Thứ Hai, 30/09/2024 04:39 SA
Dấu ấn Phú Yên ở Tây nguyên
Thứ Tư, 21/02/2007 12:10 CH

Chúng tôi vượt lên Tây nguyên, tìm đến những đồng hương Phú Yên đang lập nghiệp tại những vùng đất mới giàu tiềm năng. Nhiều người Phú Yên đã làm cho địa danh quê mình thành một “thương hiệu” có uy tín trong làm ăn.

 

070220-daklak.jpg

Nơi giáp ranh giữa Phú Yên và Đắc Lắc

 

XE 78 Ở… GIA LAI

 

Thị trấn Phú Túc, huyện lỵ Krông Pa (tỉnh Gia Lai) ngày càng trẻ hơn, mới hơn với nhiều nhà cửa cao tầng, kiến trúc đẹp nằm trên những con đường vừa được mở rộng, đời sống đô thị cũng nhộn nhịp hơn với nhiều khu mua bán, giải trí… Lần nào đến Phú Túc, tôi cũng đến thăm và hỏi chuyện anh Trần Văn Chánh, quê ở huyện Đồng Xuân, một người đã lên đây lập nghiệp từ năm 1979. Trước đây, gia đình anh Chánh chỉ mở một quán nhậu nhỏ với món đặc sản là cà xốc bò. Bây giờ, anh là chủ một quán ăn khá lớn ở ngay trung tâm thị trấn. Anh Chánh tự hào nói: “Chuyện đa số cán bộ của huyện Krông Pa là người quê gốc Phú Yên bây giờ không còn lạ nữa. Giờ đây, đa số người làm kinh doanh ở Phú Túc cũng là dân Phú Yên. Hầu hết nhà giàu ở đây đều là đồng hương của mình!”.

 

Khách đến quán ăn anh Chánh đa số là người Phú Yên. Nhiều người tự hào bảo rằng dân Phú Yên là những người biết làm ăn. Từ khi quốc lộ 25 đi lại dễ dàng và nhất là khi Tuy Hòa lên thành phố, giao thương giữa các huyện phía đông của tỉnh Gia Lai và Phú Yên nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều người Phú Yên ở  Krông Pa chớp thời cơ, đầu tư kinh doanh. Anh Chánh chỉ cho tôi một căn nhà bốn tầng bề thế nằm trên con đường trung tâm thị trấn rồi nói: “Đó là cửa hàng của ông Hồ Văn Thu, quê ở huyện Tuy An, nơi kinh doanh hàng trang trí nội thất lớn nhất ở Phú Túc. Cả ba người con của ông Thu đều có ba cửa hàng lớn, kinh doanh các lĩnh vực khác nhau”. Vào bên trong, cửa hàng Hồ Văn của Thu như một siêu thị mini với phong cách kinh doanh khá chuyên nghiệp. Một người con của ông Thu tiết lộ: “Đa số khách hàng ở đây thích mua trong các cửa hàng của người Phú Yên bởi họ cho rằng thường có hàng mới, nguồn hàng chất lượng”.

 

070220-phutuc.jpg

Một góc thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai – Ảnh: KHƯƠNG DUY

 

Một điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy khi đến huyện Krông Pa nói chung, thị trấn Phú Túc nói riêng là có rất nhiều xe máy ở đây mang biển số 78 của Phú Yên. Mới nhìn vào, người ta dễ có cảm giác cửa hàng Hồ Văn thuộc một đô thị nào đó ở Phú Yên bởi có đến phân nửa xe máy ở bãi để xe mang biển số 78! Anh Lê Thành Lợi, cán bộ Công an huyện Krông Pa giải thích: “Hầu hết xe máy mang biển số 78 ở đây đều là của những người có hộ khẩu tại Krông Pa, chứ không phải xe của người vãng lai từ Phú Yên lên.

 

Riêng người dân các xã ở Krông Pa rất thích mua xe máy cũ ở Phú Yên! Do đó nhiều xã ở đây có hẳn những cửa hàng chuyên bán xe máy cũ mang biển số 78”.

 

Dọc đường từ thị trấn Phú Túc đi đến xã Krông Năng (huyện Krông Pa) tôi gặp không biết bao nhiêu xe máy mang biển số 78. Xã Krông Năng là nơi giáp ranh với ba tỉnh, phía nam giáp với xã Ea Sô, huyện Ea Ka của tỉnh Đắc Lắc và phía đông với xã Ea Ly, huyện Sông Hinh của Phú Yên. Ông Nây Y Tu, Chủ tịch Mặt trận xã Krông Năng cho biết địa phương này có hơn 50 hộ dân người Kinh, trong đó phần lớn có quê quán từ Phú Yên và cũng là những hộ làm ăn khá nhất ở đây hiện nay. Ngay ở trung tâm xã Krông Năng có một “salon xe máy” lớn nhất xã của chị Nguyễn Thị Nở, sinh năm 1964, quê ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa. Điều đặc biệt là tất cả xe máy bày bán trong “salon” này đều là xe cũ mang biển số 78. Chị Nở vui vẻ kể, cách đây hơn 15 năm chị lên Krông Năng đổi hàng, chị gặp anh Nây Y Năng là một thợ mộc nổi tiếng về làm nhà rông. Thế là anh chị phải lòng nhau, bây giờ đã có được ba đứa con. Từ khi đường sá giữa Phú Yên- Gia Lai được nâng cấp, các tuyến đường đi về xã cũng được chương trình 135 đầu tư, đi lại thuận tiện, chị chuyên về Phú Yên mua xe máy cũ lên đổi bò cho người dân địa phương. Chị Nở cho biết không chỉ ở Krông Năng mà hầu hết thanh niên người dân tộc Gia Rai các xã Ea R’mók, Ea D’reh, cách huyện Sông Hinh 30-40 km đều thích xài xe biển số 78 vì họ coi đây là “hàng hiệu” miền xuôi. Cùng một loại xe nhưng nếu mang biển số 81 của Gia Lai sẽ ít giá trị hơn! Ông Nây Y Tu cho biết hiện có đến 90% trong tổng số 481 hộ ở xã Krông Năng có xe máy và hầu hết đều mang biển số 78.

 

NHỮNG “LÀNG CÀ PHÊ PHÚ YÊN” Ở ĐẮC LẮC

 

Không hiểu từ khi nào, nhiều thanh niên ở Krông Pa cho rằng chạy xe máy mang biển số của Phú Yên mới là…sành điệu! Chính vì thế, nhiều gia đình ở Krông Pa xuống Tuy Hòa mua xe, nhờ người quen ở Phú Yên đứng tên đăng ký rồi mang xe về dùng.

Cuối năm, tôi đi cùng một đoàn người ở huyện Phú Hòa lên Đắc Lắc thu hoạch cà phê. Hầu hết những người trong đoàn là chủ trang trại cà phê ở Đắc Lắc nên cả đoàn thuê một chiếc ôtô 16 chỗ ngồi, khí thế tiến lên Tây Nguyên. Vượt cầu Đắc Phú- điểm cuối của ĐT 645 trên địa bàn Phú Yên, chúng tôi đi vào quốc lộ 26 trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Đến cây số 52, chạy gần 40 cây số vào thị trấn Buôn Hồ- huyện lỵ của Krông Buk, tiếp tục vượt hơn 30 cây số, cả đoàn tập kết tại trung tâm xã Cư Né. Ngay tại trung tâm xã này có gần 10 cửa hàng, quán ăn, trong đó có bốn quán của người Phú Yên, chuyên phục vụ cho các trang trại cà phê.

 

Buổi sáng, đứng ở điểm cao nhìn Cư Né bạt ngàn màu xanh của cà phê. Anh Phạm Văn Hoan, quê ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa cho biết riêng ở Cư Né có hai vùng được người dân địa phương gọi là “làng cà phê Phú Yên”. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều người ở Phú Yên lên Cư Né mua lại đất trồng cà phê, lúc đầu chỉ vài người, sau người này rủ người kia và cứ thế hình thành những trang trại cà phê chỉ toàn của người Phú Yên. Anh Hoan nói rằng chỉ riêng khu vực anh làm có đến gần 20 trang trại cà phê của người Phú Yên nằm liền kề bên nhau với hơn 250 ha.

 

Trong “làng cà phê Phú Yên” đã hình thành các con đường khá thơ mộng mà những chủ trang trại tự đặt những tên gọi gắn với quê quán của mình như đường Hòa Quang, Hòa Định, Hòa Kiến, Tuy An…

Ở hai “làng cà phê Phú Yên” tại xã Cư Né, hàng ngày có khoảng 200 người Phú Yên sản xuất trong các trang trại. Không chỉ trồng cà phê, nhiều người còn nuôi bò, gà hoặc kết hợp đưa vật tư nông nghiệp từ TP Tuy Hòa lên buôn bán. Nhiều trang trại đã xây dựng những căn nhà kiên cố, làm nơi ăn ở cho cả gia đình và những người từ Phú Yên lên làm công. Ông Nguyễn Thái Dương, quê ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, một người đã đưa gia đình lên Cư Né lập trang trại từ năm 1997, nói: “Lúc đầu, bà con mình lên đây vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm bà con địa phương. Sau quen dần, nhiều gia đình mạnh dạn mang vốn lên đầu tư nên những năm cà phê được giá, hầu hết các trang trại đều có thu nhập cao, bây giờ không ít gia đình đã trở nên khá giả”. Gia đình ông Dương hiện có một trang trại cà phê rộng 17ha, kết hợp với nuôi bò, cung phân bón cho các trang trại trong khu vực. Bà con nói rằng người giàu nhất ở đây là ông Hà Văn Thái, quê ở Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa. Hiện gia đình ông Thái có một cơ ngơi cả tỉ đồng. Ông Nguyễn Thái Dương bày tỏ: “Gần đây, đường sá đi lại đã tốt hơn, nhiều người từ dưới quê mình tiếp tục lên mua đất làm ăn nên giá đất trồng cà phê cũng ngày càng cao. Khi biết tỉnh Phú Yên đã có chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh Tây Nguyên, bà con ở đây ai cũng mừng bởi tác động trước mắt là giao thông, vận chuyển, mua bán hàng hóa sẽ thuận tiện hơn!”. Nhờ giao thông ngày càng thuận tiện nên bây giờ nhiều người làm ăn ở Cư Né đi về Phú Yên thường xuyên chứ không còn phải ở lại hàng tháng trời như trước đây.

 

Theo những người Phú Yên làm trang trại lâu năm ở Đắc Lắc, hiện có đến 7-8 “làng cà phê Phú Yên” đã hình thành tại tỉnh này. Những năm gần đây, nhiều người lên mua đất, trồng cà phê, lập trang trại, tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Năng, Krông Buk, M’đrăk… Những chủ trại này cũng ngày càng đưa nhiều người nhà hay kéo lao động lên làm ăn, sinh sống, từ đó hình thành những vùng dân cư chỉ toàn bà con người Phú Yên. Tình đồng hương đã giúp bà con nương tựa, dìu dắt lẫn nhau, sớm ổn định cuộc sống ở vùng đất mới. Không chỉ thế, ý chí vươn lên của người Phú Yên đã giúp cho nhiều gia đình trở nên khá giả.

 

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đưa nghề về buôn
Thứ Năm, 22/02/2007 10:07 SA
Chín ông nhân đạo
Thứ Tư, 21/02/2007 16:30 CH
Barie và bốn nông dân
Thứ Ba, 20/02/2007 14:02 CH
Xe ngựa du xuân
Thứ Hai, 19/02/2007 14:54 CH
Gần lắm Trường Sa
Thứ Hai, 19/02/2007 13:39 CH
Nhóm ảnh: Tết quê
Chủ Nhật, 18/02/2007 13:56 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek