát sóng chương trình PVTV; tiếp phát sóng chương trình VTV1, VTV2, VTV3. Bộ phận này có 6 người, gồm 5 kỹ thuật viên và 1 công nhân.

Anh Bình quê ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, về Đài phát thanh sau khi Phú Yên tái lập tỉnh. Anh đã được đào tạo 2 năm ở Trường nghiệp vụ phát thanh truyền hình 1. Là cán bộ kỹ thuật, ngoài công việc thường nhật trong phòng máy, anh thường đi cơ sở giúp các đài địa phương sửa chữa thiết bị. Năm 2004, Đài phát sóng được dời từ đỉnh núi Nhạn lên đỉnh Chóp Chài. Từ đây, quãng đường đi làm của anh Bình và các đồng nghiệp dài hơn, nguy hiểm hơn. Đài phát sóng có 5 người, do anh Nguyễn Thanh Hà, Phó phòng kỹ thuật, phụ trách. Họ chia ca, trực từ 4 giờ rưỡi sáng đến 12 giờ. Người ít nên thay vì mỗi ca trực 6 giờ theo quy định của Nhà nước, các cán bộ kỹ thuật ở đây trực gấp ba thời gian, trong điều kiện khắc nghiệt. Mùa nắng thì thiếu nước, phải vận chuyển từ dưới núi lên. Nhiều khi vừa nắng đấy, mây bay vào nhà tự lúc nào. Trên cao, gió rất mạnh. Đến mùa mưa lại càng vất vả. Những con dốc trơn trượt, mưa giăng tấm màn trắng đục chắn ngang tầm nhìn. Đường hẹp, xấu, dốc thì đứng sựng. Tai nạn giao thông đã xảy ra…

 

Đâu chỉ có cái cực đi - về. Nơi đỉnh núi cao hơn 390 m so với mực nước biển, “thiên lôi” thường ghé thăm. Mùa mưa năm ngoái, chỉ từ ngày 6 - 9 đến 22 - 10, sét đánh 3 lần vào đường điện của Trạm phát sóng. Anh em lập tức bắt tay vào khắc phục. Nhanh, cũng mất từ 3 đến 8 tiếng đồng hồ. Có đợt sét đánh gây hư hỏng nặng, cả tuần mới khắc phục xong.

 

Ngày 1-7-2004, Đài phát sóng trên núi Chóp Chài chính thức hoạt động, nâng diện phủ sóng phát thanh từ 90 lên 95% địa bàn dân cư. Thời lượng phát sóng của địa phương ở cả hai kênh  96 MHz và 102,7 MHz là 7 giờ 30 phút mỗi ngày. Sóng phát thanh đã phủ ra ngoài địa bàn tỉnh, từ  Quảng Ngãi đến Ninh Thuận, Đắc Lắc, Gia Lai. Từ ngày 1 -7 - 2006, Đài phát sóng đảm nhận phát lại chương trình địa phương.

Không chỉ các kỹ thuật viên của Đài phát sóng lo lắng trong mùa mưa bão mà bộ phận Truyền dẫn phát sóng (Trung tâm truyền hình VN tại Phú Yên) cũng có cảm giác tương tự. Thâm niên nhất ở đây là anh Lê Ánh Dương, Phó phòng kỹ thuật, người phụ trách chính. Anh Dương từng công tác ở Đài Nha Trang trước khi đi bộ đội. Xuất ngũ trở về, anh tiếp tục gắn bó với Đài Nha Trang cho đến khi Phú Yên tái lập tỉnh. Am hiểu sâu về kỹ thuật nên anh được Ban Giám đốc Trung tâm tín nhiệm.

 

Vào nghề sau anh Dương, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Tuấn từng có cảm giác ái ngại, lo lắng khi bộ phận truyền dẫn phát sóng chuyển từ núi Nhạn lên đỉnh Chóp Chài. “Sau một thời gian thì quen, thấy cũng bình thường” - anh Tuấn cười, bảo vậy. Kỹ thuật viên Phạm Trung Việt, người mới vào nghề đầu năm 2001 cũng không còn cảm giác bỡ ngỡ khi làm việc trên núi cao.

 

Những người giữ sóng không nói nhiều về mình, về những vất vả mà họ trải qua. Song lãnh đạo đã ghi nhận công sức mà họ đóng góp. Nhà báo Tạ Tấn Đông - Giám đốc Trung tâm truyền hình VN tại Phú Yên - nhận xét: “Anh em ở bộ phận truyền dẫn phát sóng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao. Họ chia ca trực 100%, từ trước 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm, xử lý mọi sự cố”. Còn nhà báo Lê Sĩ Hiền, Giám đốc Đài phát thanh Phú Yên, nhìn nhận: “Trong điều kiện khó khăn, mỗi khi xảy ra sự cố, anh em ở Đài phát sóng đã khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại”. Theo nhà báo Lưu Sĩ Hiền, Đài phát thanh đang xin UBND tỉnh đầu tư hệ thống chống sét. Hệ thống này không chỉ bảo vệ người và thiết bị trên đỉnh núi Chóp Chài mà còn hạn chế đáng kể hiện tượng sét đánh xuống TP Tuy Hòa. Bên cạnh đó, một chiếc xe hai cầu để chở dầu và các thiết bị lên đỉnh núi sửa chữa cũng là niềm mong mỏi của Ban Giám đốc Đài phát thanh. Trung tâm truyền hình thì đã đề nghị làm lại đường lên đỉnh núi nhưng tỉnh chưa có kinh phí.

 

Trong khi chờ đợi để có một hành trình an toàn hơn đến nơi làm việc ở tít trên cao, các cán bộ kỹ thuật của hai cơ quan báo chí chỉ còn cách đội mũ bảo hiểm, kiểm tra xem lốp những chiếc mô-tô phân khối lớn đã mòn chưa và hết sức cẩn thận khi chinh phục quãng đường 5 km dẫn lên đỉnh Chóp Chài.

 

LÂM VY

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek