Thứ Năm, 02/05/2024 12:36 CH
Hướng tới kỷ niệm 395 năm tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 13/03/2006 07:57 SA

Kỷ niệm thời điểm thành lập tỉnh Phú Yên, chúng ta không thể không nhắc đến công lao của tiền nhân đã chung sức xây đắp nên mảnh đất này, cũng không thể không nói đến sự góp sức của các tộc người đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Đó là sự hợp sức để làm nên một truyền thống văn hóa mang tính địa phương, khiến cho dù có đi đâu, người Phú Yên vẫn có một cách phát âm riêng, vẫn có một cách ứng xử riêng, góp phần làm phong phú cho bản sắc văn hóa của dân tộc ta.

 

Học sinh trường THCS Lương Văn Chánh tổ chức sinh hoạt tập thể trong khuôn viên di tích lịch sử Đền thờ Lương Văn Chánh - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Gần đây có một xu hướng của nhiều nhà sử học trên thế giới muốn đặt vấn đề viết lại lịch sử dân tộc. Lịch sử một dân tộc hiện đại không thể chỉ là lịch sử của dân tộc chủ thể chiếm đa số, mà phải là lịch sử của tất cả các tộc người đã từng tồn tại và chung sức xây đắp nên một lãnh thổ chung qua thử thách của thời gian. Vì vậy mà nước Mỹ ngày nay không phải chỉ có hơn 200 năm lập quốc kể từ khi người châu Âu đến lập cư và xây dựng nên một quốc gia độc lập. Các nhà sử học Mỹ đã đẩy lịch sử dân tộc lên xa hơn, kể từ khi các bộ lạc da đỏ sinh sống trên đất này, và người da trắng châu Âu chỉ là những người kế tục cộng thêm sự bổ sung của người da đen, người Nam Mỹ sau này, để xây dựng nên một dân tộc đa văn hóa như ngày nay.

 

Ở Trung Quốc, các nhà sử học cũng đặt vấn đề phải viết lại lịch sử cổ đại Trung Hoa, mà một trong những người khởi xướng tích cực là học giả Sử Thức. Theo các nhà sử học này thì lịch sử Trung Hoa cổ đại trước kia chỉ là lịch sử của Hán tộc, tuy rằng trên thực tế các tộc du mục phương Bắc đã nhiều lần xâm chiếm Trung nguyên, lập nên những triều đại rực rỡ vào các thời đại Ngũ đại – Thập lục quốc, Nam Bắc triều, nhà Nguyên, nhà Thanh. Không thể coi các tộc phương Bắc đó là người ngoại tộc xâm lăng Trung Quốc, vì chính họ đã có nhiều đóng góp làm phong phú thêm văn minh Trung Hoa. Vì vậy nhiều nhà sử học ngày nay khi viết lại cổ sử Trung Hoa đã có ý thức tìm hiểu nền văn minh của các tộc Việt miền Giang hạ, mà họ coi là tiến bộ hơn người Hoa ở lưu vực Hoàng Hà, các tộc Tây Hạ ở phía Tây, tộc Khiết Đan ở phía Bắc…

 

Các nhà sử học Việt Nam thì hình như vẫn còn đứng ngoài trào lưu đó. Chúng ta chỉ mới quan tâm đến lịch sử của người Việt, còn lịch sử các tộc khác thì được coi như là một phần riêng biệt dành cho những người nghiên cứu chuyên ngành, gọi là phần bổ sung hay phụ lục. Nhưng khi nói đến lịch sử phần đất phía Nam, chúng ta không thể bỏ qua lịch sử vương quốc Champa và những bước thịnh suy của một nền văn minh rực rỡ. Vào sâu hơn nữa thì không thể không nói đến lịch sử các tộc người ở Tây Nguyên và ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tháp Nhạn TP Tuy Hòa - Ảnh: D.T.X

 

Tìm hiểu lịch sử hình thành danh xưng Phú Yên, chúng ta cần kỷ niệm sự kiện ra đời của một đơn vị hành chính, nhưng trước đấy cũng cần xác định lại địa vực của đơn vị hành chính này, xem nó đã được ra đời như thế nào.

 

Nếu xác định Phú Yên là phần đất nằm giữa đèo Cù Mông và đèo Đại Lãnh, thì ta thấy nó vốn là phần đất cực nam của huyện Tượng Lâm thời nhà Tần và là quận Nhật Nam thời nhà Hán xâm lược nước ta. Và chúng ta phải nhắc đến sự kiện năm 137 sau công nguyên dưới thời nhà Hán, người anh hùng Khu Liên của dân tộc Chăm đã lãnh đạo nhân dân nổi lên chống lại ách thống trị của Bắc triều để lập nên nước Lâm Ấp, một danh xưng do người Trung Quốc đặt cho họ. Khi đó vùng đất này vẫn là điểm tận cùng phía nam của nước Lâm Ấp. Bên kia đèo Đại Lãnh hồi đó còn là đất Phù Nam. Điều đáng buồn là trong các sách giáo khoa lịch sử Việt Nam hiện nay, lịch sử vương quốc Champa chỉ được nhắc đến một cách sơ lược, còn vương quốc Phù Nam thì hầu như không được nói đến, coi như là chuyện của nước ngoài (!).

 

Thời điểm chúng ta thường bàn đến là cuộc tấn công vào đất Champa của Lê Thánh Tông. Năm 1471 nhà vua đã thân chinh đem theo 26 vạn binh tiến vào lãnh thổ Champa, đến Thuận Hóa thì viết bản “Bình Chiêm sách” phân phát cho tướng sĩ. Nhà vua theo đường biển tiến vào cửa Thị Nại, đánh thành Chà Bàn bắt sống vua Champa. Quân Đại Việt lúc đó đã tiến đến chân đèo Cù Mông. Đại tướng Chăm là Bồ Tri Trì đem quân vào đất Phan Lung (tức Phan Rang), giữ được hai phần năm đất nước tự xưng làm vua, rồi sai sứ giả sang xin Thánh Tông phong cho làm vua Chiêm Thành trên miền đất từ Đại Lãnh trở vào. Nhưng để chia nhỏ thế lực của Champa, Thánh Tông cắt đất phía tây và phía bắc của Champa còn lại đặt thành hai nước Nam Bàn và Hoa Anh. Sách Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn chú rằng các nước Thủy Xá, Hỏa Xá sau là đất Nam Bàn, vậy Nam Bàn là miền châu Thượng Nguyên xưa, tức Tây Nguyên ngày nay. Còn Hoa Anh thì sách này chú là không rõ ở đâu. Theo sử gia Đào Duy Anh thì có lẽ là miền Phú Yên (Đất nước Việt Nam qua các đời, tr.232, bản in 1994). Như vậy không hiểu vì lý do gì mà phần đất từ Cù Mông đến Đại Lãnh, tức Phú Yên ngày nay, lại chưa được Lê Thánh Tông thâu tóm vào bản đồ Đại Việt. Còn phần đất mới chiếm được đến đèo Cù Mông thì Thánh Tông gồm vào đạo Quảng Nam.

 

Mãi đến năm 1611, sau khi Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Đàng Trong, lấy cờ người Chăm hay đánh phá miền Bình Định, bèn cất quân chiếm vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Đại Lãnh, tức là đất nước Hoa Anh thời Lê Thánh Tông. Đất mới đó được đặt thành hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, họp thành phủ Phú Yên. Nguyễn Hoàng còn đặt dinh Trấn Biên để trấn thủ miền đất mới mở thêm.

 

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải xem vương quốc Hoa Anh này là gì. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Champa hiện nay thì người Chăm chưa bao giờ thành lập được một vương quốc thống nhất, mà chỉ là tập hợp của liên minh các tiểu vương quốc gọi là manđala. Vì vậy vùng đất Bình Định, Phú Yên xưa có thể là thuộc châu Vijaya trong số 5 manđala của vương quốc Champa (theo Trần Kỳ Phương, Nghiên cứu và Phát triển, 3-2003, tr.65). Nếu đúng như vậy thì việc Lê Thánh Tông giữ lại sự tồn tại của vùng đất Phú Yên tức vương quốc Hoa Anh, song song với việc chấp nhận sự tồn tại của tiểu vương quốc phía nam đèo Đại Lãnh của Bồ Trì Trì (tức châu Kauthara) là điều dễ hiểu. Đó chỉ là sự chấp nhận một thực thể đã có sẵn, chứ không phải là việc sắp đặt mới của vua nước Đại Việt.

 

Nói tóm lại, kỷ niệm thời điểm thành lập tỉnh Phú Yên, chúng ta không thể không nhắc đến công lao của tiền nhân đã chung sức xây đắp nên mảnh đất này, cũng không thể không nói đến sự góp sức của các tộc người đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Đó là sự hợp sức để làm nên một truyền thống văn hóa mang tính địa phương, khiến cho dù có đi đâu, người Phú Yên vẫn có một cách phát âm riêng, vẫn có một cách ứng xử riêng, góp phần làm phong phú cho bản sắc văn hóa cảu dân tộc ta.

 

ĐÀO HÙNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những mốc son của Đảng bộ Phú Yên
Thứ Tư, 08/03/2006 11:21 SA
Đất và người Phú Yên (*)
Thứ Sáu, 16/12/2005 14:28 CH
Phú Yên thời mở cõi
Thứ Sáu, 16/12/2005 10:46 SA
Tổng quan về Phú Yên
Thứ Tư, 05/10/2005 16:49 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek