Thứ Năm, 02/05/2024 20:32 CH
Thành An Thổ - thủ phủ tỉnh Phú Yên trong thế kỷ XIX
Thứ Hai, 27/03/2006 08:31 SA

Thành An Thổ, một trong những thủ phủ của tỉnh Phú Yên dưới thời phong kiến, vừa được công nhận là di tích lịch sử  quốc gia.

 

Thành An Thổ được xây đắp dưới thời Minh Mạng, khoảng năm 1836, sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi việc này như sau : “Bính Thân, Minh Mạng năm thứ 17, dời tỉnh thành Phú Yên ra chỗ khác, ở địa phận thôn Long Uyên, huyện Đồng Xuân, cách lỵ sở cũ hơn 560 trượng. Bốn mặt thành đều dài 60 trượng, thân thành cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 tấc. Khi công cuộc xây dựng xong, tiền thưởng cho quân và dân đã làm việc là 3000 quan tiền”. Còn sách Đại Nam nhất thống chí  cũng của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi rằng: “Thành đạo Phú Yên: chu vi 333 trượng, cao 8 trượng linh, mở 4 cửa, ngoài thành có hào, ở thôn Long Uyên, huyện Đồng Xuân, thành đất, đắp từ năm Minh Mạng.”

 

Di tích thành An Thổ - Ảnh: Lê Minh

 

Thành An Thổ nằm ở giữa thôn An Thổ, thuộc xã An Dân, đây là một địa điểm thuận lợi về mặt địa lý, từ đây theo sông Cái có thể dễ dàng đi ra biển hoặc ngược lên phía tây. Nếu theo đường bộ đi đến các địa phương trong tỉnh thuận lợi hơn tỉnh lỵ cũ, đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước của chính quyền phong kiến. Về vị trí này Bố chánh Ðinh Nho Quang trong sớ tâu lên Vua Tự Đức đã viết: “Thần quan Phú Yên, nhất tỉnh sơn thủy chi thắng vơ vu Long Uyên” (Thần xem trong toàn tỉnh Phú Yên, thắng cảnh sơn thuỷ không đâu bằng Long Uyên ) .

 

Thành An Thổ có bình đồ hình vuông, mặt tiền quay về hướng đông, mặt nam cách sông Phú Ngân (nhánh sông Cái) khoảng 400m, mặt bắc cách sông Vét (sông Con) khoảng 150m và được xây dựng theo quy chuẩn của triều đình lúc bấy giờ. Thành An Thổ có kiến trúc kiểu Vauban, một kiểu kiến trúc thành phố biển trong thế kỷ 19, những tòa thành kiểu này vừa mang chức năng là trung tâm chính trị nhưng đồng thời cũng là căn cứ phòng thủ quân sự. Bao quanh bên ngoài là chiến hào, tiếp đến là thành ngoại, thành nội ở vào vị trí trung tâm của khu thành và bên trong thành nội là nơi đặt công đường làm việc của bộ máy quan lại.

 

Kết quả khảo sát ở di tích này cho thấy các bờ thành ngoại ở 4 mặt đều có độ dài tương đương nhau, xấp xỉ 300m. Các bờ thành có bình diện không phải là một đường thẳng mà cấu tạo bẻ khúc, lõm vào ở đoạn giữa và dôi ra ở hai đầu. Vì các bờ thành đều có bố cục và độ dài giống nhau nên nhìn về tổng thể khu thành có bình diện rất vuông vức và cân đối. Ở các góc thành có những mô đất cao, có thể là đấu vết của các tháp canh.

 

Kể từ khi địa danh Phú Yên được chính thức xác lập vào năm 1611 cho đến năm 1945 - thời điểm kết thúc chế độ phong kiến, có 4 địa điểm được chọn đặt làm thủ phủ Phú Yên, đó là thành Hội Phú, nay thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (1611 đến 1836), thành An Thổ, nay thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An (1836 đến 1888), thôn Xuân Thạnh, xã Xuân Thọ I, huyện Sông Cầu (từ 1888 đến 1889) và thôn Long Bình, thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu (từ 1889 đến 1945).

Dấu vết hệ thống hào nước bao quanh khu thành hiện nay vẫn còn tương đối rõ. Độ rộng của hào phụ thuộc vào kiến trúc của tòa thành. Ở các góc thành, hào rộng từ 10-15m; ở phía trước và hai bên cửa thành, hào rộng từ 25-30m; độ sâu hiện tại của hào là 2,5-3m, có điểm sâu đến 5-6m. Tại góc đông bắc có dấu vết một cửa nước chảy ra bầu Vôi đến sông Vét thông với cửa biển Tiên Châu và vịnh Xuân Đài. Những tư liệu thu được qua các đợt khảo sát cho thấy trước đây hào nước rất sâu, dưới hào là lớp bùn dày, trồng sen, những bờ tre dày kín được trồng ở bên ngoài, tạo nên hệ thống phòng thủ rất kiên cố.

 

Sau khi trở thành thủ phủ, hệ thống quan lại của chế độ phong kiến bao gồm Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát, Lĩnh binh... cũng chuyển về đây để điều hành các hoạt động của hệ thống chính trị lúc bấy giờ.

 

Về quân sự, thời kỳ thủ phủ Phú Yên đặt tại An Thổ là thời kỳ thực dân Pháp từng bước xâm lược nước ta và đây cũng là thời kỳ nổ ra cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp của nhân dân Phú Yên từ 1885 – 1887. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa là Lê Thành Phương đã bị giết tại bến đò Cây Dừa, gần khu vực thành An Thổ.

 

Về kinh tế bên cạnh sản xuất nông nghiệp, việc An Thổ trở thành thủ phủ cũng đã kích thích sự phát triển của thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay chợ thành ở cửa phía nam vẫn còn hoạt động nhộn nhịp,  các làng nghề như dệt lụa Ngân Sơn, nghề gốm Quảng Đức... dọc theo bờ sông Cái gần khu vực thành An Thổ được hình thành từ rất sớm và những dấu vết để lại cho thấy những làng nghề này phát triển rất phồn thịnh trong thế kỷ XIX.

 

Thành An Thổ là tỉnh lỵ của Phú Yên trong khoảng 60 năm. Cuối thế kỷ XIX, thành không còn phù hợp với vị trí của tỉnh đường. Sau cuộc khởi nghĩa Cần Vương, khu vực này thiếu sự ổn định về an ninh. Hơn nữa, đến giai đoạn này, các loại tàu lớn không ra vào được cảng Tiên Châu. Đây chính là những lý do mà thôn Xuân Thạnh, xã Xuân Thọ nằm phía bắc Tỉnh đường cũ được chọn làm thủ phủ mới vào năm 1889. Từ đó, thành An Thổ trở thành phủ lỵ của phủ Tuy An cho đến năm 1945.

 

Năm 1901, ông Trần Văn Phổ - thân sinh của đồng chí Trần Phú - được bổ nhiệm làm chức đốc học tại Tuy An. Ông đã đưa cả gia đình vào khu vực thành An Thổ sinh sống và đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam được sinh ra trên mảnh đất này.

 

NGUYỄN DANH HẠNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những mốc son của Đảng bộ Phú Yên
Thứ Tư, 08/03/2006 11:21 SA
Đất và người Phú Yên (*)
Thứ Sáu, 16/12/2005 14:28 CH
Phú Yên thời mở cõi
Thứ Sáu, 16/12/2005 10:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek