Thứ Tư, 02/10/2024 11:21 SA
Đổi mới trợ giúp bảo trợ xã hội với các đối tượng yếu thế
Thứ Sáu, 10/02/2017 10:14 SA

Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.

 

Sở LĐ-TB-XH Phú Yên hỗ trợ phân bón cho hộ nghèo xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: KIM CHI

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách người có công; nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”. Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của BCH Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”.

 

Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách trợ giúp xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, một số mặt yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục, kết quả trợ giúp xã hội chưa bền vững. Vì vậy, việc đổi mới chính sách trợ giúp xã hội dựa trên quan điểm: Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

 

Việc đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội theo một số định hướng sau: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội; hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng hưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp với khả năng kinh tế - xã hội của đất nước; trước mắt ưu tiên trình cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp của Nhà nước và phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

 

Tiếp tục hoàn thiện chính sách và phát triển dịch vụ trợ giúp khẩn cấp cho các đối tượng dựa trên mức độ thiệt hại, tổn thương, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán... Xây dựng thí điểm, nhân rộng mô hình “Quỹ trợ giúp khẩn cấp” từ cấp huyện đến Trung ương để tăng cường vận động, hỗ trợ khẩn cấp cho các đối tượng, đồng thời ghi nhận tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp.

 

Tập trung quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến cấp huyện phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương.

 

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

 

Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp xã hội công lập để đủ điều kiện chăm sóc, trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa tại một số địa phương.

 

Chuyển công tác chi trả trợ cấp xã hội và các chính sách hỗ trợ tiền mặt cho cá nhân, hộ gia đình từ cơ quan LĐ-TB-XH sang tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đến năm 2020. Nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. 

 

Cả nước hiện có hơn 25% dân cư cần sự trợ giúp xã hội. Trong đó có khoảng 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 1,8 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, 204.000 người nghiện ma túy, hơn 48.000 người bán dâm, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Cả nước có khoảng 10% hộ nghèo, 5% hộ cận nghèo cần trợ giúp.

 

NGUYỄN TRỌNG ĐÀM

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek