Tượng đài Thánh Gióng được xây dựng trên núi Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm (1011-2011) Thăng Long - Hà Nội, để tỏ lòng thành kính với vị thánh có công với dân với nước.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Thánh Gióng là người có công lớn đánh đuổi giặc Ân từ phương Bắc tràn xuống xâm lược nước ta vào đời Vua Hùng thứ 6 (1712-1632 TCN), khi đó chỉ là đứa trẻ mới lên 3. Để nhớ công lao to lớn của Gióng, Vua Hùng sai dân làng lập đền thờ ở chốn quê nhà và phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Hàng nghìn năm trôi qua, truyền thuyết Thánh Gióng đã trở thành hình tượng lịch sử cao đẹp, hùng tráng và bất tử, là bài học sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Tượng đài Thánh Gióng được hội đồng nghệ thuật gồm các chuyên gia trong lĩnh vực tạo hình, kiến trúc, văn hóa, lịch sử… tuyển chọn. Công trình này do UBND TP Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Trên tượng, Thánh Gióng ngồi trên mình ngựa sắt, người để trần, thể hiện thân hình vạm vỡ của chàng trai Phù Đổng, nhưng lại có khuôn mặt trẻ thơ, tay cầm cây tre đằng ngà làm vũ khí đánh giặc. Toàn bộ tượng có thế vươn cao, ngựa sắt hí vang, hai chân trước bốc khỏi mặt đất, hùng dũng bay lên trời xanh. Đây là hình ảnh đẹp nhất, bi hùng nhất trong truyền thuyết, là lúc Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp sắt, từ biệt mẹ, từ biệt quê hương bay về trời, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm.
Được đúc bằng đồng cao 10,8m (chưa tính bệ tượng cao 2,4m), dài 14,4m, rộng 7,3m, nặng 85 tấn, với độ vươn 16m, tượng đài Thánh Gióng đứng sừng sững, uy nghiêm trên đỉnh núi Đá Chồng cao 297m so với mặt nước biển, thuộc khu di tích Đền Sóc - nơi gắn liền với sự tích Thánh Gióng. Từ vị trí này, ta có thể nhìn thấy đỉnh núi Vây Rồng, núi Đại Thích, Đá Đen và Đồng Sóc, bên tả có núi Non Tròn, chùa Non, bên hữu có núi Nhà Bia, tạo thế tả thanh long - hữu bạch hổ. Mặt chính tượng quay về hướng đông nam - hướng mở mang bờ cõi.
Tượng đài nằm trong tổng thể khu di tích Đền Sóc, phục vụ nhu cầu chiêm bái, hành lễ của người dân. Từ quốc lộ 3A lên đến nơi đặt tượng trên núi Đá Chồng dài khoảng 4km, đường uốn lượn, có độ dốc lớn, dọc đường bố trí nhiều chòi nghỉ nhỏ để du khách dừng chân. Đặc biệt có nhà Phương Đình, là công trình kiến trúc theo phong cách truyền thống, mái chồng diềm hình bát giác, lợp ngói màu đỏ, mặt bằng rộng 550m2 trên ngọn Non Tròn, đối diện với tượng đài. Từ đây du khách có thể hướng tầm mắt ngắm nhìn cảnh quan xung quanh khu vực di tích và chiêm ngưỡng tượng đài Thánh Gióng sừng sững, uy nghiêm từ đất mẹ vút bay lên trời xanh.
Tượng đài Thánh Gióng không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ trong thời đại mới. Tượng đài minh chứng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc vững chãi, cho truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam đánh giặc ngoại xâm.
Năm 2010, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (Hà Nội) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2014, quần thể di tích Đền Sóc, trong đó có tượng đài Thánh Gióng được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. |
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG