Thứ Năm, 02/05/2024 18:02 CH
Hướng đến 395 năm Phú Yên:
Dinh Trấn Biên và quê hương Thánh Anrê Phú Yên
Thứ Hai, 13/03/2006 10:38 SA

Năm 1629, đặt dinh Trấn Biên, như sách Nhất thống chí ghi: “Đời Chúa Phước Nguyên thứ 16 (con Nguyễn Hoàng), Văn Phong phản nghịch, Chúa sai võ tướng Nguyễn Phúc Vinh đánh dẹp rồi lập dinh Trấn Biên sau gọi là dinh Phú Yên, đặt quan tuần thủ” (1). Cơ cấu hành chính như phủ huyện là theo hệ thống dân sự, còn dinh hay doanh trại là theo hệ thống quân sự. Hành chính thì có chức quan lưu thủ đứng đầu, quân sự thì có chức quan tuần thủ chỉ huy. Ở thời điểm lịch sử này, chức quan tuần thủ cao hơn lưu thủ và thường kiêm nhiệm luôn chức năng lưu thủ. Dinh cũng là cơ cấu hành chính cao hơn phủ huyện và sau này gọi là trấn rồi tỉnh.

 

I. DINH TRẤN BIÊN SAU LÀ DINH PHÚ YÊN

 

Dinh Trấn Biên xưa ở đâu? Học giả Phạm Đình Khiêm – tác giả Người Chứng thứ nhất: Thầy giảng Anrê Phú Yên – đã để nhiều công phu phát hiện di tích cũ: “Di tích cổ hơn, gọi là thành cũ, thì ở thôn Hội Phú, xã An Ninh, quận Tuy An (1959) – xa chỗ phủ cũ nói trên non hai cây số về phía đông – nam, bên kia con sông Cái. Chính chỗ có di tích ấy hiện nay gọi là Ấp Thành cũ. Từ Ngân Sơn, trên đường quốc lộ số 1 (cây số 1301) muốn đến Ấp Thành cũ ở thôn Hội Phú, thì phải đi theo đê sông Cái, trực chỉ hướng đông qua trước nhà thờ Mằng Lăng, đường xa độ năm cây số. Di tích này, ngoài cái tên Thành cũ mà nhân dân sở tại dùng để chỉ cái xóm ở chỗ đó, chỉ còn lại vài ba tảng gạch nhỏ, bó hồ kiên cố, nằm ở vệ đường đê sông Cái, sát bờ sông, hoặc ngay trong lòng sông, ở gần bờ, lúc nước cạn mới thấy… Bô lão trong làng nhìn nhận đó là di tích của một ngôi thành cổ. Vẫn theo lời các cụ, thành này bị bỏ là vì nước sông Cái càng ngày càng chảy xiết đến bên thành. Tiên đoán thành sẽ bị lở, nên các quan mới lo dời đi nơi khác, lập thành mới ở bên Long Uyên – An Thổ…” (2).

 

Vinh Xuân Đài - Sông Cầu - Ảnh: Dương Thanh Xuân

 

Dinh Trấn Biên được thiết lập trong hoàn cảnh nào? Sử Tiền biên kể rằng: “Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (con trưởng Mạc Cảnh Huống, lấy công chúa Ngọc Liên, cho theo quốc tính, sau đổi làm hệ tính Nguyễn Hữu đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên (khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là Trấn Biên). Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son” (3).

 

Tìm hiểu địa điểm dinh Trấn Biên và quan chức cai quản dinh Trấn Biên sẽ giúp ta biết rõ ràng tiểu sử Người chứng thứ nhất của Hội thánh Việt Nam.

 

II. GIÁO SĨ ĐẮC LỘ LÀM PHÉP RỬA VÀ NHẬN ANRÊ PHÚ YÊN VÀO HÀNG NGŨ THẦY GIẢNG.

 

Ngày 29-3-1641, Đắc Lộ rời Đà Nẵng – Hoài Phố (Faifo) xuống tàu đi Phú Yên. Sóng to gió lớn, ngày 31-3-1641 mới tới cửa biển Bà Đài (sau gọi Xuân Đài) nơi gần dinh Trấn Biên. Quan trấn tức Nguyễn Phúc Vinh là người lương, nhưng bà vợ tức công chúa Ngọc Liên đã theo đạo Công giáo với tên thánh Maria Mađalêna lúc ấy vắng mặt đang ở phủ Chúa tại Thuận Hóa. Quan trấn cho binh lính đón rước Đắc Lộ vào dinh, giáo hữu được tin kéo đến vui mừng hoan hô.

 

Khi bà Ngọc Liên về, liền “mời cha Đắc Lộ vào làm lễ tại nhà nguyện trong dinh trấn, có tất cả giáo hữu trong họ hàng bà đến dự. Giáo sĩ đến, được quan Trấn thủ ra đón từ cổng dinh. Giáo hữu tựu hợp rất đông, nên lễ xong, giáo sĩ phải ở lại trong dinh bốn ngày liền. Trong những ngày ấy, giáo sĩ dạy giáo lý và rửa tội cho 90 người trong số đó có cả em gái quan Trấn thủ. Quan trấn rất hài lòng, và tuyên bố rằng ông muốn cho cả nhân dân trong trấn được rửa tội… Cậu Anrê Phú Yên chính là một trong số 90 giáo hữu tân tòng được cha Đắc Lộ rửa tội trong kỳ tĩnh tâm bốn ngày liền tại nhà nguyện của bà Mađalêna trong dinh Trấn Biên…

 

“Như vậy, làng Hội Phú, nơi dinh Trấn Biên xưa kia, nay là thôn Thành cũ thuộc xã An Ninh, địa sở Mằng Lăng, quận Tuy An, chính là quê tái sinh phần hồn của vị tử đạo tiên khởi Việt Nam”.

 

“Năm 1642, giáo sĩ Đắc Lộ trở lại Phú Yên lần thứ hai. Anrê liền ngỏ ý tình nguyện đi theo giáo sĩ giúp việc truyền giáo. Thoạt đầu, giáo sĩ từ chối không nhận, vì nghĩ rằng thời buổi cấm đạo, không nên đem nhiều người theo. Vả lại, Anrê hãy còn nhỏ tuổi, chưa biết giảng dạy cho bổn đạo, mà chữ nghĩa cũng còn ít. Nhưng Anrê vẫn năn nỉ mãi không thôi, lại cậy nhờ những người quen thuộc nói giúp, sau cùng cả hai mẹ con cùng đến van nài, giáo sĩ phải nhận lời” (4).

 

Thế là, Anrê rời bỏ quê hương Mằng Lăng nhập đoàn kẻ giảng, một lòng theo chân Chúa truyền bá Đức Tin cho mãn đời hết kiếp… Nhưng Chúa Quan phòng đã định cho Anrê một hành trình làm chứng Đức Tin riêng biệt: Ngày 25-7-1644, Anrê bị bắt tại nhà các thày kẻ giảng ở Hoài Phố (sau là Hội An), và sau thời gian bị tù ngục và tra khảo tại Dinh Chiêm (thủ phủ Quảng Nam đương thời gồm Đà Nẵng – Bình Định – Phú Yên nay), Anrê bị hành quyết vì trung thành tin theo đạo Chúa, với sự chứng kiến đau thương của Đắc Lộ: “Tôi quá rõ tấm lòng tinh tuyền vô tội mà thày hằng gìn giữ, nhất là từ ngày chịu phép Rửa rội, cho nên tôi chẳng lấy làm lạ vì thày trong sạch như Thiên Thần” (5). Ngày 5-3-2000, Hội thánh đã long trọng cử hành lễ phong Chân Phước cho Anrê Phú Yên, giáo dân thầy giảng.

 

Nhà thờ Mằng Lăng đã có tuổi thọ trên 110 năm, theo kiến trúc Gô tích cổ điển thuần túy, với hai tháp chuông cao vọi, giữa cảnh quê sông nước dân cư trù mật. Cạnh nhà thờ có phòng truyền thống mang tên Anrê Phú Yên, lưu trữ và triển lãm trang trọng tất cả những tư liệu liên quan đến Chân Phước. Gây ấn tượng nhất là sa bàn đắp nổi cả vùng dinh Trấn Biên xưa với nhà thờ Mằng Lăng nay, cùng một số hiện vật lượm được của dinh Trấn Biên chìm dưới lòng sông Cái, như mảnh tường thành, chén bát sành nâu, lọ xứ men lam… Phú Yên – Mằng Lăng có núi non – sông nước – bình nguyên – biển cả và con người hiền hòa, vừa là nơi đất lành chim đậu, vừa là nơi du lịch kỳ thú và cũng là nơi hành hương di dưỡng tâm hồn vậy.

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

 

(1) Quốc sử quán, Đại Nam nhất thống chí, quyển 10-11, Phú Yên – Khánh Hòa, Sài Gòn, 1964, trang 7.

 

(2) Phạm Đình Khiêm, Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên, trong Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1, Sài Gòn, 1960, trang 71-104.

 

(3) Quốc sử quán, Đại Nam thực lục. Tiền biên, NXB Sử Học, Hà Nội, 1962, trang 56.

 

(4) Phạm Đình Khiêm, sđd, trang 54-57. -5) Như trên, trang 149

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những mốc son của Đảng bộ Phú Yên
Thứ Tư, 08/03/2006 11:21 SA
Đất và người Phú Yên (*)
Thứ Sáu, 16/12/2005 14:28 CH
Phú Yên thời mở cõi
Thứ Sáu, 16/12/2005 10:46 SA
Tổng quan về Phú Yên
Thứ Tư, 05/10/2005 16:49 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek