Thứ Tư, 02/10/2024 11:17 SA
Hội xuân làng biển Phú Yên
Thứ Bảy, 09/02/2008 15:30 CH

Mỗi năm khi mặt biển thôi những con sóng bạc đầu, biển trở nên hiền hoà một màu xanh ngát, mỗi chiều tối và sáng sớm, những thuyền đánh cá nối đuôi nhau ra khơi, biển về đêm rực rỡ ánh đèn, cũng là lúc hội xuân ở các làng biển bắt đầu. Cuộc sống gắn với nghề đánh bắt hải sản đã tạo nên những nét văn hoá đặc sắc của vùng biển vào dịp tết.

 

080209-Song-nuoc1.jpg

Đua thúng trong lễ hội sông nước Tam Giang

 

Trong những ngày tết, lăng ông (nơi thờ thần Nam Hải) là nơi đầu tiên ngư dân hướng về. Theo phong tục truyền thống, ngày tết ngoài sửa sang trong gia đình, lăng ông được các làng biển chỉnh trang tinh tươm. Ngày cuối năm, ngoài cũng tất niên trong gia đình, bao giờ người dân cũng cũng tất niên cho thuyền và lăng ông.

 

Ngày mở đầu của một năm, ngay từ 3, 4 giờ sáng, ban lạch của từng làng biển bắt đầu tổ chức lễ Khai Tiên. Sau phần thủ tục theo nghi thức, lạch trưởng của làng bắt đầu đánh trồng khai tiên- mùa xuân mở đầu bằng 3 tiếng trống và tiếp đó là ba hồi dài. Hồi trống khai tiên của trưởng ban lạch là tín hiệu báo một năm mới của làng biển đã bắt đầu. Ông Nguyễn Biển, tết này đã bước sang tuổi 80, hiện là trưởng ban lạch thôn Mỹ Quang, xã An Chấn (huyện Tuy An), cho biết: “Tục khai tiên có từ rất lâu mà đến giờ không ai có thể biết chính  xác, chỉ biết rằng từ khi ông cố, ông nội ông có mặt tại làng biển này đã có tục lệ khai tiên vào mỗi dịp đầu năm và được ngư dân gìn giữ cho đến ngày nay. Theo quan niệm của ngư dân, năm nào khai tiên thuận lợi tức là năm ấy làng được điều lành, nhà nhà no đủ, cá tôm đầy thuyền. 

 

Sau lễ khai tiên, ngư dân các làng bắt đầu tập trung về lăng ông để làm lễ khấn nguyện thần Nam Hải ban phước lành cho gia đình có một năm làm ăn xuôi chèo, mát mái. Trong tín ngưỡng của cư dân vùng biển, Nam Hải là vị thần hộ mệnh cho họ trong suốt một năm làm ăn trên biển, trước sóng to gió lớn. Ông Nguyễn Lênh, ngư dân Phú Thọ 3, xã Hoà Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) giải thích: Ở làng biển, lăng ông là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang tính tín ngưỡng truyền thống. Ngày tết bào giờ ngư dân cũng đến lăng ông để cầu thần Nam Hải ban phước lành cho gia đình và tàu thuyền thuận bườm xuôi gió. Những năm gần đây, bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, các lăng ông ở các làng biển được xây dựng khá khang trang. Vì vậy bà con cũng lui tới thường xuyên hơn, không chỉ những ngày lễ trọng của làng mà ngay cả những lúc được mùa hay làm ăn thất bát họ cũng tìm đến với đức tin thần Nam Hải.

 

080209-Song-nuoc.jpg

Té nước đầu năm, một phong tục lấy "hên" của dân đi biển

 

Sau khi xong các thủ tục ở lăng ông, viếng thăm ông bà, thăm thú người thân, ngư dân bắt đầu làm lễ xuất hành. Ông Nguyễn Văn Sang ở làng biển Phú Thọ 3, xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà cho biết: “Để có một lễ xuất hành tốt, trước tết bao giờ chủ thuyền cũng đi xem ngày, chọn giờ và tuổi thuyền trưởng (mà ngư dân thường gọi là tài công) sao cho phù hợp với năm đó. Hướng xuất hành cũng được lựa chọn cẩn trọng phù hợp với tuổi của thuyền trưởng. Sau khi làm lễ, tài công nổ máy cho thuyền chạy thẳng ra khơi, làm thủ tục bủa lưới và xem như mở đầu cho một năm đánh bắt mới.”

 

Bên cạnh những nghi thức mang đậm tín ngưỡng của cư dân vùng biển, ngày tết các làng biển Phú Yên tưng bừng diễn ra các lễ hội văn hoá thể thao truyền thống. Đặc sắc nhất  là các lễ hội sông nước gắn với cuộc sống chài lưới được lưu giữ hàng ngàn năm nay. Ngược về phía bắc thuộc huyện Sông Cầu, cứ mỗi dịp tết về dòng sông Tam Giang chảy qua thị trấn Sông Cầu lại dậy sóng, tưng bừng trong lễ hội sông nước Tam Giang. Được khôi phục bốn năm nay, lễ hội sông nước Tam Giang thu hút hàng ngàn người dân địa phương tham gia và đã trở thành nét văn hoá đặc sắc của cư dân sông nước Phú Yên và các tỉnh lân cận mỗi dịp tết đến xuân về. Ông Trần Minh Châu, Phó ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Cả 10 môn thi của lễ hội sông nước Tam Giang đều gắn với những hoạt động quen thuộc trong sản xuất và đời sống của ngư dân. Đây là một cách để giữ gìn các trò chơi dân gian gắn với những nét văn hoá riêng của vùng biển. Và chính tính cộng đồng và sự gần gũi của các trò chơi dân gian đó đã làm nên thành công của lễ hội sông nước Tam Giang, không chỉ ở huyện Sông Cầu mà thu hút sự tham gia của nhân dân các huyện trong tỉnh và du khách gần xa.

 

Xuôi về nam ở khu vực 6 xã ven biển Tuy An là lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan đã được duy trì tổ chức từ khi tái lập tỉnh và là nơi thu hút hàng ngàn người từ các nơi hội tụ về đầm Ô Loan vào ngày mùng 7 tháng giêng. Rồi lễ hội đua thuyền sông Đà Rằng, lễ hội sông nước sông Đà Nông….làm nên hương sắc cho hội xuân vùng biển  Phú Yên.

 

Trong khi lớp trẻ tham gia thi đấu các môn thể thao, các trò chơi dân gian trên sống nước thì ở những góc làng biển, ngày tết đến các lão ngư lại quây quần bên góc làng, nơi có lăng ông để nghe điệu hò khoan vùng biển, hò bá trạo do các câu lạc bộ âm nhạc của xã, hội người cao tuổi  tổ chức.

 

Ngày tết, được những điệu bài chòi quen thuộc cất lên từ một góc làng biển Dân Phước, Long Thuỷ, hay một bài hò khoan dìu dặt của những cụ đã ở tuổi thất thập ở Long Bình, Sông Cầu, bên tách trà và chén rượu đầu xuân bà con chúc nhau một năm thuyền bè xuôi chèo mát mái.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ăn Tết ở xứ Hàn
Thứ Ba, 12/02/2008 10:00 SA
Vợ chồng “ông nhân đạo”
Thứ Ba, 12/02/2008 07:01 SA
Vui lắm xuân này
Thứ Hai, 11/02/2008 07:30 SA
Xóm giữ đê
Chủ Nhật, 10/02/2008 14:15 CH
Tết ở cảng cửa khẩu Vũng Rô
Thứ Bảy, 09/02/2008 15:30 CH
“Biển cá” kiểu Đài Loan
Thứ Bảy, 09/02/2008 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek