Thứ Sáu, 17/05/2024 09:28 SA
Phú Yên thời mở cõi
Thứ Sáu, 16/12/2005 10:46 SA

Thời mở đất của vùng đất từ Cù Mông tới Đá Bia trong khoảng thời gian từ giữa nửa sau thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 17 không có được tài liệu thư tịch đương thời. Đến thế kỷ 19 mà Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn phải viết: Lương Văn Chánh “là bậc công thần thời quốc sơ, khai khẩn đất hoang, mở mang biên cảnh, công lao rõ rệt, nhưng sự tích được biết đến muộn nên không được chép trong sách Thực Lục”.

 

Tháp Nhạn - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Bởi nguồn tài liệu thư tịch cổ thiếu, ít nên muốn tái hiện lịch sử đất Phú Yên thời mở đất cần tranh thủ nhiều phương pháp tiếp cận khác nữa: nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh, nghiên cứu danh xưng học (trong đó có địa danh), nghiên cứu văn học dân gian, sưu tầm các gia phả, tộc phả, thần phả và điều tra điền dã dân tộc học…

 

NĂM 1471 – NÚI ĐÁ BIA TRỞ THÀNH RANH GIỚI CHĂMPA – ĐẠI VIỆT

 

Đó là năm mà sử đã ghi:

 

“Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đến đây, lấy núi Thạch Bi làm giới hạn” (Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Phú Yên).

 

“Vua Lê Thánh Tông nam chinh, mở đất đến đây, ở trên núi có sai mài đá khắc chữ ghi việc chia ranh giới với Chiêm Thành” (Hoàng Việt nhất thống chí).

 

“Núi Thạch Bi ở Phú Yên là chỗ tiên triều phân địa giới với Chiêm” (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục) và nhiều sách khác.

 

Đó là năm mà đức vua trẻ, văn võ song toàn Lê Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 26 vạn quân Chiêm, hạ thành Chà Bàn, bắt sống vua Chămpa Trà Toàn và cho quân truy đuổi Bồ Trì Trì. Quân của vua Lê dừng lại ở chân đèo Cả, còn Bồ Trì Trì chạy về tận Phan Rang. Bồ Trì Trì sau đó xin thần phục, được vua Lê phong cho làm vua Chiêm Thành với giới hạn cương vực từ phía nam núi Đá Bia trở vào. Ranh giới phía bắc của Chămpa từ năm đó là núi Đá Bia được tuyên bố rõ. Không thấy có chữ ghi trên hòn đá cao 60m trên đỉnh núi cao hơn 700m đó. Hồi thế kỷ 18 Lê Quý Đôn cũng đã viết: “Lâu ngày dấu chữ đã mòn mất”. Nhưng, giá trị thực hiện quy định này của vua Lê là điều khẳng định. Quân Chiêm vượt qua giới hạn này là “xâm lấn biên cảnh” và đều bị trừng trị mà lần sau cùng là vào năm 1653.

 

Nhân dân Phú Yên đều lập đền thờ vua Lê Thánh Tông ở làng Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An là suy tôn, tri ân người có công mở đất. Câu đối của Bố Chính Nam Nho Quang treo ở đền có nghĩa: “Non sông mở đất năm nào, phụ lão truyền nhau công Hồng Đức”. Như vậy, vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia sau năm 1471 không còn là lãnh thổ của Chiêm Thành nữa. Nhưng chính quyền của nhà Lê cũng chưa thiết lập ở đây một tổ chức hành chính chặt chẽ như ở phía bắc Cù Mông. Đại Nam nhất thống chí  chép: “Từ núi Cù Mông vào Nam còn thuộc Man Lèo”. Trên bản đồ Hồng Đức, nước ta lúc đó tới chân đèo Cù Mông.

 

Đại Việt Sử ký toàn thư sau khi ghi việc vua phong cho Bồ Trì Trì làm vương nước Chiêm đã viết: “Vua lại phong vương cho Hoa Anh và Nam Bàn, làm 3 nước để ràng buộc”.

 

Vị trí của Nam Bàn đã được Lê Quý Đôn xác định rõ trong Phủ biên tạp lục. Đó là địa bàn cư trú của người Êđê và người Jarai với thiết chế xã hội do Mtao Apui (Hỏa Xá, Vua Lửa) và Mtao Ea (Thủy Xá, Vua Nước) đứng đầu. Đến thời Minh Mạng, Vua Lửa còn cử phái bộ xuống Củng Sơn rồi ra Huế cống nộp triều Nguyễn. Người dẫn đường kiêm phiên dịch là Lê Văn Quyền quê ở Sơn Hòa.

 

Còn có hay không sự tồn tại của “nước Hoa Anh” và vị trí của nó ở đâu? Đã có vài giả thiết, trong đó có ý kiến cho rằng Hoa Anh nằm trên vùng đất “từ Cù Mông đến Đại Lãnh” (Đào Duy Anh và một số tác giả). Nhưng đến nay chưa có một xác quyết nào có bằng chứng thuyết phục.

 

NĂM 1578 – SỰ NGHIỆP MỞ ĐẤT PHÚ YÊN THỰC SỰ BẮT ĐẦU GẮN LIỀN VỚI TÊN TUỔI VỊ “KHAI QUỐC CÔNG THẦN” LƯƠNG VĂN CHÁNH

 

Sử chép: “Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), sau đó kiêm trấn thủ Quảng Nam (1569). Vị chúa muốn “Vạn đại dung thân” này đã quan tâm đến việc khai phá vùng đất mới ở phía Nam. Ông đã chọn một vị quan có tài – Lương Văn Chánh, giao một trọng trách – làm trấn biên quan, thực hiện một nhiệm vụ cụ thể – chiêu tập lưu đến Cù Mông, Bà Đài, khai khẩn đất hoang ở Đà Lãng” (Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Phú Yên – trang 7).

 

Năm đó là 1578, bắt đầu một thời kỳ mở đất mà Lương Văn Chánh đã có nhiều công hiến và đã thành công. Để chiêu dân, lập ấp, phục hóa, khai hoang, mở mang vùng đất từ Cù Mông đến Đá Bia, ông phải tiêu diệt ổ đề kháng Thành Hồ của một số quân Chiêm Thành còn sót lại. Không chỉ bằng sức mạnh quân sự, mà Lương Văn Chánh còn dùng nhiều mưu lược để đất này ổn định và phát triển. Ông đã đưa 3.000 lưu dân từ Thanh Nghệ, 1.000 lưu dân từ Thuận Hóa vào nam Cù Mông để sinh cư lâp nghiệp. Ông cho tổ chức lưu danh thành từng đơn vị, chia các khu vực, khai phá làm 3 vùng, có người điều khiển và quản lý. Không bao lâu, vùng đất này “trên từ nguồn di dưới đến cửa biển, kết lập gia cư khai khẩn đất hoang thành thục, nộp thuế như lệ”.

 

Lương Văn Chánh đã làm cho vùng đất ngày nay là tỉnh Phú Yên thực sự mở mang. Hàng loạt sắc phong đời các chúa Nguyễn đánh giá cao công trạng của ông khẳng định thành tích, thăng chức, hậu thưởng. Và sau khi ông qua đời nhiều vua triều Nguyễn đã có sắc chỉ phong “Thượng đẳng thần”.

 

Có lẽ hạnh phúc lớn nhất của Lương Văn Chánh là ông đã vui tuổi già và từ giã cõi đời chính nơi vùng đất mình có công khai phá, ngay ở ngôi làng do mình lập nên hồi thế kỷ 16 – làng Phụng Tường. Nhân dân vùng đất tôn vinh ông, tri ân ông, vị “Khai quốc công thần” thời mở đất của Phú Yên.

 

NĂM 1611 – LẬP PHỦ PHÚ YÊN

 

Sử chép: “Năm Tân Hợi (1611), người Chiêm xâm lấn biên cảnh, vua sai chủ sự Văn Phong dẹp yên, lấy đất ấy lập thành hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt phủ Phú Yên ...”

 

Đó là năm Lương Văn Chánh vừa mới qua đời ngày 19 tháng 9.

 

Văn Phong là một trong các cộng sự của Lương Văn Chánh Cao Cát đã bỏ mình trong một trận đánh Thành Hồ. Nay miếu thờ ở đèo Dinh Ông. Trần Tài chỉ huy các toán lưu dân khai phá vùng đất Bà Đài mà nay ở đó còn lưu truyền địa danh “Đồng ông Tài”. Còn Văn Phong là chủ sự và khi lập phủ Phú Yên được cử làm Lưu thủ.

 

Hồi bầy giờ các phủ: Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên mới lập điều thuộc dinh Quảng Nam.

 

NĂM 1629 – LẬP TRẤN BIÊN DINH SAU ĐÓ ĐỔI PHÚ YÊN DINH

 

18 năm sau, năm 1629, Văn Phong nghịch phản, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai phó tướng Nguyễn Vinh đánh dẹp rồi lập dinh trấn biên, sau đổi là dinh Phú Yên.

 

Toàn bộ Đàng Trong lúc đó có 7 dinh: Chính dinh (Phú Xuân), Cựu dinh (Ai Tử – Quảng Trị), Quảng Bình, Võ Xá, Bố Chính, Quảng Nam và Trấn Biên.

 

Trấn Biên dinh đổi thành Phú Yên dinh có lẽ vào năm 1653, khi mà quân Chiêm Thành xâm lấn, cai cơ Hùng Lộc thống lĩnh 3.000 quân đánh đuổi đến Phan Rang, lấy đất lập ra phủ Thái Ninh, sau là dinh Thái Khang. Phú Yên không còn làm nhiệm vụ Trấn Biên nữa.

 

ĐẤT VÀ NGƯỜI PHÚ YÊN QUA TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

 

Trước kia, mảnh đất giữa Cù Mông và Đèo Cả - Đá Bia là địa bàn của tộc Cau, tiểu quốc Nam Chăm của Vương quốc Chămpa.

 

Đây là một địa phương khá phát triển, Bia Chợ Dinh I có niên đại khá sớm (vào thế kỷ IV sau Công nguyên). Tháp Nhạn được xây dựng trên 7 thế kỷ rồi. Con sông Đà Rằng dài đến 290 cây số thời nào cũng là dòng tải văn hóa và huyết mạch kinh tế. Chính bằng con đường này mà người Chăm đã tiến lên cao nguyên và chiếm đóng mấy thế kỷ (hồi thế kỷ IX-XII). Những tháp Chăm tìm thấy ở hai bên bờ sông và trên Tây Nguyên là chứng tích.

 

Chămpa là quốc gia đa tộc. Trên các bia ký Chămpa ghi lại khá nhiều tộc danh. Tỉnh Phú Yên ngày nay là địa bàn tụ cư của nhiều dân tộc. Cư trú lâu dời ở đây là người Bana, người Êđê và người Chăm Hroi. Người Chăm Hroi hiện nay có khoảng 1 vạn người cư trú tập trung ở 3 huyện miền núi tỉnh Phú Yên: Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Ở huyện Vân Canh tỉnh Bình Định có hơn 2 ngàn người. Chúng tôi đã có ý kiến cho rằng người Chăm Hroi là một trong những thành phần cư dân của thời mở đất ở Phú Yên. Dòng họ Tsâu Yoan (“Cháu Kinh”) của người Chăm Hroi cũng là tài liệu dân tộc học đáng chú ý.

 

Ở Phú Yên còn có nguyên một làng người Chăm (Chiêm Thành). Đó là buôn Ea Ngao, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Vào thời điểm chúng tôi khảo sát dân tộc điền dã họ có 36 hộ với 199 nhân khẩu. Trong đó có 4 gia đình chồng là người Êđê, 7 gia đình vợ là người Êđê, 2 gia đình chồng là người Bana, 2 gia đình cả vợ chồng là người Êđê, còn 21 gia đình vợ chồng đều là người Chăm (Chiêm Thành). Các già làng ở buôn Ea Ngao biết rõ tổ tiên họ đã không qua Dốc Chanh để vào Phan Rang mà tụ lại sinh sống trên vùng đất từ thời mở đất đó.

 

Sau năm 1471, trên vùng đất Cù Mông đến Đá Bia, người Chăm có rút đi vào phía Nam, lên phía Tây, người Việt đã bắt dầu vào sinh sống nhưng chưa đông, còn các dân tộc thiểu số thì tiếp tục tồn tại. Sử chép “thuộc Man Lèo” có lẽ là muốn nói đến tình hình này.

 

Từ năm 1578, với chủ trương rõ của chúa Nguyễn, tổ chức chặt chẽ và biện pháp tốt, đạt hiệu quả cao, lưu dân người Việt đã vào đông. Hoạt động kinh tế sản xuất đa dạng: khai khẩn đất hoang, phục hóa ruộng đất cũ, làm các nghề thủ công (dệt chiếu, dệt thảm cói, tơ trắng, lụa, vỏ gai, thợ rèn, thợ bạc, thợ mộc, khai thác nghề rừng, lấy dầu rái, làm nghề phá xanh,...).

 

Theo ông Lê Quý Đôn, phủ Phú Yên đã có đến 38 thuộc. Thuộc có từ 500 người trở lên đặt một cai thuộc, một ký thuộc. Thuộc 450 người trở xuống đặt một ký thuộc. Thuộc dưới 100 người chỉ đặt một tướng thần. Những thôn, phường, nậu, man họp lại thành thuộc.

 

Lê Quý Đôn cũng ghi lại dân số phủ Phú Yên lúc đó là 14.648 người. Các nguồn ở miền núi, vũng, gành, cửa biển, các đèo, đò... đều phải nộp thuế.

 

Như vậy, bộ mặt vùng đất này trước trước và sau 1578 khác nhau. Từ năm 1578 thay đổi lớn, phát triển nhanh.

 

GS NGUYỄN QUỐC LỘC

           

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tổng quan về Phú Yên
Thứ Tư, 05/10/2005 16:49 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek