Vợ chồng ông sống rất bình dị… như chưa ai từng biết đến. Hơn 10 năm qua, trong căn nhà ông Nguyễn Thanh và bà Lưu Thị Thanh Tạo ở phường 9 (TP Tuy Hòa) như một mái ấm tình thương dành cho những người khuyết tật người nghèo, người già neo đơn.
Vợ chồng ông Thanh - Ảnh: TRUNG HIẾU |
“Cha mẹ cho chúng con được ngày hôm nay!”
Đó là lời tâm sự của chị Đặng Thị Tâm (30 tuổi) ở Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa). Chị Tâm được coi là người con thành đạt nhất trong số 14 người “con nuôi” của vợ chồng ông Thanh bà Tạo. “Năm 22 tuổi, cuộc sống của ba mẹ con tôi ở quê rất nghèo, không có gạo ăn, nhà ở. Khi ấy có một người quen giới thiệu ba Thanh má Tạo là một người rất tốt bụng thương người, tôi liền tìm đến để xin một chân chạy bàn, mong kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Đúng như những gì mọi người nói, tôi được ba Thanh má Tạo rất thương và nhận làm con nuôi, hàng tháng tôi được nuôi cơm áo và còn có tiền lương. Đến nay, tôi đã xây được căn nhà 40 triệu đồng, có được 10 con dê, mua được chiếc xe máy… và tôi còn nuôi được mẹ và đứa em ở nhà” – chị Tâm tâm sự:
Những người con nuôi của vợ chồng ông Thanh, có người nhà nghèo quá không đủ tiền đi học, có người bị tật nguyền. Vợ chồng ông không những cho quần áo, nuôi cơm… mà còn phụ tiền cho con nuôi đi học. Huỳnh Thị Lộc (26 tuổi) nhà ở Phú Lâm là một trong bốn đứa con bị câm bẩm sinh từ hồi còn nhỏ, hiện đang ở với vợ chồng ông Thanh. Ngoài những buổi học may ở Trường Niềm vui của tỉnh, Lộc về phụ bán quán và ăn ở như con đẻ trong nhà, tháng nào Lộc cũng nhận đủ 300 ngàn đồng tiền lương để gởi về phụ giúp gia đình.
Vợ chồng ông Thanh không những nuôi các con ăn ở, áo quần, trả lương, phụ tiền ăn học… mà còn đứng ra gả chồng cho từng đứa. Đến nay vợ chồng ông cho mượn tiền và đứng ra gả chồng được bốn đứa rồi. Nên giờ những người con nuôi coi vợ chồng ông như người đã cứu vớt đời mình trong những lúc ngặt nghèo.
Từ trái qua: Hoa, Cương, Lộc đang phụ bếp - Ảnh: TRUNG HIẾU |
Thành công từ hai con dê
Để có được như ngày hôm nay, vợ chồng ông Thanh chịu đựng không biết bao nhiêu khổ cực. “Từng không có nhà để ở, tôi lại bệnh không có tiền để chạy thuốc, đến nỗi vợ chồng chỉ còn cái bàn trong nhà cũng phải bán đi. Tài sản của vợ chồng lúc ấy chỉ được bốn đứa con” – ông Thanh nhớ lại.
“Đến năm 1983, trong một lần lái xe khách từ Tuy Hòa vào Sài Gòn, khi chạy xe ngang qua Phan Rang dừng lại ăn cơm, tôi gọi một ly sữa dê để uống, khi ấy sao thấy người “khỏe quá”. Và từ đó tôi liền nghĩ ra ý định nuôi dê để lấy sữa uống, qua nhiều lần tìm hiểu cách thức nuôi rồi về bàn với vợ. Hai vợ chồng đi vay mượn, bán thêm con heo, gom góp cũng được hai chỉ vàng rồi đi vào Phan Rang mua được hai con dê về nuôi. Qua một năm chúng sinh được bốn dê con rồi lên dần 25 con… Từ đó, sữa không những để uống mà hàng ngày còn vắt được 20 lít đem bán. Gia đình tôi bắt đầu có nguồn thu nhập, rồi từ đó bốn đứa con cũng lần lượt bước vào đại học” – ông Thanh kể.
Đến nay, vợ chồng ông Thanh có ba trang trại nuôi dê ở Lỗ Chài, Đồng
Ông Thanh trầm ngâm: “Bây giờ, bốn đứa con đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định, vợ chồng tôi đã thanh thản phần nào khi đang tuổi về già. Tôi chỉ mong sao được khỏe mạnh, giữ lại trại dê và cái quán này để có điều kiện giúp đỡ cho những người khó khăn…”.
TRUNG HIẾU