Người xưa thường bảo “Nhà giàu nuôi chó, nhà khó nuôi con”. Nhà nghèo, đẻ nhiều con, phải ráng è cổ ra nuôi để nó lớn lên mà nhờ vả thì rõ rồi, còn nhà giàu thường nuôi chó để giữ nhà, chống kẻ trộm. Có người lại nói khác một chút: “Giàu chuộng chó, khó chuộng con”, ý nghĩa cũng không khác nhau mấy. Không rõ hồi ấy ở các nhà phú hộ, nhà quyền quý người ta “chơi” loại chó nào, chứ bây giờ các nhà bảnh bảnh một chút đều kiếm một vài con chó ngoại, hoặc có ông cố, ông sơ là gốc ngoại để thoả mãn cái sự sính đồ ngoại của mình!
Có người xuất phát từ tình yêu loài vật thực sự, nhưng cũng có người thấy người ta nuôi mình cũng nuôi một vài con để trang trí, và cuộc chạy đua chơi trội thường không có điểm dừng. Nhờ vậy, những năm gần đây dịch vụ nuôi và cung cấp chó cảnh xuất hiện ngày càng nhiều, làm ăn phất lên thấy rõ. Và xung quanh chuyện… chó này cũng lắm buồn vui.
Thị trường chó hiện nay đa dạng và phong phú về chủng loại. Những năm trước nhiều người thích chơi chó Nhật, chó Bắc Kinh. Bây giờ các giống chó đẹp trên thế giới đều đã có mặt ở Việt
Thực tình mà nói, chó ngoại nhập thường rất dễ thương và rất khôn. Có một con trong nhà, chạy nhảy tung tăng hoặc nằm cuộn tròn trên salon trông cũng ngồ ngộ. Trẻ con rất thích ôm những chú chó bé tí xíu, bộ lông mượt mà, được chải bới cẩn thận. Chủ nhà, nhất là các ông có truyền thống “sơvơ”, các vị bị lép vai lép vế ngoài xã hội, dễ bị người khác ăn hiếp, thường cố nuôi một con berger thật dữ trong nhà, để mỗi khi có người lạ đến, nhìn cảnh khách khép na khép nép đến mức xỏ lộn giày vì con chó đang lườm lườm, mà lấy làm thích thú, thoả mãn cái phép thắng lợi tinh thần!
Tuy nhiên, cái khoản chăm sóc chó ngoại thì phiền phức gấp trăm lần chó ta. Cũng phải lẽ thôi, bởi đã bỏ ra tiền triệu để mua, để nuôi, nhất là có được những con khôn lanh, trung thành với chủ, ai lại nỡ hắt hủi. Dịch vụ phục vụ, chăm sóc cho chó cảnh đang ăn nên làm ra. Đã có những bác sĩ thú y chuyên trị các loại bệnh khi trái gió trở trời, hoặc tân trang, mông má cho chó. Có người phải ôm chó vào tận TP HCM để chữa bệnh, trông còn quí hơn người! Có người tuyển Ô-sin kèm theo điều kiện: phải biết chăm sóc chó, phải biết dẫn chó đi dạo chơi cho cục cưng được khuây khoả! Lại còn có những shop chuyên bán đồ hộp phục vụ chó.
Vốn không rành về chó, nhưng bạn tôi nghĩ có một con chó Tây trong nhà cũng hay hay, vậy là anh nhờ một người quen đang công tác trong một trại cải tạo mua giúp một con chó con được giới thiệu là cha Đức, mẹ Đức thuần chủng trong đội chó nghiệp vụ. Chó này mà giữ nhà thì hết ý! Ngày đầu tiên đem chó về, cả nhà rộn ràng như có đại khách. Mọi thông tin liên quan đến việc chăm sóc chó đều được ghi nhận cặn kẽ. Nào là chỉ cho chó ăn trong một cái bát, cái đĩa nhất định, hễ chó thò mõm sang đĩa khác thì “huấn luyện” nó một cái để nó không được ăn lung tung, sau này khỏi bị kẻ gian đầu độc! Nào là cần quan tâm đến khẩu phần ăn nhiều đạm, nhiều can xi, khi nó đau bụng thì phải làm thế này, thế này… Được khoảng nửa tháng, gặp tôi anh nửa mừng, nửa mếu: “May quá, trộm nó rinh mất rồi! Cực kỳ phiền toái. Nó không chịu ăn cơm. Cá kho cũng không chịu ăn. Chỉ ăn thịt bò thôi! Món nó hảo nhất là trứng vịt lộn! Con bé tôi tổ chức sinh nhật xong, cái bánh kem cả ký nó xơi trong vài ngày! Bị trộm mà mừng! Thôi hãy để cho tên trộm nào đó rước lấy cái của nợ ấy cho rồi!”.
Cái giống ấy cũng rất khoái đi chơi lòng vòng, thường thích ngồi chồm hổm trên xe máy hoặc xe hơi nghếch nghếch cái mỏ ra ngoài, hít hít cái mũi để lấy le với xung quanh, và hễ lơ đãng là chú ta xổng ngay. Bạn tôi rất quí một con chó lông xù. Anh thường chở đi tắm biển buổi sáng. Mọi khi anh bơi ra xa nó thường lẩn quẩn chỗ để quần áo, không đi đâu xa. Vậy mà lần ấy tắm lên anh không thấy đâu cả. Tìm mãi, hoá ra chú ta đang quần với một chị chó cái cũng… ngoại hẳn hoi, trong một cái quán giữa rừng dương. Hôm sau, chú ta biến hẳn. Coi như mất toi. Hơn tháng sau, anh tình cờ tìm thấy chú ta trước cửa một khách sạn, lông lá xồm xoàm và dơ như… chó ! Ở đấy cũng có một nàng lông xù! Bắt đem về, vài ngày sau chú ta cũng lẻn đi. Không đâu xa, anh cứ đến khách sạn ấy là gặp.
Thì ra, dẫu nội hay ngoại, dù có được chăm sóc chu đáo đến đâu, đến mùa, anh nào cũng dở chứng chạy rông! Chó vẫn cứ là chó!
DƯƠNG THANH XUÂN