Những năm qua, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức liên quan đến đời sống của hội viên, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn chú trọng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ cơ sở.
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ cơ sở là chương trình mà các cấp Hội LHPN tỉnh hết sức quan tâm để giúp chị em có khả năng tự bảo vệ bản thân trong gia đình và ngoài xã hội cũng như chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với chủ trương đưa luật đến gần với hội viên phụ nữ, nhiều năm trở lại đây, các cấp Hội không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ ở các địa phương; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ báo cáo viên cấp tỉnh, cán bộ Hội các cấp về kiến thức, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng kỹ năng tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Thùy cho biết: Tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ cơ sở, nhất là phụ nữ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân là chương trình mà Tỉnh hội hết sức chú trọng. Bởi trình độ nhận thức cũng như điều kiện, cơ hội, khả năng tiếp cận kiến thức pháp luật của chị em còn khá hạn chế. Những năm gần đây, các vấn đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các luật pháp, chính sách liên quan đến đời sống phụ nữ dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số... được các cấp Hội tập trung tuyên truyền phổ biến.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) Hà Thị Thìn cho hay: “Hội LHPN xã luôn phối hợp với Hội cấp trên và các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống chị em người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Hội còn xây dựng mô hình câu lạc bộ không thách cưới, không tảo hôn, gia đình 5 không, 3 sạch… ở các thôn, buôn để tuyên truyền, vận động chị em từ bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của Luật Hôn nhân - Gia đình.
Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ
Ngoài tuyên truyền, việc tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý cũng được các cấp Hội chú trọng. Ở các địa phương, Hội Phụ nữ cùng các cấp chính quyền, đoàn thể tích cực tham gia hòa giải các vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai… góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Đặc biệt ở cấp tỉnh, Câu lạc bộ (CLB) Tư vấn, hỗ trợ pháp luật phụ nữ tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, trong 5 năm (2012-2016), đã phát huy tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý cho đông đảo hội viên phụ nữ trong tỉnh trên các lĩnh vực giúp chị em nắm bắt, cập nhật nhiều kiến thức về pháp luật cũng như kiến thức về văn hóa, xã hội, gia đình... để tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Từ năm 2012-2016, CLB đã tham gia tư vấn trực tiếp cho 378 đối tượng nữ là nạn nhân bị bạo lực gia đình, tư vấn hỗ trợ về hôn nhân gia đình cho 161 phụ nữ (chủ yếu là tư vấn, can thiệp ly hôn, phân chia tài sản ly hôn, phân chia tài sản sau ly hôn)… Các thành viên trong CLB thuộc các sở, ngành có chức năng trợ giúp pháp lý cũng đã thực hiện trợ giúp 323 vụ việc cho các đối tượng đặc thù (nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người chưa thành niên)… Ngoài ra, thành viên CLB còn kịp thời phối hợp với Ban Chính sách - Pháp luật Hội LHPN tỉnh hướng dẫn các CLB pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở phối hợp với các cấp chính quyền tích cực tham gia hòa giải các vụ tranh chấp theo quy định của Luật Hòa giải.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm Chủ nhiệm CLB Phan Thị Hoa cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai hoạt động, CLB còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Các thành viên trong CLB đều hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động của CLB còn ít. CLB không có nguồn kinh phí riêng để hoạt động, chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn kinh phí phối hợp của Hội LHPN tỉnh với các sở, ngành liên quan. Do vậy, chưa triển khai sâu rộng các đợt truyền thông ở những vùng điều kiện còn khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển… Trong nhiệm kỳ 2017-2021, CLB Tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp tuyên truyền, tư vấn, phổ biến các văn bản pháp luật như: Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống tội phạm mua bán người… tại một số xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tăng cường phối hợp với các CLB pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở và các CLB khác trong việc tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ. Qua đó góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu tình trạng đơn thư vượt cấp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
NGỌC QUỲNH