Thứ Hai, 30/09/2024 08:26 SA
Trẻ khuyết tật ở Phú Hòa được phục hồi chức năng
Thứ Bảy, 10/03/2007 08:30 SA

Những năm gần đây, Hội Người Việt Nam tại Pháp và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để tài trợ kinh phí để Phú Yên thực hiện các dự án phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật do nhiễm chất độc da cam tại một số địa phương. Sau khi giúp trẻ em ở các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa), Hội Người Việt Nam tại Pháp  cùng Hội Y học Việt Nam tại Pháp tiếp tục giúp đỡ trẻ em ở Hòa Định Đông, Hòa Định Tây, Hòa Hội (Phú Hòa). Thông qua dự án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam”, nỗi đau của nhiều gia đình đã  dần vơi đi.

 

070309-qua-da-cam.jpg

Tổng kết 2 năm thực hiện dự án, nhiều trẻ em được phục hồi sau luyện tập và được trao quà để động viên tinh thần  – Ảnh: T.THỦY

 

Hôm tổng kết 2 năm thực hiện dự án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam”, ông Trần Lê, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số- Gia đình- Trẻ em huyện Phú Hòa rất phấn khởi trước những kết quả khả quan. Ông như thuộc làu các trường hợp trẻ tiến bộ sau khi triển khai dự án. Ví dụ như em Võ Thế Bảo, 2 năm trước toàn thân co cứng, 2 bàn tay luôn nắm chặt, miệng hả, nước dãi chảy, 2 chân bắt chéo, đến nay em đã ngồi được và biết biểu hiện tình cảm. Em Bùi Thị Kim Vy trước kia không đi được, thấy người lạ sợ sệt không dám tiếp xúc. Qua thời gian tập luyện, em đã đi lại được và không còn cảm giác sợ sệt nữa. Còn em Huỳnh Tấn Vũ từng có 5 năm không ngồi, chỉ nằm ngửa tại chỗ, tay chân co cứng; hiện cũng đã ngồi được và nắm được một số vật nhẹ. Đặc biệt em Phạm Thị Ngọc Mai trước đây có hành vi xa lạ, thường xuyên đi lang thang, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc gia đình, nay đã phụ giúp việc nhà và tự vệ sinh cá nhân… Ông Lê nói: “Các xã ven núi của huyện Phú Hòa trong chiến tranh hầu hết đều bị rải chất độc hóa học. Nhiều trẻ em ở đây bị khuyết tật do nhiễm độc. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn dẫn đến nhận thức về chăm sóc và tập luyện phục hồi chức năng cho người khuyết tật, tàn tật còn hạn chế. Vì thế trẻ khuyết tật khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng. Đây là gánh nặng cho gia đình và xã hội trước khi có sự giúp đỡ của Hội Người Việt Nam tại Pháp”.

 

Bên cạnh việc thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN) với đầy đủ trang thiết bị, Phú Hòa có một lực lượng kỹ thuật viên, cộng tác viên tích cực tham gia dự án. Hàng quí, 60 hộ gia đình có trẻ em tham gia đều được chuyển giao kiến thức về PHCN cho trẻ khuyết tật. Hàng tháng, cộng tác viên của dự án phối hợp cùng gia đình tiến hành tập luyện PHCN, nắm bắt tình hình bệnh tật và khả năng phục hồi của từng trẻ để có hướng dẫn luyện tập tiếp theo nhằm đem lại kết quả tốt nhất, sớm giúp trẻ hồi phục và hoà nhập cộng đồng. Với cách làm nhịp nhàng, đều đặn như trên, trẻ em khuyết tật ở Phú Hòa tiến bộ ngày càng nhiều và dự án triển khai ở đây được đánh giá hiệu quả hơn so với một số địa phương khác. Khi dự án kết thúc, có đến 38 em tự phục vụ và hòa nhập cộng đồng. Một điều đáng mừng là các em theo học tại các trường đều được thầy cô và bạn bè quan tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Tỉ lệ học sinh khá giỏi cao, không có học sinh yếu kém. Số trẻ khuyết tật học mẫu giáo đều đạt danh hiệu bé khỏe bé ngoan và các em học nghề đều đạt kết quả tốt.

 

Tham gia dự án PHCN có 60 em với các loại bệnh: khó khăn vận động, khó khăn về nói, khó khăn về nhìn, động kinh, thiểu năng trí tuệ, hành vi xa lạ, bệnh tim bẩm sinh. Để chăm sóc trẻ, dự án thành lập đội ngũ  kỹ thuật viên, cộng tác viên gồm 12 ngườiù. Trong 8 nhóm khuyết tật, mỗi nhóm đều có bài tập PHCN  riêng. Kết quả sau 2 năm tập luyện, tỉ lệ trẻ PHCN đạt 63%.

Có thể nói, thành công của chương trình nhân đạo trên phần lớn là nhờ đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình, kỹ năng giỏi. Các chị Trần Thị Lãnh (Hòa Hội), Trương Thị Mỹ Thư (Hòa Định Tây), Đoàn Thị Ngọc Thúy (Hòa Định Đông) đã tận tình hướng dẫn tập luyện cho trẻ, giúp nhiều em tiến bộ rõ rệt. Chị Trương Thị Mỹ Thư nói: “Bằng những hiểu biết và sự nhiệt tình của mình, tôi sẽ tiếp tục giúp những đứa trẻ khác không may bị tàn tật”.

 

Với kinh phí 246 triệu đồng được giúp đỡ từ tổ chức Hội Người Việt Nam tại Pháp do ông Võ Sĩ Đàn, một Việt kiều đứng ra đảm trách, trẻ em khuyết tật nhận được sự chăm sóc chu đáo tận tình hơn từ phía gia đình và xã hội, giúp các em vơi đi phần nào bất hạnh. Theo đánh giá của ông Bùi Thanh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số- Gia đình- trẻ em tỉnh Phú Yên: Dự án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam” do Hội Người Việt Nam tại Pháp, Hội Y học Việt Nam tại Pháp tài trợ là một mô hình phù hợp, rất hiệu quả trong việc giúp đỡ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Thực tế qua 2 năm thực hiện, tình trạng dinh dưỡng và khuyết tật của trẻ em được cải thiện, là niềm an ủi rất lớn cho bản thân trẻ, phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, việc PHCN cho người khuyết tật không chỉ thực hiện một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian luyện tập kiên trì. Ông Tuấn nói sẽ tiếp tục kêu gọi Hội này hỗ trợ thêm kinh phí để đầu tư dụng cụ tập luyện cho các xã xa trung tâm huyện, nuôi dưỡng một số em bị bệnh nặng, cấp học bổng để khuyến khích các em học hết chương trình THCS và giúp vốn cho các gia đình phát triển kinh tế, cải thiện chế độ nuôi dưỡng trẻ.

 

VŨ HOÀNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek