Nhiều vùng quê Phú Yên ngày Tết vẫn hiện diện một loại phương tiện giao thông khá “nguyên thủy”, đó là xe ngựa!
Cứ tưởng xe ngựa trong thời buổi hiện đại này chỉ dùng để chuyên chở hàng hóa cho những phiên chợ quê, và thậm chí trong tâm thức nhiều người đã loại hẳn phương tiện giao thông thô sơ này. Thực tế nó vẫn tồn tại, “làm ăn được” không chỉ trong ngày thường mà cả dịp Tết. Tết là “mùa” thu nhập khá của những bác tài “lóc cóc”. Không đâu xa, ở chợ Hòa Đa (An Mỹ, Tuy An) chỉ cách thành phố Tuy Hòa 14 cây số, một trong những xã tương đối phát triển của huyện Tuy An vẫn còn khá nhiều xe ngựa.
Mùa tết, những bác tài xe ngựa lau chùi sạch sẽ, sơn mới thùng xe và không quên tắm rửa “động cơ” để chuẩn bị mùa làm ăn đầu năm. Sáng dắt ngựa mắc vào xe, lóc cóc chạy ra chợ hay những khu vực tập trung đông trẻ em để đón khách. Khách đi xe ngựa trong dịp Tết thường là trẻ em và các bà, các chị. Ngày thường thì xe ngựa đi theo tuyến “từ chợ này đến chợ kia”, còn ngày Tết thì tuyến chạy sẽ do khách quy định. Khách yêu cầu chạy tới chỗ nào thì bác tài theo. Thường những điểm đến của khách ngày tết không đâu khác là các điểm vui chơi, du lịch, chùa chiền ở những xã lân cận. Anh Năm, một bác tài xe ngựa thâm niên ở chợ Hòa Đa cho biết: “Tết là mùa làm ăn sướng nhất, không phải phân chia tài chạy, mà khách lại không cần trả giá, lên xe là đi”. Giá xe ngựa khá mềm, suốt tuyến (từ 5 – 15 km) chỉ 3 - 5 ngàn đồng, nên rất được các bà các chị, các em nhỏ chọn lựa.
Không chỉ có ưu điểm giá mềm, đi xe ngựa ngày tết còn có thú vui riêng của nó. Các em nhỏ trong xóm, trong xã không cần hẹn nhau đi chơi tết ở đâu, mà cứ tới “bến xe ngựa” là đã có sẵn người chờ đợi tư vấn, cứ thế mà lên xe. Xe ngựa tuy tứ bề trống trải nhưng hành khách sẽ có được những cảm giác khá thú vị. Đường đất sỏi, dồng dốc thì xe lắc lư nghiêng ngả khiến người ngồi xe cũng nghiêng ngả theo, đè lên nhau, phát ra những tràng cười rúc rích vui vẻ. Đường bằng phẳng thì “ôi chao là êm” những tiếng lóc cóc gõ nhịp, tiếng lục lạc hòa theo cứ như được thưởng thức một bản hòa tấu đặc biệt. Mọi người có thể thưởng lãm phong cảnh dọc đường đi. Nói như anh Năm ở Hòa Đa, bác tài, kiêm hướng dẫn du lịch, thì chỉ có “Nhất hoa kỳ (*), nhì xe ngựa” chứ không thứ xe nào qua mặt được!
Nhiều là du lịch như Đà Lạt, Nha Trang… xe ngựa trở thành phương tiện giao thông “kiểng” khá thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Ở ta thì chưa phát triển du lịch, nhưng du Xuân bằng xe ngựa lại là một nét văn hóa đồng quê. Tại sao không thử một lần du Xuân bằng xe ngựa nhỉ?
(*) xe hoa kỳ đại diện cho thế hệ ôtô hiện đại trước đây hay còn gọi xe zeep.
THẾ NHƠN