Trước thềm năm mới, Hội đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh đã trao quà cho các hộ nghèo vùng thiên tai ở An Phú, An Chấn, An Ninh Đông (huyện Tuy An) với tổng số tiền 50 triệu đồng và ủng hộ 7 triệu đồng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ đầy nghĩa tình này mà nhiều người nghèo có được niềm vui trong ba ngày Tết.
Mặc dù theo kế hoạch 11 giờ trưa đại diện Hội đồng hương mới đến trao quà nhưng nhiều người dân ở An Chấn đã có mặt tại trụ sở xã từ sớm. Cụ bà Trần Thị Hâm 72 tuổi ở thôn Phú Quý không giấu nổi niềm vui: “Bà đến đây trước 10 giờ cháu à. Tuổi già sức yếu quanh năm suốt tháng có làm được gì đâu. Hồi trước bà còn xuống dưới biển Mỹ Quang lượm cá, một ngày cũng được vài ba ngàn, còn bây giờ biển động, sức khỏe của bà cũng ngày một yếu đi, có làm gì ra tiền đâu mà tiêu Tết. May mà nhận được số tiền này.
Thiệt mừng, cháu à!”. Không chỉ với bà cụ Hâm, tôi còn đọc được niềm vui ngời lên trong ánh mắt những người nông dân lam lũ một nắng hai sương, quanh năm đã túng bấn lại phải oằn mình gánh chịu hậu quả thiên tai. Chủ tịch UBND xã An Chấn Lê Hoàng Ngọc cho biết: “Đợt mưa lũ triều cường vừa qua đã gây thiệt hại rất nặng cho An Chấn. Toàn xã bị thiệt hại trên 15 ha cây lương thực và 20 ha lúa màu; 71 nhà dân bị triều cường xâm thực. Vì thế, cuộc sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, nhờ những tấm lòng nhân ái, đã có trên 1.700 hộ dân được cứu trợ, có gạo ăn và có được ít tiền để sắm sửa ít đồ trong dịp Tết này.
Rời An Chấn, An Phú, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về hướng đông bắc huyện Tuy An. Con đường đi về phía biển ngoằn ngoèo, đầy những ổ voi, ổ gà do mưa lũ xói lở. 3 giờ chiều, chúng tôi mới có mặt tại trụ sở xã An Ninh Tây. Những gương mặt chờ đợi sáng lên niềm vui. Bà cụ Nguyễn Thị Bân ở thôn Phú Sơn bước tới cùng đứa cháu tên Nguyễn Thị Hậu.
Bà xúc động: “Nhờ Hội đồng hương cho gạo, tiền mà mấy bà cháu tui mới có Tết”. Người ta thường bảo: “Khổ tận cam lai” bà Bân đã trải qua vô vàn nỗi khổ, vẫn chưa thấy những ngày sướng vui, no ấm. Ba mẹ Hậu mất sớm, để lại cho bà ba đứa cháu nhỏ. Mặc dù hai anh em được hưởng trợ cấp hàng tháng 45.000 đồng, nhưng số tiền đó quá nhỏ so với những lần đau bệnh của mấy bà cháu, lại còn phải lo sách vở cho Hậu tới trường. Một ngày đi xúc ốc chết dưới đầm bà cụ chỉ kiếm được 4.000 – 5.000 đồng, mà đôi chân bà lại không ngừng đau nhức. Hậu nói: “Em sẽ cố gắng học giỏi để bà nội em không phải buồn”.
Vì thế, dù phải thường xuyên mang cái bụng rỗng không đến trường, một buổi đi học, một buổi đi nhổ cỏ lúa mướn, Hậu vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong suốt mấy năm liền. Cô học trò lớp 6H Trường THCS Ngô Mây này nói: “Bà cháu em được người ta giúp 10 ký gạo, vài chục bánh tráng là đỡ lắm rồi. Không có quần áo mới, em cũng hơi buồn, nhưng buồn ít lắm, vì nhà em khó khăn mà”. Cô bé nói tiếp: “Nhận 100 ngàn đồng này, bà cháu sẽ để dành chi tiêu cho những việc thật cần thiết. Em không biết làm sao cảm ơn cho hết mấy cô mấy chú ở Hội đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh”.
Ông Trình Quang Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh tâm sự: Bà con Phú Yên còn gặp quá nhiều khó khăn. Chúng tôi, những người con xa quê hương nhưng tấm lòng lúc nào cũng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ giúp đỡ người nghèo Phú Yên có cuộc sống tốt hơn.
THỦY VĂN