Thứ Tư, 02/10/2024 09:26 SA
Hội Nông dân Đồng Xuân: Xứng danh đơn vị xuất sắc
Thứ Hai, 13/02/2017 08:26 SA

Một hộ nông dân ở huyện Đồng Xuân đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, chăn nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: NGỌC HÂN

Với nhiều việc làm thiết thực trong công tác Hội và phong trào nông dân, giúp hội viên vượt khó thoát nghèo bền vững, hộ khá, giàu tăng lên qua hàng năm, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân nhiều năm liền nhận cờ thi đua xuất sắc nhất khối miền núi của tỉnh.

 

Đa dạng cách hỗ trợ hội viên

 

Theo ông Huỳnh Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội phát động nhiều phong trào thi đua làm kinh tế, chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Trong năm qua, Hội đã chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề và chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn cánh đồng mẫu, tổ chức hội thảo gắn với đầu tư, hỗ trợ nhiều mô hình mới. Cụ thể là chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống sắn mới; kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi heo và thụ tinh nhân tạo cho bò; kỹ thuật trồng cỏ giống VA06; kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, trồng mía thâm canh có tưới nước; kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật nuôi ong lấy mật… cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trong toàn huyện.

 

Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng tổ chức tốt việc tín chấp cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hội viên, nông dân sau khi được vay vốn của Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Nhờ vậy đến nay, các hộ này cơ bản đã xóa được đói, giảm được nghèo; nhiều gia đình đầu tư đúng hướng, làm ăn có hiệu quả, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 

Ông Mang Cư ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, cho biết: “Nhờ được Hội hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và vay vốn ngân hàng nên gia đình tôi đầu tư trồng 20ha keo lá tràm, 4ha mía và 3ha sắn. Do chọn cây giống phù hợp thổ nhưỡng nên việc trồng khá thuận lợi, mỗi năm tôi thu nhập trên 150 triệu đồng. Hiện tại tôi đã trả hết nợ và có tiền mua xe tải phục vụ cho việc chở mía, sắn, keo lá tràm đi tiêu thụ ở các nhà máy”.

 

Nhiều mô hình hiệu quả

 

Với những cách làm hay, thiết thực trong công tác Hội và phong trào nông dân, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh làm ăn hiệu quả đã được phát huy, nhân rộng trên địa bàn huyện. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng mẫu và sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 30ha tại các xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc và thị trấn La Hai; mô hình sản xuất lúa giống cấp siêu nguyên chủng và nguyên chủng tại xã Xuân Quang 2; mô hình nuôi heo thịt, quy mô 1.200-2.000 con/trang trại/2 lứa/năm ở các xã Đa Lộc, Xuân Quang 1; mô hình luân canh cây trồng giữa cây sắn, đậu phộng, bắp tại xã Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3; mô hình trồng cỏ, chăn nuôi bò ở xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, với diện tích 2,96ha và 4 mô hình nông lâm kết hợp tại 2 xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 với diện tích 8ha, hiện đã thu hoạch mô hình cây đậu phộng xen sắn, năng suất 20,3 tạ/ha…

 

Gia đình ông Nguyễn Trọng Nghị ở thôn 3 và ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 4 (xã Đa Lộc) là một minh chứng sinh động về sự hiệu quả của mô hình nông lâm kết hợp. Gần 10 năm trước, từ một nông dân nghèo với hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí và nghị lực của một người lính Cụ Hồ, ông Nguyễn Văn Hùng đã khai hoang đất trồng sắn, mía, và sở hữu 30ha keo lá tràm. Đồng thời, ông còn xây dựng được một trang trại nuôi heo với quy mô 1.600 con/2 lứa/năm. Ông Hùng cho biết: Nếu không nhờ Hội Nông dân mở lớp tập huấn về nuôi heo thì bây giờ tôi cũng chưa chắc có “tay nghề” để làm chủ trang trại heo như vậy. Mỗi năm từ thu hoạch keo và nuôi heo, sau khi trừ chi phí, vợ chồng tôi kiếm được 300 triệu đồng”.

 

Còn gia đình ông Nguyễn Trọng Nghị tham gia lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư trồng 2,5ha sắn, 23ha keo lai kết hợp xây trang trại nuôi heo thịt quy mô 1.000 con/ lứa, mỗi năm 2 lứa. Hàng năm, từ việc trồng sắn, keo lai, nuôi heo thịt, trừ chi phí, ông Nghị thu nhập trên 400 triệu đồng, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Theo ông Nghị, muốn thoát nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ của Hội, bản thân người nông dân phải cố gắng, chịu khó làm ăn, tăng gia sản xuất. Vì nếu không tự nỗ lực thì cái nghèo sẽ đeo đẳng mãi…

 

Huyện Đồng Xuân có 10 xã và 1 thị trấn, diện tích đất tự nhiên hơn 106.886ha, trong đó đất nông, lâm 79.084,4ha (chiếm 74% diện tích đất tự nhiên) là điều kiện khá thuận lợi để nông dân địa phương đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt. Để đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện, Hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, góp phần giúp hội viên, nông dân làm ăn vươn lên thoát nghèo, xứng đáng với danh hiệu đơn vị dẫn đầu khối thi đua cụm miền núi của tỉnh.

 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân Huỳnh Văn Xuân

 

NGỌC HÂN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek