Thứ Sáu, 17/05/2024 13:34 CH
Thời điểm Phú Yên nằm trong cương giới nước Đại Việt
Thứ Sáu, 16/12/2005 10:23 SA

Trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Phú Yên, có một vấn đề được đặt ra là vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả – Đá Bia được sát nhập vào nước ta vào thời điểm nào? Về vấn đề này đã từng có ba loại ý kiến khác nhau:

 

Một loại ý kiến cho rằng thời điểm đó là năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành chiếm được thành Trà Bàn. Ý kiến này có lẽ chủ yếu dựa vào một trong ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Phú Yên: “Đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đánh Chiêm Thành mở đất đến đây, lấy núi Thạch Bi làm giới hạn”.

 

Ý kiến thứ hai cho rằng thời điểm đó là năm 1578 khi chúa Nguyễn Hoàng ủy nhiệm cho Lương Văn Chánh làm trấn biên quan, chiêu tập lưu dân đến Cù Mông – Bà Đài khẩn đất hoang ở Đà Diễn.

 

Ý kiến thứ ba cho rằng thời điểm đó là năm Tân Hợi (1611), là lúc người Chiêm xâm lấn biên cảnh, vua sai chủ sự là Văn Phong dẹp yên, lấy đất ấy làm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đất Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam và dùng ông làm lưu thủ.

 

Núi Đá Bia - Ảnh: Thúy Hồng

 

Trong ba ý kiến này, chúng tôi thiên về ý kiến thứ ba vì tiêu chí xác định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải là sự xác lập hệ thống quản lý hành chính đối với vùng đất đó.

 

Còn ý kiến thứ nhất, tôi thấy không đứng vững vì mấy lý do sau đây:

 

1. Sách Đại Việt sử ký toàn thư không có ghi việc vua Lê Thánh Tông hành quân vào tận đèo Cả, dựng bia để phân ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngược lại, sách ấy lại ghi rõ rằng: “Ngày 1 tháng 3, hạ được thành Trà Bàn… bắt sống Trà Toàn, rồi đem quân về”. Và “sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bồ Trì Trì chạy đến Thiên Lung, chiếm lấy đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm ba nước để dễ dàng ràng buộc” (ĐVSKTT, Tập II, Nxb KHXH, 1998, tr.450). Nước Nam Bàn nói ở đây theo Chương mục sau là đất của Thủy Xá, Hỏa Xá, nay là vùng đất thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum và Đak Lak, còn nước Hoa Anh theo một số ý kiến (của Đào Duy Anh, Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn) có lẽ là vùng đất thuộc tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa ngày nay.

 

2. Câu ghi trong Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Phú Yên: “Lấy núi Thạch Bi làm giới hạn, nhưng từ núi Cù Mông vào nam còn thuộc Man Lèo”, rất mơ hồ và mâu thuẫn.

 

3. Chữ “lấy đất Chiêm Thành” trong đoạn ghi chép trong I “Tháng 6 (năm Tân Mão, 1471) lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa” (ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.452), mà những người chủ trương loại ý kiến thứ nhất đã dựa vào để nói rằng phần đất Chiêm Thành mà Lê Thánh Tông mới lấy bao gồm phần đất từ đèo Hải Vân đến đèo Cả, nơi có núi Đá Bia, chỉ hàm ý chiếm lại đất hai châu Thái (Đại Chiêm), Cổ Lũy trước đã làm đất của ta sau đó bị mất về nước Chiêm Thành như chính Lê Thánh Tông đã nói. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày mồng bảy (tháng 3), lấy người Chiêm đầu hàng là Ba Thái là Đồng tri châu Thái Chiêm, Đa Thủy làm Chiêm tri châu. Vua dụ họ rằng: “Hai Châu Thái Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, đời gần đây bị mất về nước Chiêm, nay lấy lại được hết, đặc cách sai bọn các ngươi trấn giữ. Có kẻ nào không chịu theo, cho giết trước rồi tâu sau”.

 

Ngày 11 lấy Đỗ Tử Quy làm Đồng tri Châu Thái Chiêm quân dân sự, Lê Ỷ Đà làm Cổ Lũy châu tri quân dân sự (ĐVSKTT, tập II, sđd, tr451). Qua đoạn văn này, ta thấy Lê Thánh Tông không hề cắt cử quan lại cai trị vùng đất phủ Hoài Nhân, đừng nói chi đến việc đặt sứ cai trị trên vùng đất từ Cù Mông đến núi Đại Lãnh.

 

Việc lấy năm 1611 làm thời điểm sáp nhập vùng đất từ Cù Mông đến Đại Lãnh (núi Thạch Bi) (tức vùng đất Phú Yên ngày nay) là có sự thuyết phục hơn cả vì nó phù hợp với nguyên tắc và tiêu chí xác lập chủ quyền trên bất cứ một vùng đất nào – đó là sau khi đã thiết lập hệ thống quản lý hành chính chính thức, vững chắc và lâu dài.

4. Nếu việc vua Lê Thánh Tông cho dựng bia ở đèo Cả (núi Đại Lãnh) là có thực thì vùng đất từ Cù Mông đến đèo Cả vẫn chưa nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Đại Việt. Nước Đại Việt chưa thiết lập hệ thống hành chính, và uy quyền của vua Lê Thánh Tông mới đến phủ Hoài Nhân (tức tỉnh Bình Định ngày nay) mà thôi, chứ chưa vào đến núi Thạch Bi, đất đai bên kia núi Cù Mông (tức Phú Yên ngày nay) vẫn chưa thuộc bản đồ nước ta. Mặt khác sự quan tâm khai thác của triều đình Đại Việt về cơ bản vẫn chỉ đến phủ Hoài Nhân, chứ chưa vượt qua đèo Cù Mông. Bằng chứng là vào tháng 6 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông quyết định lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm lại được, đặt làm đạo Thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ, 9 huyện: phủ Thăng Hoa có 3 huyện là Lê Giang, Hà Đông và Hà Giang; phủ Tư Nghĩa có ba huyện là Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân có ba huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Như vậy địa bàn quản lý của Thừa tuyên Quảng Nam rõ ràng không bao gồm vùng đất từ Cù Mông vào đèo Cả – núi Thạch Bi.

 

5. Đến thời chúa Nguyễn Hoàng, xứ Quảng Nam vẫn chỉ vào đến phủ Hoài Nhân và biên giới cực nam Đại Việt vẫn là đềo Cù Mông qua huyện Tuy Viễn (nay là Tuy Phước Bình Định). Cho nên năm Hoằng Định thứ 12 (1611), khi Chiêm Thành xâm lấn biên giới (biên giới nói ở đây là vùng đất thuộc huyện Tuy Viễn), Nguyễn Hoàng sai chủ sự là Văn Phong đem quân đi đánh, lấy đất Phú Yên ngày nay đặt làm một phủ, chia làm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa và sai Văn Phong làm lưu thủ phủ Phú Yên.

 

Như vậy là chỉ đến thời điểm này (1611), vùng đất ngày nay là Phú Yên mới chính thức sáp nhập vào bản đồ nước Đại Việt. Và cũng kể từ đây, chính quyền Đàng Trong mới thực sự cai quản và khai khẩn vùng đất này với quy mô lớn. Bằng chứng là trong trận đánh nhau giữa quân Trịnh và quân Nguyễn ở cửa sông Nhật Lệ năm 1648, quân Nguyễn thắng to, bắt được 3 vạn tù binh, số tù binh này sau đó được chia ra an sáp từ miền Thăng, Điện (tức Quảng Nam) trở vào đến Phú Yên, cấp cho ngưu canh, điền khí để khai khẩn ruộng hoang.

 

Về ý kiến thứ hai cũng có phần gượng ép vì theo ĐNLTT3 (1) năm 1578 Lương Văn Chánh chỉ đưa lưu dân vào khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài và dọc sông Đà Diễn (Đà Rằng), chứ chưa thiết lập hệ thống hành chính cai quản chính thức. Với chức danh trấn biên quan, ông vẫn đặt lý ở huyện Tuy Viễn. Hơn nữa đây lại là phương sách Nguyễn Hoàng (và các chúa Nguyễn về sau) thường sử dụng “lưu dân đến trước, nhà nước đến sau” trong việc mở mang cương vực nước ta. Việc lưu dân đến ở và tiến hành khai phá đất đai vùng đất nào chưa thể là căn cứ minh chứng cho vùng đất đó đã được sáp nhập vào cương giới nước ta. Tình hình này là tương đối phổ biến trong các thế kỷ 17, 18 khi cương giới nước ta tiếp tục mở rộng về phía nam.

 

Tóm lại, việc lấy năm 1611 làm thời điểm sáp nhập vùng đất từ Cù Mông đến núi Đại Lãnh (núi Thạch Bi, tức vùng đất Phú Yên ngày nay) là có sự thuyết phục hơn cả vì nó phù hợp với nguyên tắc và tiêu chí xác lập chủ quyền trên bất cứ một vùng đất nào – đó là sau khi đã thiết lập hệ thống quản lý hành chính chính thức, vững chắc và lâu dài.

 

HUỲNH LỨA

 

--------------------------- 

(1) ĐNLTTB chép: “Ông Lương Văn Chánh, người huyện Tuy Hòa thuộc Phú Yên, tổ tiên là người Bắc Hà. Chính buổi đầu làm quan với nhà Lê tới chức Thiên Vũ vệ Đô chỉ huy sứ. Năm Mậu Ngọ (1558) bắt đầu theo Thái Tổ vào nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm tới xâm lấn, Chánh tiến quân tới sông Đà Rằng, hạ được thành Hồ, nhờ có quân công được thăng chức Đặc tiến Phu quốc Thượng tướng quân; tước phủ nghĩa hầu, lại đổi làm An Biên trấn quan huyện Tuy Viễn, chiêu tập lưu dân khai phá đất hoang, dời dân tới vùng Cù Mông, Bà đài lại mộ dân tới khai khẩn đất hoang dọc theo sông Đà Rằng, chia lập thôn ấp, dần dần hơi đông đúc. Kế chết, được tặng là Tiền trấn dinh Tham tướng Phù quận công phong làm thần Bảo quốc, nhiều lần hiển hiện linh ứng, người làng lập đền thờ” (ĐNLTTB, Bản dịch của Cao Tự Thanh, Nxb KHXH, 1995,tr.145).

  

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tổng quan về Phú Yên
Thứ Tư, 05/10/2005 16:49 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek