Thứ Sáu, 17/05/2024 11:00 SA
Đất và người Phú Yên (*)
Thứ Sáu, 16/12/2005 14:28 CH

Ngày 29-4-2003, tại thị xã Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa), Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc hội thảo về niên đại tỉnh Phú Yên, thu hẹp trong phạm vi xác định mốc thời gian ra đời đơn vị hành chính mang tên Phú Yên.

 

Các nhà khoa học tỉnh cùng với các nhà khoa học ở Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và TP. HCM đã dự Hội thảo. Có lẽ đây là một cuộc hội thảo khoa học thể hiện được phần nào yêu cầu “hội thảo”, nghĩa là có tranh luận, có kết luận. PYO xin giới thiệu ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng tại cuộc hội thảo này (Bài viết đã được đăng trên Báo Công An TP HCM tháng 5-2003).

 

ĐI TÌM CỘT MỐC LỊCH SỬ PHÚ YÊN

 

Đất Phú Yên hình thành từ lâu. Cuộc hội thảo không nói đến lịch sử của vùng đất xuất hiện cùng với các bộ tộc có mặt xa xưa, nhiều nghìn năm trước, mà muốn gắn nó với thì hiện tại, tức từ khi Phú Yên gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

 

Làng Biển Xuân Hải - Ảnh: Nguyễn Thịnh

 

Trong phạm vi ý nghĩa ấy, cuộc hội thảo đã phân tích những mốc thời gian theo chủ đề của sự hình thành tỉnh Phú Yên, tức hình thành một đơn vị hành chính với tên “Phú Yên” – dù còn là trấn, là phủ, trước khi là tỉnh (đơn vị tỉnh của nước ta chỉ tổ chức dưới thời Minh Mạng). Như vậy, tiêu chí định ra cái mốc là thời gian tên Phú Yên trên một địa bàn cụ thể.

 

Hội thảo xem xét niên lịch 1471, năm vua Lê Thánh Tông hành quân vào Nam đến tận đèo Cả, tương truyền có khắc bia nơi mà sau này gọi là một cuộc hành quân, mặc dù về bao quát, nhà vua đặt thừa tuyên Quảng Nam, về nguyên tắc, trùm đến đây, song đại quân chỉ đến Chà Bàn, thuộc Bình Định ngày nay, ở phía Bắc đèo Cù Mông và rút quân khá sớm, tức không thể lấy một cuộc hành quân để định ra cái mốc lãnh thổ.

 

Cái mốc thứ hai: Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng giao cho ông Lương Văn Chánh chiêu mộ dân đến vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả để khẩn hoang. Mốc thời gian cũng được hội thảo xem xét và thấy rằng một cuộc khai hoang lập ấp dù đạt quy mô đến đâu vẫn chưa phải đã chính thức được xây dựng thành tổ chức quản lý chính quyền. Nó giống trường hợp đất Đồng Nai về sau – khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý năm 1968 thì đất Đồng Nai – Gia Định đã có 4 vạn hộ người Việt định cư rồi; nhưng trước năm 1698, đất Đồng Nai – Gia Định chưa là đơn vị hành chính của Đàng Trong.

 

Mốc thứ ba: Năm 1611, chúa Nguyễn sai chủ sự tên là Văn Phong lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt phủ Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam. Vào lúc ấy, miền đất giữa Cù Mông và đèo Cả đã được khẩn hoang khá rộng, xóm ấp đã hình thành. Đa số người tham dự hội thảo nhất trí lấy năm 1611 làm mốc hình thành địa danh Phú Yên. Nói cách khác, phủ Phú Yên trong địa giới lúc ấy chính là tỉnh Phú Yên trong địa giới hiện nay.

 

Từ 1611, phủ Phú Yên có khi phát triển thành dinh Phú Yên và tỉnh Phú Yên, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhập với Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh và trở lại tên cũ. Phú Yên ngày nay là một trong 64 tỉnh, thành của Việt Nam.

 

Tìm cột mốc của Phú Yên đương nhiên không phải đi ngược dòng lịch sử đối với cả khu vực này – đó là vấn đề nên làm, nhưng để giải quyết một yêu cầu khác mà chắc chắn địa chí tỉnh Phú Yên sẽ làm. Sự ra đời của khu vực Phú Yên, giới hạn thiên nhiên bởi đèo Cù Mông phía Bắc, đèo Cả phía Nam (còn gọi là Đại Lãnh), Trường Sơn và các hình thức quản lý của đồng bào dân tộc phía Tây, đại dương phía Đông – một địa lý tự nhiên và cũng có thể là địa lý lịch sử khá hoàn chính trong một giai đoạn khá nhất định. Công lao tạo lập Phú Yên mà người đương thời được hưởng thuộc về nhân dân lao động nhiều dân tộc, bộ tộc và được điều khiển bởi nhiều thể chế khác nhau, trước khi nó gia nhập vào đại gia đình Đại Việt.

 

Xin được nói thêm: Chúng ta sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, lấy ngày vua Lý Thái Tổ dời đô (năm 1010) trong khi vùng đất sẽ là thủ đô nước ta có mặt trước khá lâu với các tên: Luy Lâu, Long Biên… Tỉnh Thái Bình vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Phú Thọ cũng vậy, dù mảnh đất Thái Bình dính với lịch sử không thể ít hơn vài nghìn năm, còn Phú Thọ lại là cái nôi tự thuở vua Hùng.

 

Mục đích của cuộc hội thảo – được tổ chức sát ngày miền Nam giải phóng hoàn toàn 30-4-1975 – muốn nghiên cứu những diễn biến cận và hiện đại, tức những diễn biến nói chung là của các thế hệ chúng ta: thế hệ người Kinh, người Chăm, người thuộc các dân tộc ít người. Đó là những tác giả chịu trách nhiệm chính của mọi thăng trầm tỉnh Phú Yên. Về phương diện này, hội thảo đã thành công.

 

Vào năm 2006, với cái mốc đã chọn lựa, sau khi trình cho các cơ quan khoa học Trung ương, Trung ương Đảng và Chính phủ, Phú Yên sẽ tổ chức ngày “mừng thọ” 395 tuổi.

 

Những người mở cõi Phú Yên có một giấy khai sinh, thật đáng trân trọng…

 

TRUYỀN THỐNG XƯA VÀ NAY

 

Hội thảo khoa học “Xác định mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên” nhất trí lấy năm 1611 mở đầu cho niên đại của tỉnh không có nghĩa là công cuộc khai phá, khắc phục thiên nhiên, tổ chức xã hội chưa xảy ra trên vùng đất này trước năm 1611. Bất kỳ vùng nào trên đất nước Việt Nam hay các nước, đâu cũng trải qua một quá trình khai phá, tạo lập bền bỉ, lâu dài, cho đến khi có một danh xưng.

 

Khu du lịch Long Thủy - Ảnh: Thúy Hồng

 

Ngày nay, đồng bào Phú Yên lập đền thờ Lương Văn Chánh – người được xem như Thành Hoàng của cả tỉnh. Mồ mả, đền thờ ông vẫn còn và không ngớt khói hương, tuy không bị nắng mưa bào mòn. Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, tổ tiên ông quê ở Bắc Hà, ông làm quan buổi đầu với nhà Lê Trung Hưng tới chức Thiên Vũ Vệ Đô Chỉ huy sứ, năm 1558 theo Nguyễn Hoàng vào Nam, năm Mậu Dần 1578 được giao nhiệm vụ chiêu tập lưu dân khai phá đất hoang vùng nam Cù Mông đến bắc đèo Cả, nhất là dọc theo sông Đà Rằng. Khi chết, ông được chúa Nguyễn truy tặng tước Phù Quốc Công. Như vậy, ông Lương Văn Chánh là một trong những người có công hàng đầu quy dân lập ấp trên địa bàn mà sau này là tỉnh Phú Yên. Tất nhiên, trước Lương Văn Chánh hẳn đã có những hộ dân từ bắc đèo Cù Mông đến đây sinh sống, ai là người dẫn đầu và trước Lương Văn Chánh vùng này đã có bao nhiêu hộ khẩu… không thấy sử sách chép.

 

Qua thái độ của cư dân Phú Yên đối với bậc tiền hiền Lương Văn Chánh, chúng ta có thể hiểu được tấm lòng của dân luôn khắc ghi công đức khai sơn phá thạch của những bậc tiền phong.

 

Như mọi địa phương Việt Nam khác, Phú Yên theo bước thăng trầm của đất nước, nhất là những người di dân nam sông Gianh thời phân tranh 200 năm Trịnh – Nguyễn. Phú Yên vốn là một tỉnh nghèo, tỉnh nhỏ, số phận người dân sở tại nói chung còn hẩm hiu hơn. Nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, vó ngựa chiến binh nhiều lần xuyên qua tỉnh, ngay khi đơn vị hành chính Phú Yên ra đời chưa bao lâu. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn từ địa bàn Quy Nhơn là tỉnh lân cận Phú Yên hẳn tác động trực tiếp mạnh mẽ đến nơi đây – niềm mơ cảnh đổi đời dưới ngọn cờ đào của các anh hùng áo vải. Song, Tây Sơn có quá ít thời gian và Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn thiết lập hệ thống hành chánh trên cả nước. Cũng chẳng bao lâu, “Phú” chưa thấy mà “Yên” cũng không tròn thì Pháp đến, phong trào Cần Vương ở Phú Yên không mạnh lắm – có thể vì lý do lịch sử: Phú Yên hiếm bậc khoa bảng, càng hiếm hơn quan chức chịu “ơn vua”, nhận thức nỗi đau quốc gia theo cách dân dã, chống giặc quyết liệt song không chờ một lời hịch của triều đình. Về mặt này, Phú Yên giống Nam bộ “dân ấp dân lân hiếu nghĩa làm dân chiêu mộ”.

 

Với những đắng cay buổi mất nước, người Phú Yên gánh chịu không nhẹ hơn bất kỳ đâu. Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp hiện đại tạo cho Phú Yên một vị trí khá đặc thù. Cùng với Nam, Ngãi, Bình, Phú Yên là vùng tự do suốt 9 năm, dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, là biên ải và địa đầu để miền Trung Trung bộ tiếp sức cho vùng gian khổ cực Nam Trung bộ, bên kia đèo Đại Lãnh, Phú Yên thật ra không yên ổn hoàn toàn trong thời gian đó, bởi Pháp chiếm Tây Nguyên và vào cuối cuộc kháng chiến, chiến dịch Atlante đánh vào Tuy Hòa, tuy thất bại, song gây không ít khó khăn cho người dân. Cần nói thêm một điều: cả 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, trong kháng chiến chống Pháp, đều thực hiện "tiêu thổ kháng chiến” (vườn không nhà trống), cho nên cơ sở hạ tầng không còn gì đáng kể. Dù sao, cán bộ vùng Pháp kiểm soát ở Nam bộ và Nam Trung bộ trên đường ra Bắc muốn gấp đường để đặt chân lên Liên Hiệp Mỹ, xã độc lập, “đất của Cụ Hồ” tại Dốc Mõ – đến đó, đã có thể “tạm giũ áo phong sương” đôi ngày, mặc bộ áo quần vải xita thổ sản, ăn cá ngừ và ngồi xe goòng ra trận Quảng Nam.

 

Sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm thực hiện một số chính sách khủng bố qui mô đối với người dân từng sống ở vùng tự do mà điển hình là vụ thảm sát Ngân Sơn Chí Thạnh vào tháng 7 – 1954. Qua 9 năm sống dưới chế độ tự do, bị đàn áp khốc liệt, người Phú Yên đã noi gương đồng bào Nam bộ tiến hành cuộc đồng khởi Hòa Thịnh ở Tuy Hòa – cuộc đồng khởi đầu tiên của Trung Trung bộ thời chống Mỹ. Người Phú Yên vẫn còn nhớ lực lượng Đại Hàn khét tiếng tàn ác chà xát Sông Cầu nhiều năm.

 

Phú Yên trong thời kỳ này rất nổi tiếng với vụ “tàu không số” chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam và đụng địch tại Vũng Rô.

 

Thật cảm động khi hôm nay đồng bào đến thăm Phú Yên, tại thị xã, có thể thắp hương nhà tưởng niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ hay thăm nơi giam giữ ông tại Củng Sơn. Nhân dân và Đảng bộ Phú Yên tự hào đã đùm bọc, che chở và giải thoát cho vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam vào năm 1961, lúc phong trào đang gặp khó khăn lớn.

 

Phú Yên đúng là “phú” hiểu theo nghĩa yêu nước, cách mạng, theo nghĩa truyền thống không dứt.

 

TRẦN BẠCH ĐẰNG

----------------- 

(*) Tít do tòa soạn đặt.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Yên thời mở cõi
Thứ Sáu, 16/12/2005 10:46 SA
Tổng quan về Phú Yên
Thứ Tư, 05/10/2005 16:49 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek