Thứ Năm, 28/11/2024 04:36 SA
Sông nước và tên làng xóm
Thứ Bảy, 10/06/2006 09:16 SA

CON NGƯỜI VỚI SÔNG NƯỚC

 

Con người từ thời nguyên thủy đã gắn bó với sông nước. Bởi vì, không riêng con người mà đối với bất cứ loài vật nào, ba việc  cần thiết nhất để sống là thở, ăn và uống. “Của trời không khí kho vô tận”, chuyện thở khỏi lo rồi. Hai mối bận tâm lớn là ăn và uống. Ăn thì tìm kiếm lượm hái, uống thì phải dựa theo sông suối ao hồ… Cho đến khi đã có sự tiến bộ vượt bậc, biết “cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống” con người có thể sống hơi xa sông suối nhưng vẫn không thể sống xa nước, khi quy dân lập ấp phải tìm nơi có mạch ngầm để đào giếng. Nước dùng để uống, còn dùng trong nhiều sinh họat cá nhân và cộng đồng, mọi thứ dơ bẩn đều “lấy nước làm sạch”, ý niệm này khắc sâu vào tâm trí nên về sau người ta còn dùng nó trong những ẩn dụ về mặt tinh thần.

 

060610-qua-Dap-Tam-giang-5.jpg

Chiều về trên đập Tam Giang Ảnh: D.T.X

 

Trong việc chọn lựa nơi cư trú tục ngữ nói: “Nhất cận thị, nhị cận giang”,  nhưng xét thực tế Phú Yên cận thị không bằng cận giang. Với nền kinh tế nông nghiệp, tự túc, thức ăn hàng ngày sẵn có từ ruộng đất, cây nhà lá vườn, lại nhờ những người buôn gánh bán dạo len lỏi khắp nơi hẻo lánh nên xa chợ không thành vấn đề khó khăn. Ngày trước nhiều làng không có chợ. Cuối thế kỉ XIX Phú Yên có 270 làng, chỉ có 27 chợ, đến  năm 1935 có 58 chợ.

 

Lại thường nghe một số vị nói rằng đồng bào các dân tộc thiểu số luôn luôn gắn bó với bến nước, buôn của họ bao giờ cũng ở gần bến nước. Điều này đã hẳn vì trước đây đồng bào các dân tộc thiểu số uống nước sông suối, không đào giếng. Đồng bào Kinh Phú Yên hầu hết đều dùng nước giếng, nhưng làng xóm cũng không xa sông nước. Có lẽ một phần do thiên nhiên ban tặng cho Phú Yên nhiều nguồn nước. Toàn tỉnh có 4 con sông lớn và một số sông nhỏ. Đổ về đây là những suối khe nguồn mạch chằng chịt trên vùng núi, vùng cao nguyên. Ở đồng bằng thì nơi nào cũng có ao hồ đầm vũng lớn nhỏ…

 

Phải chăng từ đây nảy sinh mối thâm tình keo kết giữa con người với sông nước, khiến cho cả thiên hạ đều lấy tấm lòng núi non mà mến yêu sông nước.

 

TỪ TÊN SÔNG NƯỚC ĐẾN TÊN MỘT VÙNG ĐẤT

 

Năm 1597, khi những lưu dân theo sau vó ngựa Lương Phù Già vào đây định cư, chắc chắn những làng xóm đầu tiên của họ phải gần kề sông nước. Dòng sông ấy chưa có tên. Ngọn suối ấy chưa có tên. Cũng như đỉnh núi ấy, dãy đồi ấy chưa có tên. Những lưu dân làm cái việc đặt tên cho sông suối núi đồi, trước hết là để xác định vị trí, tiện việc chuyện trò, trao đổi, bàn bạc công việc làm ăn. Những tên sông suối núi đồi này thường do ngẫu hứng, tình cờ, xuất phát từ sự nhìn nhận ban đầu trước cảnh trí. Thấy một dòng suối bên bờ nhiều lau sậy  gọi là Suối Sậy, hoặc gần kề có mấy khóm tre gọi là Suối Tre, suối lớn là Suối Cái, sông nhỏ là Sông Con, bàu nhiều bông sen là Bàu Sen, nhiều bông súng là Bàu Súng, chợt gặp bến nước ấy tưởng đâu sâu lắm hóa ra mọi người đều lội qua được gọi là Bến Lội, lúc dừng lại bãi đất ven sông này thấy một bầy công gọi là Bãi Công v.v…

 

Những tên này nguyên là để gọi riêng con suối ấy, dòng sông ấy, cái bàu ấy, hoặc bến bãi ấy. Thế rồi khi ở đó làng xóm hình thành người ta dùng tên suối, bến, bãi, bàu… đặt cho làng xóm. Con suối ấy vẫn là Suối Sậy, Suối Tre nhưng đồng thời cả xóm mang tên xóm Suối Sậy, cả thôn mang tên thôn Suối Tre. Tương tự như thế có xóm Bàu Sen, xóm Bàu Súng, xóm Bến Lội, xóm Bãi Công v.v… là tên một vùng đất, rồi tên một thôn, một xã… tức là một đơn vị hành chánh cơ sở.

 

Nhìn lại những tên làng xóm ở Phú Yên mang dấu ấn sông nước thấy được đặt theo 3 cách: Thứ nhất, những tên ban đầu là tiếng Nôm, trải bao năm tháng nay vẫn giữ nguyên tiếng Nôm. Thứ hai, những tên không rõ ban đầu có là tiếng Nôm hay không, chỉ thấy chữ Hán. Thứ ba, những tên ban đầu là tiếng Nôm, sau đó chuyển thành chữ Hán nhưng vẫn theo nghĩa của tiếng Nôm.

 

Trong những tên làng xóm từ xa xưa ấy, có tên đến nay vẫn đang dùng, có tên đã thay đổi nhưng còn người biết, có tên chỉ thấy một vài lần trên văn bản, thay đổi lúc nào không còn ai biết.

 

Một số tên xã thôn hiện nay còn mang tên theo sông nước, hầu hết là tên theo khe suối. Tên tiếng nôm như: thôn Suối Cối (huyện Đồng Xuân), thôn Suối Cau, thôn Suối Phèn, thôn Mặt Hàn, xã Suối Bạc, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa). Tên chữ Hán như: thôn Phú Giang (huyện Đồng Xuân), thôn Long Uyên (huyện Tuy An), thôn Thạch Khê (huyện Sông Cầu), thôn Long Thủy, thôn Liên Trì, thôn Ngọc Lãng  (thành phố Tuy Hòa).

 

Làng Nhiễu Giang nguyên là phường Sông Nhiễu nay phát triển thành xã Sơn Giang nên khi lập các thôn đặt tên có chữ Giang: Hà Giang, Vạn Giang, Nam Giang, Phước Giang, Tân Giang, Vĩnh Giang, Lộc Giang, lại thêm thôn Suối Biểu.

 

Tên sông, có lẽ do tầm vóc lớn của sông nên ít đặt cho thôn xã.

 

Ở Phú Yên có 2 huyện mang tên sông nước là huyện Sông Cầu và huyện Sông Hinh. Tên Sông Cầu đang nhiều ý kiến bàn bạc, còn tên Sông Hinh chính là một phụ lưu quan trọng của Sông Ba ở hữu ngạn, trước khi nhập dòng chảy vòng chân Núi Lá. Sông Hinh nổi tiếng nhiều loại cá ngon: “Cọp núi Lá, cá Sông Hinh”.

 

TRỜI RỘNG/SÔNG DÀI

 

Trong kiếp đời luân lưu nước đi ra biển lại mưa về nguồn, để cho ngàn năm mây trắng bây giờ còn đây. Mây bay khắp cả khung trời, đâu có phân biệt   rừng núi, đồng bằng, sông suối, biển khơi. Nhưng suối khe thường bị cây rừng che khuất tầm nhìn, biển khơi thì bao la hùng vĩ quá, thăm thẳm nước sâu, trùng trùng sóng lớn, xuôi ngược hải lưu… biển khơi không có được giây phút thảnh thơi soi bóng mây bay. Cung cách lãng mạn nhàn nhã ấy chỉ dành cho những dòng sông. Mây in trên nền trời và mây lắng dưới đáy nước… giúp con người, nhất là những làng xóm  ven sông cảm nhận hình ảnh Trời Rộng đối diện với Sông Dài.

 

Xin hãy ít nhất một lần thong thả xuôi dòng Sông Ba, ngược dòng Sông Cái, sống bằng tâm thức cổ nhân trong Đường thi, nhìn ngắm… Mây bay trên đầu núi, nước xanh dưới chân ghềnh, một lần xa nhau đó, nghìn dặm còn mông mênh… Người một thân  phiêu bạc, ta suốt đời ngông nghênh, giơ tay là cách biệt, gió thổi lòng chông chênh…

 

TRẦN HUIỀN ÂN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dọc đường… ca dao
Thứ Tư, 07/06/2006 08:58 SA
Thị trấn Củng Sơn
Thứ Hai, 05/06/2006 09:25 SA
Vùng đất ven dòng sông Cái
Thứ Hai, 29/05/2006 08:24 SA
Về Đa Lộc
Thứ Hai, 22/05/2006 07:44 SA
Độc đáo Gành Đá Đĩa
Thứ Hai, 15/05/2006 08:31 SA
Thùy dương bên biển Tuy Hòa
Thứ Ba, 09/05/2006 09:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek