Ngân Sơn, vùng đất ven dòng sông Cái (huyện Tuy An) không chỉ sơn thủy hữu tình mà còn có thổ sản vừa nhiều vừa ngon, lại vừa thông dụng là củ sắn nước. Sắn nước củ tròn bằng cái chén, cái tô, thân cây nhỏ chỉ bằng chiếc đũa, cao độ 0,5mét. Nếu để thân cây lâu ngày, từ đọt thân cây vươn dài leo quấn lên chái, ra trái cho hột. Người ta lấy hột phơi khô, để dành làm giống ươm trồng vụ sau. Đất trồng sắn thường là ven triền núi. Cuối tháng 6 đầu tháng 7 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa ướt đất, người ta đánh luống, vun rò gieo hạt, mỗi hạt cách nhau khoảng 0,2 đến 0,3 mét tùy đất tốt xấu, bởi sắn nước mỗi hạt chỉ lên một cây cho một củ.
Trong huyện, trong tỉnh cũng có nhiều nơi trồng sắn nước, nhưng vỏ dày ít nước nhiều xơ kém chất ngọt hơn sắn nước Ngân Sơn. Hằng năm, vào tháng 11 âm lịch, dân Ngân Sơn thu hoạch sắn nước và bán khắp nơi.
Ảnh: Kim Sa
Ngân Sơn là vùng trung châu ven bờ sông Cái, phía trên có quốc lộ, phía dưới có núi A Man, có làng nghề dệt lụa nổi tiếng, gọi là Phường Lụa. Con trai ở đây khá đẹp. Dòng nước sông Cái chảy qua La Hai tuôn về Ngân Sơn dường như tạo mối lương duyên cho gái vùng sơn cước với trai vùng trung thổ. Dân gian từng nói:
Nhất gái La Hai
Nhìn trai Phường Lụa
Tuy An là thủ phủ của Phú Yên từ năm 1611 đến năm 1899 (288 năm) nên việc học ở Tuy An mở ra rất sớm và phát triển mạnh. Thời Nho học, Phú Yên có 30 vị cử nhân và 22 vị tú tài thì Tuy An có 12 cử nhân và 9 tú tài trong khi Tuy Hòa chỉ có 1 cử nhân và 5 tú tài. Đặc biệt có vị Á nguyên khóa Ất Mão (1915) đời Duy Tân là ông Đặng Trác Văn người Ngân Sơn, đậu năm 30 tuổi. Cùng khoa có cử nhân Bùi Cạnh người Long Uyên là anh rể, về sau làm Hành Tẩu bộ học, và tú tài Đặng Uyển là em ruột Đặng Trác Văn. Ông qua đời năm 1979, có thơ tuyệt bút:
Mừng thay tám chục chín xuân ngoài
Mắt tỏ tai thông dễ mấy ai
Mừng thấy bốn đời con lẫn cháu
Mừng xem đủ mặt gái và trai
Túi thơ, bầu rượu mừng xuân đến
Cỗ chuối, bình hoa đón phước lai
Mừng nước bốn xuân đầu thống nhất
Mừng nền dân chủ vững bền dai
Trường tỉnh học Phú Yên ban đầu đặt tại làng Ngân Sơn. Ngân Sơn – Chí Thạnh chứng kiến vụ thảm sát vào tháng 9-1954, do chính quyền lúc bấy giờ vi phạm điều 14C Hiệp định Genève. Tiểu đoàn 10 Trung đoàn 2 Liên hiệp Pháp (còn gọi là Tiểu đoàn Lê Hữu Từ) đã sát hại 81 người và làm 76 người bị thương. Đây là mở đầu cho phong trào đấu tranh chính trị ở miền
Chí Thạnh còn có đèo Thị dài khoảng 2km nằm trên tỉnh lộ 6 Chí Thạnh đi La Hai. Cuối thế kỷ 19, nơi này cây cối um tùm là nơi trú ẩn của cọp beo. Giữa eo núi có cây thị tỏa mát, người qua lại thường nghỉ chân nơi này vì bên cạnh có dòng nước trong sạch không bao giờ cạn.
Từ năm 1910 – 1913 tỉnh lộ 6 được mở; năm 1932 khánh thành hầm xe lửa đèo Thị. Ngày nay Ngân Sơn, Chí Thạnh là thủ phủ của cánh bắc Phú Yên.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC