Theo tỉnh lộ ĐT 646 từ Hòa Đa (ngã ba Hòa Thái) vượt qua cánh đồng rồi đứng ở đầu dốc, ngó về hướng tây, ta thấy một ngọn núi cao lưng chừng trời, đó là Hòn Chuông. Hòn Chuông nằm về hướng bắc xã An Thọ, kề trục tỉnh lộ, qua các thôn xóm Suối Mây, Chánh Hòn Cao Kim Sơn, Bà Ngồi; thôn xóm gần nhất là giữa vùng Chánh Hòn Cao và Kim Sơn. Nơi gần nhất cách tỉnh lộ khoảng nửa cây số.
Không rõ người xưa đặt tên cho núi này là Hòn Chuông theo dụng ý nào. Nếu bảo núi giống cái chuông, như núi Chóp Chài giống cái chài thì không đúng. Nếu bảo trước kia dưới chân núi có ngôi chùa cổ, đêm ngày tiếng chuông ngân nga khắp nơi thì các cụ cao tuổi khẳng định là chưa nghe nói đến.
Hòn Chuông cao 572 mét, chu vi khoảng 6,7 cây số, từ xa trông lại giống như một cái chài. So sánh núi Chóp Chài với Hòn Chuông thì Chóp Chài là anh cả, Hòn Chuông là anh thứ. Anh cả xuống phía bắc đồng Tuy Hòa đứng sừng sững, bảo vệ an ninh cho vựa lúa miền Trung và TP Tuy Hòa, tỉnh lỵ Phú Yên. Em thứ đứng sừng sững giữa núi rừng An Thọ bảo vệ an ninh cho các xã An Thọ, An Lĩnh huyện Tuy An và Sơn Long huyện Sơn Hòa.
Khói đá Mỏ Dọ
Mây phủ Hòn Chuông
Suối Chình nổi sấm
Mưa luôn ba ngày
Ông cha ta chưa có phong vũ biểu, hàn thử biểu, đài khí tượng nên xem mây, ráng, cầu vồng và nghe tiếng động của sấm chớp, tiếng côn trùng, chim chóc mà phán đoán thời tiết, qua thời gian rút ra những kinh nghiệm, truyền khẩu cho nhau. Tuy không chính xác nhưng không phải là sai lệch hẳn.
Chóp Chài đội mũ.
Mây phủ Hòn Chuông
Núi Chóp Chài cao, mây thường tụ về dừng lại trên đỉnh đầu, Hòn Chuông cũng vậy. Hai núi ấy mây có tụ về song còn phối hợp với các hiện tượng khác mới đủ yếu tố làm mưa.
Nơi đây còn lưu truyền bài thơ “Hai núi”
Hợp hoan trời đất đẻ hai con
Cả núi Chóp Chài, thứ núi Chuông
Một bọc cùng sinh muôn ức tuổi
Hai nơi chia ở ngược xuôi miền
Cũng mây năm thức mai chiều lại
Vẫn nước bốn mùa khe suối tuôn
Tục ngữ lưu truyền điềm ứng nghiệm
Ngang trời sừng sững nét uy phong.
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC