Thứ Hai, 30/09/2024 04:28 SA
Chín ông nhân đạo
Thứ Tư, 21/02/2007 16:30 CH

Bình dị nhưng không bình thường là những công việc mà họ đang làm. Mở lớp học tình thương dạy trẻ cái chữ, cái nghề, rồi chữa bệnh từ thiện, làm việc thiện... họ vẫn chưa thấy hài lòng. Ý định thành lập một mái ấm dành cho trẻ tàn tật bẩm sinh nặng, có thể gánh đỡ nỗi nhọc nhằn cho gia đình, sắp trở thành hiện thực. Quyết tâm ấy được thắp lên bằng lửa nhiệt tình, bằng trái tim nhân đạo của các thành viên Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Xuân Lộc (huyện Sông Cầu).

 

ÔNG HIỆP CHỮA BỆNH, ÔNG PHƯỚC DẠY CHỮ - DẠY NGHỀ

 

070219-ong-phuoc.jpg

Trao quà, cấp xe lăn - hoạt động nhân đạo của Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Xuân Lộc – Ảnh: THU THỦY

Ở xóm chợ Gò Duối, thôn Chánh Lộc ( xã Xuân Lộc) người thợ thiếc tên Nguyễn Phước và vị lương y Phan Văn Hiệp đã trở thành ân nhân đặc biệt của trẻ em  tàn tật, trẻ em nghèo, thất học.

 

Chỉ với kiến thức tú tài, ông Phước tự nguyện nhận dạy chữ cho những đứa trẻ mồ côi, lang thang. Căn nhà ngổn ngang toàn thiếc dần được thu hẹp để nhường chỗ cho những chiếc bàn học của gần 40 em theo học lớp ghép, bù cho sự đơn côi vắng bóng vợ con. Việc làm này đã sưởi ấm tâm hồn ông Phước.

 

Để những đứa trẻ bất hạnh không thua kém bạn bè, ông Phước luôn động viên các em học, bằng cách thưởng kẹo cho em nào đạt điểm 10. Hạnh phúc  trong ông được nhân lên khi dắt trẻ đi thi cuối khoá và những kết quả học tập khả quan mà chúng đem lại. Điều đáng quí nữa ở ông Phước là ông còn truyền luôn nghề thợ thiếc gia truyền cho những em có nhu cầu.

 

Câu chuyện về người thầy không biên chế Nguyễn Phước diễn ra đã gần 10 năm nhưng vẫn như vừa mới hôm qua. Bởi vào những ngày cuối năm 2006, trong một cuộc trao quà cho trẻ nghèo, chúng tôi lại bắt gặp ông, vẫn dáng người gầy gầy, nhiệt tình mang tặng từng cuốn sách, tập vở, cây viết cho học sinh nghèo.

 

Ngày giáp tết, học trò cũ Nguyễn Văn Cư từ thành phố Hồ Chí Minh về ghé thăm ông. Cư xúc động: “Em vốn là đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bỏ học giữa chừng khi mới lớp 2. Nhờ thầy Phước dạy chữ và truyền nghề, em mới có cơ hội lập thân, lập nghiệp nơi đất khách và có cuộc sống ổn định hôm nay”.

 

Với ông Phan Văn Hiệp, (người dân hay gọi là thầy Ba Hiệp) gần 40 năm gắn bó với nghề, không sao nhớ hết mình đã điều trị bệnh miễn phí cho bao nhiêu người nghèo. Chỉ biết rằng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị nhiễm chất độc màu da cam với chứng câm, điếc, bại liệt… lần lượt tìm đến vòng tay ấm áp của vị lương y già. Hai cậu bé Lý Văn Tràng, Lâm Văn Tráng  nay đã lên học lớp 8, lớp 9 mãi không quên ân huệ của ông đã châm cứu chữa trị biến những đôi chân bại liệt, què quặt trở nên cứng cáp.

 

NỐI NHỊP MÙA XUÂN

 

070219-ong-hiep.jpg

Lương y Phan Văn Hiệp hàng ngày chữa bệnh miễn phí cho trẻ tàn tật – Ảnh: THU THỦY

Nếu như lúc đầu chỉ có ông Phước làm thầy giáo bất đắc dĩ, ông Hiệp lương y trị bệnh miễn phí cho người nghèo, thì nay đã được họ nâng lên thành “Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Xuân Lộc” với 9 thành viên. Phần lớn họ xuất thân từ nông dân với những cái tên rất “thiện” như  Hiệp, Phước, Thành, Lương, Thảo, Hùng, Sang, Tình, Cường.

 

Chính sự hướng thiện, biết đau với nỗi đau của người nghèo, ông Phước, ông Hiệp đã thắp lên lửa nhiệt tình của 7 người còn lại. Anh Nguyễn Phi Hùng bộc bạch: “Nhìn thầy Phước dạy học, thầy Ba Hiệp chữa bệnh cho bọn trẻ, tôi ước mình có thể làm được việc gì để giúp các  em. Vậy là xin vào nhóm phụ trách phần nắm bắt tình hình trẻ có hoàn cảnh khó khăn rồi làm xe thồ chở các em đến chỗ thầy Ba Hiệp chữa bệnh”.

 

Còn đối với Nguyễn Đình Thành, trở thành một “Ông nhân đạo” cũng thật tình cờ. Là dân kinh doanh, điều kiện kinh tế có phần thuận lợi, anh muốn  giúp đỡ  lâu dài cho những số phận không may mắn nên tình nguyện vào nhóm, phụ trách công tác vận động gây quỹ. Những thành viên còn lại ở các xã Xuân Bình, Xuân Hải, Xuân Hoà, Xuân Cảnh cũng năng nổ để mở rộng địa bàn hoạt động và qui mô trợ giúp. 

 

Thêm một tấm lòng là người khốn khó có thêm sự chia sẻ. 9 “Ông nhân đạo” thường xuyên có mặt ở những nơi xảy ra chuyện đau thương, vận động quyên góp hỗ trợ người đói nghèo, người có nhà bị cháy, bị sập do bão lũ hay phải cưu mang những đứa trẻ lang thang. Việc làm của họ thật đáng trân trọng. Mỗi món quà cho dù nhỏ, họ đều mang đến tận nhà trao tặng bằng sự chia sẻ thân tình.  Từ đó, Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Xuân Lộc lan toả niềm tin, thu hút sự tham gia  ủng hộ của hàng trăm người.

 

“Tìm ông nhân đạo- không gạo cũng tiền- không tiền cũng áo...” bà con 5 xã cánh Bắc huyện Sông Cầu hay đọc như vậy khi có ai đó khó khăn cần giúp đỡ.

 

MÁI ẤM NIỀM TIN

 

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Phú Yên:

 

Hoan nghênh những đóng góp của 9 thành viên Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Xuân Lộc. Điển hình này nếu được nhân rộng sẽ là một thành công lớn trong công tác cứu giúp trẻ em khuyết tật của tỉnh. Họ đã nối thêm nhịp cầu của tình nhân ái mà hơn bao giờ hết  những mảnh đời bất hạnh đang rất cần.

Hiện “9 ông nhân đạo” đang chung tay giúp đỡ 88 cháu bị câm điếc, bại liệt và các trường hợp tàn tật khác cần được điều trị bệnh, phục hồi chức năng. Ngoài công sức và sự đóng góp vật chất của họ, quyển sổ vàng còn ghi nhận sự ủng hộ của các mạnh thường quân trên mọi miền đất nước. Người góp tiền, người góp gạo, quần áo, sách vở... tất cả đều được lưu lại như một sự tri ân thầm lặng. Dòng nhật ký của ông Nguyễn Văn Nam, một người dân ở thôn Diêm Trường (Xuân Bình) thể hiện trong hoạn nạn mới thấy lòng nhau: “Suốt hai năm qua, nhờ tấm lòng nhân ái của Nhà cứu trợ trẻ em Xuân Lộc, con gái tôi mới khỏi bệnh. Nghĩa cử ấy, tôi không bao giờ quên. Là ngư dân làm nghề đi lưới gõ, vất vả lắm mới để dành dụm được 1 triệu đồng. Nhưng tôi không giữ nó làm của riêng mà xin quyên góp vào sổ vàng nhân đạo”.

 

Mong muốn của các thành viên Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Xuân Lộc  là không chỉ giảm bớt nỗi đau cho trẻ tàn tật mà quan trọng hơn hướng các em hoà nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Kế hoạch tạo một điểm tựa vững chắc hơn mà ông chủ nhiệm Phan Văn Hiệp từng ao ước thực hiện trong thời gian còn lại của cuộc đời mình, giờ sắp thành hiện thực. Người thầy thuốc già cười tươi: “Chúng tôi sẽ xây dựng hẳn một cơ sở dạy chữ, dạy nghề và điều trị bệnh cho các em. Kinh phí xây dựng và hoạt động đã có, chỉ chờ Nhà nước cấp cho miếng đất. Một cộng đồng nhân ái, có trách nhiệm chính là nơi neo đậu của những mảnh đời bất hạnh”.

 

THU THỦY-THUÝ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đưa nghề về buôn
Thứ Năm, 22/02/2007 10:07 SA
Gần lắm Trường Sa
Thứ Hai, 19/02/2007 13:39 CH
Nhóm ảnh: Tết quê
Chủ Nhật, 18/02/2007 13:56 CH
Đưa biển xa gần với đất liền
Chủ Nhật, 18/02/2007 08:18 SA
Những người không nghỉ tết
Thứ Bảy, 17/02/2007 17:14 CH
Trước giờ giao thừa
Thứ Bảy, 17/02/2007 00:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek