Nhiều người trong vùng trân trọng gọi chị là “Cô giáo Út”, từ khi chị được mời dạy lớp đan thêu tại Trung tâm Dạy nghề của huyện miền núi Sơn Hòa.
Chị Hoàng Oanh đang thêu tại nhà - Ảnh: T.C.TRÍ
Năm 1968, cô bé Trần Thị Hoàng Oanh sắp đến tuổi thôi nôi, cả nhà thầy giáo Tấn chưa kịp mừng thì cơn sốt bại liệt ập đến. Mặc dù vợ chồng thầy giáo Tấn cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng vô hiệu, đôi chân của Hoàng Oanh vẫn cứ bất động. Liệt hai chân, thân hình gầy còm. Nhỏ thó nhưng Hoàng Oanh vẫn cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Cha mẹ, anh chị… thay nhau đưa đón Hoàng Oanh mỗi ngày trong suốt 9 năm học.
Sau khi tốt nghiệp cấp 2 Hoàng Oanh quyết định dừng việc học dù lúc bấy giờ chị là học sinh khá giỏi của trường. Không muốn sau này trở thành gánh nặng của gia đình, Hoàng Oanh nằng nặc xin về Tuy Hòa học nghề, tự lập nuôi thân. Năm 1988, chị đã “bén duyên” với nghề đan thêu. Học xong, trở về quê hương Sơn Hòa, chị gắn bó với nghề đan thêu và miệt mài làm việc. Ngày lại ngày, bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo xâu hết từng đường kim mũi chỉ trên khuôn thêu, chị tạo ra những đóa hoa, cành lá, những đôi chim xinh xắn trên từng chiếc khăn tay, áo gối hoặc những tấm rèm, bức phù điêu… Sản phẩm của chị được nhiều người ưa thích tìm mua.
Rồi ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề của huyện Sơn Hòa tìm đến, mời chị vào dạy nghề đan thêu tại Trung tâm cho những học viên không khuyết tật. Thế là Hoàng Oanh chính thức trở thành cô giáo từ tháng 10/2004 cho đến nay. Mỗi ngày ở lớp, chị lăn xe đến từng bàn, cầm tay chỉ việc cho từng người với mong muốn học viên của mình sớm có tay nghề thành thạo như chị. Cứ như thế, gần 3 năm qua, hơn 106 học viên đã ra nghề và có việc làm ổn định.
Tuổi gần 40, thân hình gầy còm khắc khổ, đi lại trên chiếc xe lăn khó khăn chậm chạp, song Hoàng Oanh vẫn yêu nghề và tận tình với học viên của mình. Mỗi tuần 4 buổi, chị đến lớp đều đặn, truyền đạt lý thuyết và hướng dẫn cách thực hành kỹ thuật đan thêu cho học viên rất kỹ lưỡng, không bỏ sót dù một chi tiết nhỏ. Về nhà, chị vừa bán tạp hóa vừa tranh thủ đan thêu, vắt sổ vải cho nhiều thợ may trong vùng. Công việc cứ luôn tay không ngơi nghỉ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng nhận xét: “Cô giáo Hoàng Oanh là người có công lớn trong việc đào tạo nghề đan thêu cho nhiều người ở Sơn Hòa. Họ đã ra trường, có việc làm ổn định. Hiện nay, Trung tâm mở lớp nâng cao cho những học viên có thành tích trong học tập, do cô Hoàng Oanh phụ trách đào tạo. Sau 3 tháng hoàn thành lớp nâng cao (có sát hạch cấp chứng chỉ) chúng tôi mời họ ở lại Trung tâm dạy nghề cho học viên. Cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh quả là người có năng lực vượt trội, mặc dù bị khuyết tật”.
TRẦN CAO TRÍ