Thứ Hai, 30/09/2024 04:36 SA
Đưa nghề về buôn
Thứ Năm, 22/02/2007 10:07 SA

Ngay tại buôn làng mình, bà con dân tộc thiểu số được học nhiều nghề. Người biết dệt thổ cẩm, người biết cách nuôi heo vỗ béo, cách trồng cây, làm nấm ăn, người biết mắc điện dân dụng, hàn, gò… mà  không phải mất tiền.

 

070219-det-tho-cam.jpg

Nhờ những lớp học, nghề thổ cẩm được mở rộng – Ảnh: VŨ HOÀNG

 

“ƯNG CÁI BỤNG LẮM!”

 

Hôm khai giảng các lớp điện, dệt, may tại xã Phú Mỡ mặt cho trời mưa to, 80 thành viên đăng ký học vẫn đến đông đủ. Ở họ, niềm vui luôn hiện hữu trên khuôn mặt. Ma Tiền hóm hỉnh: “Phải đi học lớp điện dân dụng này thôi. Hôm trước Ma Min học về, làm được nhiều điều hay lắm. Mình mà giỏi như ông ấy, thì bà vợ mình sẽ khen thôi”. Cô gái La O Thị Sen thì nhỏ nhẹ: “Em không có tiền để học may ở tiệm, nên đây là dịp để có được nghề”. Còn La O Thị Út thì vui cái bụng vì ngày mai sẽ được ngồi bên khung dệt thổ cẩm. Em bộc bạch: “Mẹ nói, nếu em học được nghề này là phải tự dệt vải may trang phục cho cả nhà để mặc vào các dịp lễ. Sau này lập gia đình về dệt vải cho chồng, cho con. Nghĩ vậy, em thấy ưng cái bụng lắm!”.

 

Khi học về nông nghiệp, bà con có được cách làm mang lại hiệu quả thiết thực. Qua lớp học về chăn nuôi- thú y, người dân tộc Ba Na, Ê Đê biết thêm cách nuôi heo vỗ béo, biết cách chọn giống bò tốt và cách phòng bệnh. Còn học làm nấm rơm, nhiều bà con tự cải thiện bữa ăn gia đình và tham gia sản xuất nhỏ. Chị Nguyễn Thị Du, thôn Tân Bình (Xuân Sơn Bắc) phấn khởi: “Phụ nữ nông thôn mà có thêm nghề làm nấm thì rất lợi, vì ở đây có rơm rạ nhiều, lại không mấy nhọc công. Chị gái tôi ở Xuân Sơn Nam nhờ làm nấm bán, mà sắm được nhiều thứ trong nhà”. Học các nghề công nghiệp, bà con được trang bị một số nghề dân dụng thật tiện. Ma Bin, thôn Hà Rai (Xuân Lãnh) không dấu được  niềm vui bởi khi học xong lớp điện, anh không sợ điện giật mà biết tự mắc điện và sửa chữa đồ gia dụng.

 

DẠY NGHỀ LƯU ĐỘNG

 

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lãnh Nguyễn Hữu Từ: Việc bà con xã này học chăn nuôi, thú y, làm nấm, sửa điện, lâm sinh và dệt thổ cẩm... như được thổi vào luồng sinh khí mới trong cách nghĩ, cách làm. Đặc biệt, với nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Xí Thoại, Hà Rai, sẽ giúp bà con dân tộc thiểu số khôi phục lại làng nghề trong thời gian không xa.

 

Năm 2006, Trung tâm dạy nghề Đồng Xuân đã mở 45 lớp nghề ngắn hạn cho 1002 nông dân, trong đó có 280 người dân tộc thiểu số

“Phải dạy cái người ta cần”, suy nghĩ của ông Đỗ Đức Tánh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dạy nghề huyện Đồng Xuân cũng chính là bí quyết thành công trong công tác đào tạo. Với ông Tánh, đây là các nghề cầm tay chỉ việc, nên nhiều người rất thích. Tuy vậy, phải tìm nghề phù hợp cho từng địa bàn, từng đối tượng kể cả người khuyết tật và trẻ em khó khăn.

 

Với người dân tộc thiểu số, Trung tâm dạy nghề huyện chủ yếu mở lớp lưu động tại buôn làng hoặc các xã, cụm xã với các nghề truyền thống, như dệt thổ cẩm, chăn nuôi-thú y, trồng trọt- bảo vệ thực vật, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia học nghề. Một số ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì cơ động tổ chức dạy nghề gắn với các cơ sở sản xuất, làng nghề như các nghề nề, hàn, đan đát … vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, ăn ở, vừa nâng cao kỹ năng thực hành nghề giúp người dân dễ tìm việc làm sau khi hoàn thành khoá học. Phần lớn các lớp nghề lưu động tập trung ở những địa bàn dân cư sinh sống rải rác, đi lại khó khăn.

 

Một cách làm hay  của Trung tâm là vận động chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, UBND các cấp và dùng tiền thuê thiết bị, phòng học lý thuyết, cơ sở thực hành của trung tâm để hỗ trợ, bồi dưỡng cho người học. Nhờ vậy, vừa khuyến khích vừa giảm chi phí học tập cho người học, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số khi UBND tỉnh chưa cấp kinh phí hỗ trợ ăn ở, đi lại cho người học. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng ở các lớp nghề ngắn hạn, phần giảng dạy lý thuyết mời giáo viên từ các phòng hạ tầng kinh tế, trạm thú y huyện, các chuyên viên, bác sĩ chuyên ngành. Khâu thực hành do các nghệ nhân, thợ lành nghề hướng dẫn. Nhờ vậy, lớp nghề vừa đảm bảo yêu cầu về kiến thức vừa đạt những kỹ năng cần thiết cho người học.

 

DƯƠNG THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gần lắm Trường Sa
Thứ Hai, 19/02/2007 13:39 CH
Nhóm ảnh: Tết quê
Chủ Nhật, 18/02/2007 13:56 CH
Đưa biển xa gần với đất liền
Chủ Nhật, 18/02/2007 08:18 SA
Những người không nghỉ tết
Thứ Bảy, 17/02/2007 17:14 CH
Trước giờ giao thừa
Thứ Bảy, 17/02/2007 00:37 SA
Mùa xuân trở lại
Thứ Sáu, 16/02/2007 08:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek