Con gái Giếng Hai
Mình dài như sấu
Con trai xóm Cầu
Đầu gối quá tai
Giếng Hai là xóm thuộc thôn Phú Long, xã An Mỹ huyện Tuy An. Thời Nguyễn, thôn Phú Long đông giáp biển và thôn Phú Toàn, bắc giáp thôn Phú Đa và An Thuận, diện tích 264 mẫu. Phú Long nằm dọc Quốc lộ 1A theo triền đồi, muốn đến xóm ấy đi qua cánh đồng rộng chừng vài trăm mét. Ngày trước, khu dân cư khá đông đúc. Tuy là một xóm nhưng có nhiều chòm ở rải rác trên khu vực khá rộng, mỗi chòm chừng mười hoặc hai mươi hộ. Đa số nhà hướng về đông đón gió biển và ánh sáng ban mai.
Thời Pháp thuộc ở vùng đất nam Tuy An gồm các xã An Hòa, An Chấn, An Mỹ và An Hiệp, phong trào hò khoan, hát rập phát triển mạnh. Giếng Hai là một trong những địa điểm tụ hội nam nữ gặp nhau để hò hát. Trai các nơi tìm hiểu qua câu hò giọng hát để nên duyên, trong đó trai xóm Cầu lui tới thường xuyên.
Xóm Cầu ở phía tây thôn Phú Long, xã An Mỹ, theo ĐT643 lên Vân Hòa chừng 2,5km, nơi ấy có cây cầu bắc qua suối rộng. Trước kia cầu bằng gỗ, nay cầu đúc bằng xi măng cốt sắt.
Xóm Cầu dân khá đông ở trên triền núi. Khoảng cách từ xóm Cầu đến Giếng Hai độ 5km đường chim bay. Từ xóm Cầu đến Giếng Hai có hai ngả đi, ngả băng đồng vào mùa khô, ngả theo đường huyện xuống Hòa Thái rồi đi theo quốc lộ vào đến gần dốc Đài.
An Mỹ có các thôn Hòa Đa, Phú Long, Phú Hòa và Giai Sơn, Hòa Đa là một trong những trung tâm phát triển kinh tế và văn hóa của các thôn phía nam huyện Tuy An, ngoài nghề trồng lúa nước còn phải kể đến nghề làm bánh tráng. Bánh tráng Hòa Đa nổi tiếng vì bột mịn, bánh đều không chỗ dày chỗ mỏng và nhúng ăn rất dẻo. Tại Hòa Đa có đến 70 lò tráng bánh tráng trong lúc cả xã An Mỹ chỉ khoảng 100 lò. Bánh tráng Hòa Đa là nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực quê hương Phú Yên.
Hòa Đa còn có hai hòn đá Ràng tại ga. Cách đây 3-4 thế kỷ nơi đây là vùng núi non hiểm trở, đi lại khó khăn, có hang cọp quanh vùng. Hai hòn đá Ràng là Dốc Súc và Hóc Rớ.
Dốc Súc là nơi tập trung gỗ từ thượng nguồn đưa về. Hóc Rớ là nơi biển tiến sát chân núi, cá tôm tụ về nhiều, dân làng dùng rớ để bắt. An Mỹ còn có nhiều bàu, ao, quanh năm có cá, nổi tiếng là cá diếc Bàu Súng và cá tràu (cá lóc), cá trê, cá rô… Bông súng trắng và hồng làm thức ăn thay rau. Hát rập, hò khoan làm phong phú kho tàng văn học dân gian địa phương:
Hồi xa cách vách cũng xa
Hồi gần Gò Duối, Hòa Đa cũng gần
Bẻ bông mà cúng miễu thần
Anh đừng nghi kỵ tội phần cho em.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC