Thứ Hai, 30/09/2024 14:31 CH
Một thoáng quê lụa
Chủ Nhật, 29/01/2006 10:29 SA

Lần theo câu hát ngọt ngào trong bài”Hà Tây quê lụa” của cố nhạc sĩ Nhật Lai- một trong những người con ưu tú của quê hương Tuy An, Phú Yên-chúng tôi tìm về quê lụa Hà Đông, Hà Tây: làng Vạn Phúc. Gọi là làng, theo kiểu làng nghề, nhưng về địa giới hành chính Vạn Phúc là một xã và là xã chỉ có một thôn duy nhất.

 

Thiếu nữ làng lụa Vạn Phúc bên khung dệt - Ảnh: Xuân Hiếu

 

Theo các cụ ông, cụ bà lớn tuổi ở Vạn Phúc, Vạn Phúc là một trong những làng lụa lâu đời nhất ở nước ta. Ở đây “Nhà nhà dệt lụa, người người dệt lụa”, cha truyền con nối cùng nhau làm nghề. Hàng lụa đủ loại được bày bán một cách rất thẩm mỹ, bắt mắt ở các gian trưng bày dọc hai bên đường. Gần đến năm mới, khách đến với làng rất đông. Nơi nào cũng cảnh người bán người mua tấp nập. Khách ta có, khách Tây có và tất cả đều bị cuốn hút bởi nét đặc trưng của làng lụa. Chúng tôi vào sâu trong làng, nơi những cô gái làng lụa duyên dáng có nước da trắng hồng, miệt mài bên khung dệt. Ai cũng rất niềm nở với khách thập phương. Được tận mắt chứng kiến những sợi tơ tằm dần biến thành những vuông lụa đủ các sắc màu từ đôi bàn tay tài hoa của những thợ dệt lành nghề thật thú vị làm sao! Nhớ về một câu nói của người xưa “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, mới thấu hiểu được nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa vất vả, nhọc nhằn đến nhường nào. Thời bao cấp, cũng  như  những làng nghề khác, làng lụa Vạn Phúc cũng gặp khó khăn về đầu vào, đầu ra của sản phẩm, nhưng người Vạn Phúc vẫn sống chết với nghề và  phát triển như ngày hôm nay.

 

Lụa tơ tằm có nhiều chủng loại: lụa, vân, đũi…dùng để may quần áo rất thanh thoát và sang trọng. Không chỉ nổi tiếng với loại lụa tơ tằm mỏng nhẹ, Vạn Phúc còn nổi tiếng với gấm và rất nhiều loại biến thể của tơ tằm. Ngày xưa, trong các triều đại phong kiến, người nước ngoài đã biết đến và qua lại buôn bán lụa Vạn Phúc… Ngày nay, lụa Vạn Phúc được khách hàng Mỹ, Âu…ưa chuộng, đặc biệt là các sản phẩm được làm thủ công, như ví thêu, túi thêu hay túi đính cườm… Mỗi chiếc túi đính cườm mang một kiểu dáng, một loại hoa văn khác nhau và tinh xảo đến lạ, trông như những bức tranh nghệ thuật đặc sắc.

 

Chúng tôi đến thăm di tích lịch sử cấp quốc gia nơi Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tháng 12 năm 1946, ở ngay giữa làng. Chiếc giường gỗ nơi Bác ngủ; bộ bàn ghế nơi Bác làm việc vẫn còn nguyên vẹn trong căn phòng nhỏ, đơn sơ. Chính trong căn phòng này Bác Hồ đã viết lời hiệu triệu có sức mạnh vô biên kêu gọi đồng bào cả nước vùng đứng lên, sát cánh bên nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng đánh đuổi giặc Pháp xâm lược: Chúng tôi như thấy hình bóng Bác vẫn còn đâu đây, ở bên mình, giữa quê lụa Hà Tây, giữa mùa xuân này.

 

Người Hà Tây không chỉ tự hào về làng lụa Vạn Phúc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng “lụa Hà Đông” mà còn tự hào về di tích lịch sử quốc gia nơi từng nuôi dấu, bảo vệ vị cha già của dân tộc Việt Nam:Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Rời làng Vạn Phúc chúng tôi mang theo âm hưởng, giai điệu của “Hà Tây quê lụa” về cùng. Chợt nghe trong nắng xuân hồng vang lên câu hát: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek