Một buổi sớm mai, bước ra vườn nhà thấy một loại bông (mà chẳng thấy thân lá ở đâu) xuất hiện từ mặt đất với sắc tím nhẹ và hương thơm cũng thật nhẹ, thật khó tả. Ấy là buổi sáng sớm, sau những cơn mưa giải hạn đầu thu, loài bông tinh túy của đất trời xuất hiện thình lình, ngạc nhiên, thơm phức: Bông giề! Bông giề xứng đáng được tôn vinh là loại gia vị đặc biệt ở vị trí đầu bảng của ẩm thực mùa mưa ở xứ Nẫu trong hành trình tìm kiếm văn hóa ẩm thực theo mùa.
Bông giề trên mâm rau của các đầu bếp. Ảnh TRẦN QUỚI |
Chuyển mùa, vài cơn mưa thu đầu tiên, đất bắt đầu dịu mát, những cơn mưa tiếp theo, đất mềm bấy ra, đó là lúc bông giề xuất hiện.
Ngày trước, mùa mưa là mùa lũ trẻ con chúng tôi thích nhất. Thích được đi coi nước lụt. Thích đi câu chuồn chuồn voi, theo mấy anh chị đi cắm câu, thả lưới ở ngay chân ruộng nhà mình sau mùa lúa bị nước ngập láng cả bờ. Thành quả một buổi lội nước, dầm mưa câu thả cũng đáng kể, nào ốc bươu đen, cua, cá các loại cả một thùng thiếc lặc lè.
Mùa mưa là mùa của cá đồng, cá sông. Khi nước mưa xuống, nước sông, nước đồng lên, đầy phù sa, phù du là mùa sinh sôi phát triển của các loài cá. Bởi thế nên, mùa này cá đồng béo ngậy, xương mềm, thịt ngọt. Sự trùng hợp ngẫu nhiên và trở thành không thể thiếu là trong các món ăn từ cá đồng luôn có bông giề. Mùi vị bông giề làm món ăn trở nên thăng hoa, ngon hơn rất nhiều.
Bông giề cánh mỏng, màu tím nhạt pha sắc sáng trắng, nhụy hoa màu vàng tươi, hương thơm nồng nàn. Bông giề có những cánh xếp tầng như hoa lục bình, cao khoảng một gang tay, từ búp tới nở hoàn toàn chỉ vài ba ngày, gặp trời mưa thì bông giề sẽ tàn nhanh hơn. Mỗi năm, bông giề nở từ tháng 7 tới tháng 10 âm lịch. Thời gian đầu, bông nở liên tục, càng về sau càng ít và dứt hẳn, chỉ còn lá. Lá non, chồi non cũng có mùi thơm, nên khi hoa không còn người ta dùng lá để nêm, mùi thơm dịu nhẹ.
Bông giề không phải nguyên liệu chính của món ăn, nhưng vào mùa mưa thu, các món cá đồng không có loại gia vị đặc biệt này thì mất ngon, mất cả hồn cốt đồng quê. Bông giề nêm canh, nêm vào nồi cá kho, khử bớt mùi tanh, tạo nên một mùi thơm thật đặc biệt. Đến mùa nở rộ, bông giề hái được cả thúng, nêm không hết người ta nghĩ ra nhiều món với bông giề: đổ bánh xèo, luộc, xào tỏi… ăn cho đã ghiền.
Với người đồng quê, bông giề là vua trong các loại rau gia vị cho các món cá đồng. Còn với người dân miền núi, bông giề vững ở vị trí đầu tiên với các món gắn với cá suối, thịt gà, thịt heo, thịt bò… Với người dân miền biển, bông giề cũng trở thành món gia vị đỉnh cao cho món kho mẳn, canh chua, canh ngọt, um xào với các loài cá biển.
Đấy là khi nhà bếp có điều kiện. Bông giề bình dân, bình dị khi được nêm vào nồi canh tập tàng với các loại rau bồ ngót, thồn bồn (chùm ngây), bình bát, lá ớt, rau rừng… nêm chút muối giã ớt xiêm, bột ngọt thôi cũng đủ đậm đà, ăn đến no bụng. Bông giề không chê bếp nghèo. Thương nhớ bông giề là vậy!
TRẦN QUỚI