Sau hai cái Tết với đảo xa, vừa trở về lại đất liền trước Tết Đinh Hợi, trung úy Lê Ngọc Thái Ban cơ yếu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh kể lại những ngày tháng không quên này.
Trung úy Lê Ngọc Thái tại đảo đá lớn B
Thuở còn học sinh tôi rất thích bài hát Gần lắm Trường Sa của Hình Phước Long: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường bảo rằng/ Trường Sa lắm xa xôi…”
Sau này, khi vào bộ đội, với tôi, Trường Sa thật gần, làm nhiệm vụ ở đảo là một vinh dự. Tôi ao ước được đến đó. Vậy là tôi làm đơn tình nguyện. Và tháng 3 /2004, tôi được tăng cường cho Trường Sa.
Ba mẹ tôi là những cán bộ về hưu, nên rất ủng hộ. Vợ tôi cũng không phản đối. Nhưng có điều tôi hơi áy náy là lúc cấp trên đồng ý cho tôi đi thì cô ấy mới mang thai vài tháng.
Chia tay đơn vị và gia đình, tôi vào lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đóng ở Cam Ranh (Khánh Hoà). Tại đây, tôi được huấn luyện một tháng về các loại súng pháo và một số quy định của Hải quân Việt
17 giờ chiều 28/4/2004, chiếc tàu HQ639 nhổ neo, rời cảng Cam Ranh đưa chúng tôi (khoảng trên 20 người) cùng với hàng hoá hướng ra đảo. Chỉ trong chốc lát bóng đêm đã chìm ngập, đất liền đã mất hút trong tầm mắt. Thật lạ, khi quyết định đi Trường Sa tôi không hề có cảm giác sợ xa nhà, nhưng trong giờ phút này lại thấy lòng nao nao. Rồi cứ hết ngày rồi lại đêm, con tàu như không hề biết mỏi, vẫn cần mẫn rẽ sóng băng băng vượt trùng khơi. Hơn mười ngày sau, thỉnh thoảng tàu ghé vô các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Nam… để bỏ hàng, gửi thư, giao, đón người… Ở những đảo nổi, chúng tôi được rời tàu lên giao lưu với cán bộ chiến sĩ trên đảo. Nhưng với các đảo chìm thì tất cả đều ở lại dưới tàu, trừ những người làm nhiệm vụ.
Đến 9 giờ sáng 15/5 tàu đến đảo Đá Lớn B. Tôi được đưa lên đảo này.
Đảo Đá Lớn B là một đảo chìm, chiều rộng khoảng 1 hải lý, chiều dài khoảng 10 hải lý. Nhưng chỉ khi nào nước thuỷ triều rút xuống thật sâu, bãi san hô mới nhô lên. Doanh trại- nhà ở, của chúng tôi như một cái lò vôi nổi trên mặt biển. Nhà có hình bát giác, gồm ba tầng, trong đó tầng hai và tầng ba để ở. Tất cả cùng có chung đặc điểm là cửa nhỏ, trần thấp và vách dày đến… 3 mét, nhìn ra tứ bề chỉ là biển cả mênh mông. Cách đảo Đá Lớn B chừng 5-6 hải lý là đảo Đá Lớn A và C. Đảo nào cũng nuôi rất nhiều chó, chúng đông gấp đôi, gấp ba so với quân số bộ đội. Mỗi con đều có tên riêng. Thường anh em thương mến ca sĩ nào là nó được mang tên đó, ví dụ như Mỹ Tâm, Hồng Nhung.. Bộ đội nuôi chó để làm bạn chứ rất ít khi giết thịt.
Trên đảo khan hiếm nhất là nước ngọt và đất thịt. Tất cả đều quý như vàng. Để có đất trồng rau, phải nhờ tàu mang từ đất liền ra. Chúng tôi đựng nó trong những cái khay nhựa và chủ yếu để trồng rau muống. Sau một thời gian, đất bạc màu lại phải thay đất khác. Nước ngọt thì anh em hứng nước mưa để dùng, khi thừa, khi thiếu tuỳ theo mùa mưa hay nắng. Trung bình mỗi người được cấp 10-20 lít /ngày.
Ở trên đảo, chúng tôi rất thường hay viết thư cho gia đình (đặc biệt là viết nhật ký), nhưng phải ba đến sáu tháng, khi nào có tàu từ đất liền ra mới gửi được. Đọc báo cũng thế. Nhiều tờ báo đã chuyển màu nhưng với chúng tôi vẫn như mới. Rất may là gần đây anh em trên đảo đã xem được truyền hình
Vui nhất là những ngày Tết cổ truyền. Khoảng Tết Ông Táo 23 tháng Chạp, tàu từ đất liền lại ra đảo, mang theo cả heo cho bộ đội giết thịt. Có thịt, có nếp… anh em tổ chức nấu bánh chưng, làm các món cúng tất niên, đón giao thừa. Ngày tết, nhớ nhà, nhớ đất liền nhưng anh em đều xác định được nhiệm vụ của mình đối với vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
XUÂN HIẾU (ghi)