Phòng Dân số (Sở Y tế) vừa phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức các hội nghị truyền thông về công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho đoàn viên, người lao động, qua đó giúp chuyển biến, thay đổi hành vi trong việc thực hiện chính sách dân số, chăm sóc SKSS, KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Người lao động nhiệt tình hưởng ứng
Tại buổi truyền thông do Phòng Dân số phối hợp Công ty TNHH FASHY chi nhánh Phú Yên (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) tổ chức, 100 nam nữ công nhân được báo cáo viên cung cấp thông tin về công tác dân số hiện nay, đồng thời chia sẻ các kiến thức về vấn đề chăm sóc SKSS, KHHGĐ.
Có mặt tại hội trường công ty từ sớm, chị Nguyễn Thị Mộng ở khu phố 4, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, cho biết: “Dù công việc nhiều nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian đến dự. Chương trình truyền thông thực sự ý nghĩa, bởi môi trường làm việc hằng ngày của chúng tôi thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ viêm nhiễm, trong khi đó, chị em làm công nhân lại ít có thời gian chăm sóc SKSS cho bản thân”.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa ở độ tuổi sinh đẻ và đang sử dụng các biện pháp tránh thai, có hiểu biết nhất định về chăm sóc SKSS, KHHGĐ nhưng vẫn tham gia hội nghị truyền thông để cập nhật những kiến thức bổ ích. “Báo cáo viên giới thiệu, chia sẻ cụ thể về các biện pháp tránh thai mới và tác dụng phụ có thể xảy ra nên chị em có thể cân nhắc, lựa chọn phương pháp phù hợp. Ngoài ra, hội nghị cũng thông tin về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh để chị em chú ý sinh con và nuôi con khỏe mạnh. Những kiến thức này rất bổ ích”, chị Thoa chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Bích Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH FASHY chi nhánh Phú Yên, cho biết công ty có hơn 150 công nhân, trong đó hơn 90% là nữ nên vấn đề chăm sóc SKSS được quan tâm. “Nhiều chị em vẫn còn tâm lý e ngại về việc chăm sóc SKSS. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng phối hợp triển khai hoạt động truyền thông với mong muốn giúp đoàn viên, người lao động hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Sức khỏe tốt không chỉ giúp hoàn thành tốt công việc mà sẽ chăm lo tốt hơn cho gia đình”, bà Ngãi nói.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông
Thời gian qua, Phòng Dân số đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị đa dạng hóa hình thức truyền thông hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Các hoạt động truyền thông đã làm thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSS và thực hiện KHHGĐ.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Dân số phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức 7 hội nghị truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số cho 700 cán bộ, đoàn viên, người lao động ở một số huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác truyền thông tập trung vào các nội dung như: Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; vận động thanh niên tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh...
Công tác truyền thông, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về chăm sóc sức khỏe, nhất là SKSS, cách nhận biết và phòng tránh một số bệnh lây qua đường tình dục, phòng ngừa ung thư cổ tử cung đối với nữ; đồng thời nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành cho nam đoàn viên, công nhân lao động trong việc chủ động chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục và sử dụng biện pháp tránh thai an toàn…
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số, cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới, ngành Y tế tập trung truyền thông nhằm duy trì bền vững mức sinh thay thế; giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; từng bước thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
THÁI HÀ