Thứ Năm, 03/10/2024 20:27 CH
Cử nhân Trương Trọng Cầu:
Từ một nhà nho yêu nước trở thành đảng viên Cộng sản
Thứ Hai, 04/12/2006 08:07 SA

Tạp chí Phổ thông bán nguyệt san (xuất bản năm 1915) và sách lịch sử Những chặng đường đấu tranh cách mạng của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tuy Hoà (tập 1-trang 16) có ghi: Phong trào cắt tóc xin xâu, chống sưu cao thuế nặng do các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp phát động từ Quảng Ngãi, Bình Định và lan rộng vào tận Phú Yên. Tại Phú Yên có hàng nghìn người ở các tổng Hoà Đa, Hoà Lạc, Hoà Tường tham gia, do ông Nguyễn Hữu Dực (tức Nguyễn Hữu Khuê)-Tham trấn Hoà Đa cùng các ông Lê Hinh, Trương Trọng Cầu, Nguyễn Chi vận động.

 

061204-truong-trong-cau.jpg

Di ảnh cụ Trương Trọng Cầu và thẻ bài của vua ban “Quan lộc tự thiếu khanh”

Ông Trương Trọng Cầu- người được nhắc trong phong trào trên, sinh năm 1882, người làng Vĩnh Xuân, tổng Hoà Lạc, phủ Tuy Hoà (nay là thôn Vĩnh Xuân, xã Hoà Tân Đông, huyện Đông Hoà). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh và học giỏi. Năm Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909) ông tham gia kỳ thi Hương tại Trường thi Bình Định đậu cử nhân, và là một trong 9 vị đỗ đạt cao của Phú Yên qua các kỳ thi Hương. Theo “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục-Tổng tài Quốc sử  quán triều Nguyễn (NXB TP HCM 1993, trang 617), khoa thi tại Trường thi Bình Định năm ấy do Tham tri Bộ Học Đặng Như Vọng làm chủ khảo, Tế Tửu  Quốc tử giám  Trần Tấn Ích làm phó chủ khảo. Nguyên khoa thi trúng 18 người. Nhưng giám khảo chấm bài thấy Lê Toại (thứ 15) và Đoàn Văn Mân (thứ 17), kỳ thi thứ nhất văn sách có 3 bài trùng nhau, 3 bài nhiều chỗ giống nhau, đánh rớt cả hai, chỉ lấy đậu 16 người... Trương Trọng Cầu xếp thứ 6. Sau khi thi đậu, ông được cử làm Chủ sự Bộ Hình và 3 năm sau được triều đình Huế bổ nhiệm làm Tri huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hoà). Làm quan được tám tháng, thấy cảnh bất công, nạn tham nhũng ở chốn quan trường tràn lan, triều đình nhu nhược… ông đã trao ấn từ quan. Thời gian làm quan tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã hết sức chăm lo đến cuộc sống của người dân, như đã cho xây dựng một con đập nhỏ để dân lấy nước làm ruộng (hiện đã được nâng cấp thành đập thuỷ lợi lớn ở gần chùa Đại An Tam Quan Môn- Diên Khánh, Khánh Hoà). Trước khi trả lại mũ ô sa, ông đã làm bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán treo lại ở cửa quan với tựa “Từ giã huyện đường”. Bài thơ được dịch ra chữ quốc ngữ, như sau:  

 

“Trần tục nhân tình lắm chát chua

Công hầu, khanh tướng dễ gì thua

Trên đường danh lợi ngoài muôn dặm

Trước áng hương hoa mới nửa mùa

Quỷ sứ ra tay làm quái tặc

Giặc nhà ngậm miệng lắm a dua

Mấy lời nhắn nhủ cùng tăng chúng

Mỏ cá chuông kình mặc sức khua”.

 

Sau khi về quê cũ, ông tham gia cùng các cụ Phạm Đàm, Đào Nguyên Lượng… xây dựng văn miếu Phụng Nguyên ở xã Hoà Trị (huyện Phú Hoà) và văn miếu ở Sông Cầu (huyện Sông Cầu) thờ các vị tiền hiền có công của tỉnh như Lương Văn Chánh, Trần Cao Vân… Đồng thời xây đình, lẫm, lập miếu thờ cúng ở làng Vĩnh Xuân… Để nhắc nhở con cháu đời sau luôn ghi nhớ công lao, nguồn gốc của tổ tiên, giòng họ ông viết đôi câu đối cho treo ở nhà thờ họ:

 

“Tố nguyên tùng bắc địa nhi lai tích đức luỵ nhân phi nhất nhật/Khai môn tự nam cương vi thuỷ quang tiền vũ hậu sổ bách niên”.

 

Để mở mang dân trí trong vùng, sau năm 1930 ông lập trường tư “Vĩnh Xuân” tại thôn Phú Đa (Hoà Tân Đông), rồi thuê thầy Đỗ Như Bảng (ở xã Hoà Xuân) lên dạy. Ông còn xây cả tư thất cho vợ con thầy Bảng cùng ở lại trường để việc dạy học được lâu dài. Việc  làm này của ông sau đó được triều đình biết đến và trường Vĩnh Xuân được chuyển thành trường công. Lớp học trò  đầu tiên học ở trường này hiện còn sống ở xã Hoà Tân Đông có các ông: Trương Thắng, Nguyễn Hữu Nhẫn; ở xã Hoà Mỹ Đông (Tây Hoà) có ông Trương Bính…

 

Qua những việc làm vì dân, vì xã tắc trên, ông được triều đình phong thưởng hàm “Quan lộc tự thiếu khanh” (thẻ bài của vua ban hiện con trai út của ông là ông Trương Trọng Ngật còn lưu giữ tại nhà). Để ghi nhớ ân điển này, ông cho làm mộ con đường lát đá chẻ dài từ bờ mương lớn đầu làng Vĩnh Xuân đến tận bến Đá bờ sông Bàn Thạch (hiện vẫn còn một đoạn dài tại đầu thôn).

 

Cách mạng Tháng Tám nổ ra và lan về đến địa phương, ông cho tất cả các con tham gia (trong đó, có một người tham gia suốt hai cuộc kháng chiến hiện vẫn còn sống). Còn ông, năm 1946 tham gia phong trào phụ lão xã, huyện và làm uỷ viên Hội Hữu nghị Việt- Hoa tỉnh; cùng  các cụ Lê Tấn Duy, Lê Phẩm (Hoà Tân Tây) tham gia đại đội “Bạch đầu quân” của huyện Tuy Hoà và được cử làm đại đội trưởng. Đại đội “Bạch đầu quân” đã tổ chức biểu dương lực lượng khắp huyện Tuy Hoà và ra tận Tuy An; cổ vũ động viên thanh niên lên đường giết giặc cứu nước. Các cụ bô lão trong làng kể lại: Có lần ông đi xa tìm, học và đem về giống lúa Gòn cao sản hướng dẫn cho bà con nông dân cách trồng, thu được sản lượng, chất lượng cao. Nhờ đó, đời sống của người dân bớt khó khăn. Khi Chính phủ và Bác Hồ phát động quyên góp ruộng đất, tiền, vàng ủng hộ kháng chiến, ngoài vận động bà con trong làng và họ tộc tham gia, ông xung phong hiến 5 mẫu ruộng nhất, một đôi bò, 1 lượng vàng y và hàng chục kg đồng. Ngoài ra, ông còn nhận nuôi con của một liệt sĩ (từ Khánh Hoà gởi ra, là ông Nguyễn Văn Quang), sau cho đi bộ đội rồi tập kết ra Bắc.

 

Với lòng yêu nước, thương dân và lòng nhiệt tình, sự giác ngộ cách mạng, tháng1/1950,  ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Ông tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến năm 1952 thì qua đời do lâm bệnh nặng. Năm 1987, ông được Đảng và  Nhà nước truy tặng “Huân chương kháng chiến hạng nhất”.

 

XUÂN AN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek