Thứ Tư, 02/10/2024 00:38 SA
Lũ lụt gây ngập hàng ngàn nhà dân, nhiều tuyến đường bị chia cắt
Thứ Sáu, 04/11/2016 07:23 SA

Sáng 3/11, các đồng chí: Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục lũ lụt tại các địa phương phía bắc của tỉnh và tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế (bên trái) kiểm tra tình hình xả lũ tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ vào sáng 3/11- Ảnh: ANH NGỌC

 

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ ngày 1-3/11, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa và mưa to, lượng mưa phổ biến từ khoảng 104,7-624,5mm. Lúc 7 giờ ngày 3/11, mực nước trên sông Kỳ Lộ tại trạm Xuân Quang là 26,9m (trên báo động cấp III là 1,9m), tại Hà Bằng là 11m (trên báo động cấp III là 1,47m). Trên sông Bàn Thạch tại trạm Hòa Mỹ là 9,9m (trên báo động cấp II là 0,4m. Mực nước trên sông Ba tại trạm Củng Sơn là 31,5m (trên báo động cấp II là 0,1m), tại trạm Phú Lâm là 1,8m (trên báo động cấp I là 0,1m). Lúc 6 giờ ngày 3/11, hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 4.500m3/s và lưu lượng chạy máy là 400m3/s; hồ thủy điện Krông H’Năng xả lũ với lưu lượng 1.500m3/s; hồ thủy điện La Hiêng 2 xả lũ và vận hành máy với lưu lượng 370m3/s. Đến 13 giờ cùng ngày, hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với tổng lưu lượng là 10.400m3/s.

 

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đến 14 giờ chiều 3/11, toàn tỉnh có 279 phương tiện, 1.613 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó xa bờ có 142 phương tiện và 1.032 lao động; ven bờ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có 137 phương tiện và 581 lao động. Tất cả các phương tiện đều liên lạc được về gia đình và bộ đội biên phòng. Lực lượng bộ đội biên phòng đã huy động 75 cán bộ chiến sĩ trực tiếp đến các khu vực xung yếu để ứng cứu khi có tình huống; phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra và có phương án di dời người, tài sản khi ngập úng.

 

Đồng chí Trần Hữu Thế cho biết: Toàn bộ huyện Đồng Xuân, một số xã của huyện Tuy An, quốc lộ 29 lên huyện Sông Hinh bị nước lũ chia cắt. Để phòng tránh lũ, ngập lụt, UBND tỉnh đã phát công điện yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thực hiện phương châm “ 4 tại chỗ”. Bố trí lực lượng tại các khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối, không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt.

 

Nhiều tuyến đường ở TP Tuy Hòa ngập sâu - Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

 

TUY HÒA: 4 ngư dân gặp nạn tại cửa biển Đà Diễn

 

Do mưa lớn kéo dài, cộng với thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, từ 13 giờ ngày 3/11, nước sông Ba lên cao đã tràn vào nhiều khu vực thuộc nội thành Tuy Hòa, gây ngập nhiều đoạn đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Bạch Đằng, Nguyễn Trãi, Duy Tân, Lê Lợi… từ 0,5-1m, có nơi ngập sâu trên 1,5m, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Nguyễn Ngọc Tứ cho biết nếu nước trên sông Ba tiếp tục dâng cao thì thành phố sẽ di dời khoảng 1.000 hộ dân đến các trụ sở, trường học hoặc nhà dân ở vị trí an toàn. Ngoài ra, ảnh hưởng do mực nước lũ dâng cao, một xà lan hút cát của Tổng công ty Thành Trung đã bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi.

 

Khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, tại cửa biển Đà Diễn, tàu cá PY90151 TS của ông Trần Văn Tâm (SN 1967), trú phường 6, TP Tuy Hòa cùng 3 lao động trong lúc kéo neo để di chuyển tàu từ Cảng cá phường 6 sang Cảng cá Đông Tác thì bị dây neo quấn chân vịt, sóng đánh chìm trôi ra biển. Dù lực lượng chức năng huy động nhân lực và phương tiện ứng cứu, nhưng do sóng to, gió lớn nên không thể tiếp cận được bốn người bị nạn.

 

Người dân dùng xuồng để đi lại trên tuyến ĐT641 từ Tuy An đến Đồng Xuân - Ảnh: ANH NGỌC

 

ĐỒNG XUÂN: Hơn 2.000 ngôi nhà bị ngp

 

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, đến khoảng 8 giờ 40 ngày 3/11, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của huyện đã tiếp cận được ông Nguyễn Thanh Tân (41 tuổi), chủ Doanh nghiệp Danh Tân, ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân sau hơn 10 giờ đu bám trên cây để tránh lũ.

 

Trước đó, chiều tối 2/11, ông Tân cùng 4 người trong đội cứu hộ (trong đó có Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hữu Từ) đi ca nô tham gia cứu hộ một xe khách bị chết máy vào lúc 22 giờ cùng ngày giữa dòng nước lũ ở dưới chân cầu sắt La Hai. Khi ca nô đi qua khúc cua dưới cầu sắt bắc qua sông Kỳ Lộ thì lật úp, khiến 5 người ngồi trên ca nô rơi xuống sông. Trong đó, 4 người đã được người dân cứu sống, còn ông Tân mất tích. Đến sáng 3/11, người dân đã phát hiện ông Tân đang đu bám trên một cây tre tại khu vực thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). Người dân đã gọi điện báo chính quyền địa phương đưa ca nô đến ứng cứu. Hiện ông Tân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, sức khỏe dần ổn định.

 

Theo UBND huyện Đồng Xuân, đến 19 giờ ngày 3/11, nước lũ đang chia cắt nhiều xã và tuyến đường của huyện. Trong đó, tuyến ĐT641 từ huyện Tuy An đi Đồng Xuân ngập hơn 10km, các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam bị nước lũ chia cắt. Toàn huyện có 2 ngôi nhà sập, hơn 2.000 ngôi nhà ngập nước, các xã di dời hơn 10.000 người đến nơi an toàn.

 

Nhiều hộ dân ở phường 5 bị ngập phải di dời - Ảnh: ANH KIỆT

 

SÔNG CẦU, TUY AN: 3 người chết và mất tích

 

Hoãn các chuyến bay do thời tiết xấu

 

Do thời tiết mưa lớn nên máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không VietJet Air từ TP Hồ Chí Minh đi Tuy Hòa đã không thể đáp xuống sân bay Tuy Hòa, mặc dù đã bay chờ trên không khoảng 30 phút. Sau đó, máy bay này xin lệnh bay vào đáp xuống sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Hãng hàng không VietJet Air đã hỗ trợ mỗi hành khách 150.000 đồng để sử dụng phương tiện khác về TP Tuy Hòa. Cùng ngày, Hãng hàng không VietJet Air và Jetstar Pacific đã phải hoãn các chuyến bay từ Hà Nội - Tuy Hòa, TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa và ngược lại.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, trên địa bàn thị xã có một người mất tích do đi đánh lưới ghẹ. Đó là ông Phan Sơn (SN 1973) ở khu phố An Thạnh, phường Xuân Đài. Ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài, cho biết: Hai cha con ông Phan Sơn đi đánh lưới ghẹ gần bờ bằng thúng chai. Khoảng 3 giờ sáng 3/11, mưa lớn làm ngập thúng và bị chìm. Trong lúc bơi vào bờ, ông Sơn cố dìu con mình là anh Phan Thi (SN 2000) nên bị đuối sức. Trong lúc có cơn sóng lớn nên ông Sơn đã đẩy anh Thi vào phía bờ và được ngư dân địa phương cứu sống, còn ông Phan Sơn thì bị sóng cuốn trôi và mất tích. Đến chiều cùng ngày vẫn chưa tìm thấy ông Phan Sơn. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, trên địa bàn đã có 2 ngôi nhà sập, nhiều nhà dân bị ngập nước, nhiều diện tích lúa, rau màu và ao đìa nuôi thủy sản bị ngập nước.

 

Còn tại huyện Tuy An, đến chiều 3/11, toàn bộ các vùng trũng thấp thuộc hạ lưu sông Kỳ Lộ đã bị ngập, giao thông chia cắt ở các tuyến Chí Thạnh đi An Ninh Tây - An Ninh Đông, Chí Thạnh đi An Định - An Nghiệp; nhiều khu vực dân cư tại các xã An Dân, An Ninh Tây, thị trấn Chí Thạnh bị chia cắt. Tại cửa biển Lễ Thịnh, tàu cá PY31054TS công suất 33VC bị sóng đánh chìm khi neo đậu tại đây. Cùng ngày, bà Trần Thị Vinh (SN 1992), trú thôn Long Uyên, xã An Dân trong lúc bơi sõng thì bị nước cuốn trôi, tử vong. Còn tại xã An Ninh Tây, 1 nam thanh niên lật sõng và bị nước cuốn trôi, mất tích.

 

PHÚ HÒA: Di dời 50 hộ đến nơi tạm trú an toàn

 

Ông Lê Ngọc Tính, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Trong ngày 3/11, huyện cử gần 100 chiến sĩ công an, quân sự huyện và lực lượng cứu hộ các xã Hòa Hội, Hòa Định Tây tiến hành sơ tán 50 hộ vùng bị ngập nước thuộc xóm Búng (xã Hòa Định Tây) và xóm Bến (xã Hòa Hội) đến nơi tránh trú an toàn. Nếu nước sông Ba tiếp tục lên thì huyện sẽ tiếp tục di dời 100 hộ dân ở 2 xã trên và một số khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập nặng đến trú tại trụ sở UBND xã và HTX.

 

Nhiều tuyến đường ngp nước, sạt lở gây tắc giao thông

 

Theo Sở GTVT, do ảnh hưởng mưa lớn và nước lũ, khiến nhiều tuyến đường trong tỉnh ngập nước, gây ách tắc giao thông. Cụ thể, quốc lộ 29 đoạn qua huyện Sông Hinh một số đoạn ngập sâu từ 04-0,5m. Trên quốc lộ 19C, tại Km87+640 thuộc địa phận xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) và đoạn qua đèo Trà Kê thuộc xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) sạt lở mái ta luy với khối lượng sạt lở khoảng 1.500m3, gây bồi lấp khoảng 2m đường giao thông. Ngoài ra, nhiều tuyến tỉnh lộ cũng bị ngập sâu trong nước, gây ách tắc giao thông. Trên ĐT641 từ xã An Định (huyện Tuy An) đến thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nhiều đoạn bị ngập từ 1-1,5m. Tuyến ĐT644 tại tràn Bình Nông thuộc xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu) nước dâng cao 1,5m. Tuyến ĐT650 đi từ cầu Cây Cam thuộc xã An Định (huyện Tuy An) đến xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,4-1,5m. Trên ĐT646 từ xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) đến Trà Kê (huyện Sơn Hòa) bị sạt lở mái ta luy làm bồi lấp đường tại 3 vị trí.

 

Ngoài ra, do tình hình mưa lớn và nước lũ dâng cao, nhiều công trình giao thông và thủy lợi đã bị ngập, gây thiệt hại cho các nhà thầu. Ông Nguyễn Văn Đát, Phó Giám đốc Tổng Công ty CP tập đoàn kinh tế Xuân Thành, cho biết: Mặc dù đơn vị đã có phương án phòng chống lụt bão cho các công trình từ trước, nhưng do nước dâng nhanh, khiến công trình kè La Hai (huyện Đồng Xuân) và kè Đập Ông Tấn (huyện Tuy An) bị ngập, gây thiệt hại cho các nhà thầu.

 

Cho học sinh ở khu vực nguy hiểm nghỉ học

 

Ngày 3/11, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Phạm Văn Cường ký văn bản khẩn gửi các phòng GD-ĐT, trường học trực thuộc sở và các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh chỉ đạo đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, nhất là học sinh.

 

Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cơ quan, nhà trường tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Lãnh đạo các phòng GD-ĐT, các trường chủ động cho học sinh nghỉ học nếu thấy khu vực học sinh đi lại bị ngập lụt, nước từ các con sông, cầu tràn nguy hiểm; đồng thời triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh; nhắc nhở học sinh không được đến những nơi nước lớn, yêu cầu phụ huynh quản lý chặt chẽ con em. Huy động lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn sàng ứng phó kịp thời khi lụt xảy ra; kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp sơ tán người và thiết bị, công cụ dạy học đến nơi an toàn. Các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương sẵn sàng ứng phó khi có lụt xảy ra; kịp thời báo cáo tình hình về cho Sở GD-ĐT.

  

NHÓM PV KINH TẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek