Thứ Năm, 03/10/2024 01:24 SA
Nữ họa sĩ Văn Dương Thành:
Góp giọt nước nhỏ vào biển cả quê hương
Chủ Nhật, 27/07/2008 07:10 SA

Văn Dương Thành - người phụ nữ Việt Nam đã bước vào thế giới của sắc màu, ánh sáng và làm thế giới ấy thêm rạng rỡ bằng những tác phẩm  nổi tiếng đạt được nhiều giải thưởng quốc tế. Chị vừa trở lại Phú Yên sau 13 năm xa cách với bao hồi tưởng, và mong muốn được góp giọt nước nhỏ vào biển cả quê nhà.

 

Thanh-080726.jpg

Họa sĩ Văn Dương Thành -Ảnh: HIẾU NGỌC

 

KHÁT KHAO TRỞ THÀNH HỌA SĨ

 

* Được biết chị bắt đầu vẽ từ năm 7 tuổi. Điều gì đưa cô bé Văn Dương Thành khi ấy đến với thế giới sắc màu?

 

-  Khi đó ba tôi rất bận. Những lúc đi họp, ba đưa cây bút chì với mấy tờ giấy để con ngồi vẽ. Tôi vẽ và thấy vui. Ba về, khen con vẽ rất đẹp, con có thể trở thành họa sĩ. Từ đó tôi nhớ mãi lời ba và nghĩ rằng trong cuộc sống của tôi chỉ có một con đường là học để trở thành họa sĩ.

 

* Trong các họa sĩ tài danh như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…, người thầy nào có ảnh hưởng lớn đối với chị?

 

- Tôi may mắn được tiếp xúc với các họa sĩ bậc thầy - những người làm nên trang sử hội họa Việt Nam. Các bậc thầy đó không trực tiếp dạy tôi ở trường. Tôi tôn vinh các thầy là thầy của mình vì đã tiếp xúc, đã cùng vẽ và học được ở các thầy tình yêu nghệ thuật, sự sáng tạo không mệt mỏi, nhất là kỹ thuật để diễn tả những ý tưởng của mình bằng cây cọ.

 

* Ai là người giúp chị nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa?

 

- Đó là ba tôi - liệt sĩ Văn Gói. Ba tôi là một nhà giáo trước khi trở thành một nhà cách mạng. Ba luôn mong muốn các con mình học tập để có kiến thức. Ba nói rằng kiến thức giúp mình đứng vững trong cuộc đời, là tài sản vô giá. Bởi thế, chúng tôi luôn cố gắng học hành. Hình ảnh kiên nghị, đầy hy sinh và lòng nhân ái của ba giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Trong giai đoạn chiến tranh, tôi không thể học hai ba đại học, hai ba ngoại ngữ nếu không có sự nỗ lực lớn.

 

* Trong hơn 20 năm, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ hơn 300 bức chân dung chị. Chắc chắn cô học trò Văn Dương Thành đã để lại nhiều ấn tượng đối với họa sĩ tài danh này. Chị có thể chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc về ông?

 

- Khi bắt đầu học ở trường mỹ thuật, tôi biết tên tuổi của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Thời điểm đó, đời sống của các họa sĩ bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Văn Cao… gặp rất nhiều khó khăn. Để các họa sĩ có tiền mua gạo, Báo Văn Nghệ đặt họ vẽ những bức minh họa. Tôi nhịn ăn sáng, để dành tiền mua tờ báo Văn Nghệ, cắt tranh minh họa dán vào sổ và thấy rất vui. Sau này khi gặp, họa sĩ Bùi Xuân Phái hỏi “Cô bé học trò, sao cô bé biết bác?” Tôi nói “Thưa bác, con đã mua báo, cắt những bức minh họa của bác để dành xem và rất ngưỡng mộ”. Ông cảm động lặng người đi. Từ đó cho đến khi ông mất, bao giờ chúng tôi cũng là những người bạn tốt.

 

NGƯỜI “BẮC CẦU” BẰNG MỸ THUẬT

 

* Ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam học mỹ thuật nhiều không, thưa chị?

 

- Sinh viên Việt Nam học mỹ thuật không nhiều. Nhiệm vụ của tôi là dạy cho sinh viên các nước biết về mỹ thuật Việt Nam, về văn hóa Việt; nối bạn bè các nước với Việt Nam bằng chiếc cầu mỹ thuật.

 

* Theo chị, họa sĩ trẻ ở Việt Nam đang thừa những gì và thiếu những gì?

 

- Việc này các nhà phê bình nói thì sẽ khách quan hơn. Theo tôi thấy trong khu vực Đông Nam Á, về hội họa thì Việt Nam phát triển rất tốt. Các họa sĩ trẻ ở Việt Nam muốn thử nghiệm tất cả các trường phái mỹ thuật trên thế giới và họ tiếp cận nhanh. Những cuộc thi do đại sứ quán và học viện văn hóa các nước tổ chức cũng đem lại cho họa sĩ trẻ Việt Nam nhiều cơ hội để tiếp xúc và nhận học bổng du học. Sau một thời gian thử  nghiệm, chiêm nghiệm, họ sẽ rút ra được điều gì phù hợp với mình.

 

* Được biết thời gian gần đây, chị thường về Việt Nam sáng tác và tổ chức triển lãm tranh. Điều gì thôi thúc chị trở về?

 

- Mình là người Việt mà. Sau những chuyến đi dài để tiếp cận thế giới, học hỏi và chiêm nghiệm, tôi muốn trở về sáng tạo tại quê hương, mở lớp học để chia sẻ, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp, với các sinh viên.  

 

* Mảng đề tài nào mà chị tin rằng mình có thể sáng tác tốt hơn, khi ở Việt Nam?

 

van-duong-thanh-080726.jpg
Nữ họa sĩ Văn Dương Thành tại xưởng vẽ riêng ở Hà Nội
- Sau mấy chục năm làm nghề, mình không vẽ trực diện cũng được. Nhưng không gì bằng về quê hương, ngồi trước biển xanh, mắt mình nhìn thấy biển, thấy ánh nắng chan hòa trên bãi cát, làn da cảm nhận gió biển. Điều này khác hẳn việc mình ngồi ở một nước khác và hồi tưởng lại. Cảm xúc sâu sắc thì chắc chắn tác phẩm sẽ rung động người xem.

 

* Căn cứ vào giọng nói và phong cách thì Văn Dương Thành đích thực người Hà Nội. Vậy đâu là “chất” Phú Yên trong chị?

 

- Ba má tôi là người Phú Yên; tôi chôn nhau cắt rốn ở Tuy Hòa này. Khi còn bé, chưa biết nói thì tôi được bế ra Hà Nội. Học tập và lớn lên ở ngoài đó nên tôi nói tiếng Hà Nội. Nhưng tôi là người Phú Yên 100%.

 

* Không như các đồng nghiệp ở những thành phố lớn, họa sĩ ở các tỉnh như Phú Yên không ai sống được bằng nghề. Chị có gợi ý nào cho họ?

 

- Đấy là một hiện trạng của văn nghệ sĩ nói chung. Phú Yên có tiềm năng du lịch. Vài năm nữa, du khách đến với Phú Yên nhiều hơn. Nếu các gallery được mở một cách bài bản thì họa sĩ sẽ giới thiệu được tranh của mình. Tôi có kinh nghiệm trong việc này. Tôi rất vui lòng về xây dựng các gallery cho Phú Yên. Các họa sĩ cũng phải cố gắng vượt qua chính mình, vì tác phẩm có cảm xúc thì mới chinh phục được người xem. Mỗi họa sĩ nên có trang web để giới thiệu tranh, tiếp cận với thế giới.

 

Nếu được tỉnh tạo điều kiện, tôi mong muốn tổ chức trại sáng tác quốc tế tại Phú Yên. Các họa sĩ nước ngoài về đây, cùng ăn cùng ở cùng sáng tác để họa sĩ mình học hỏi. Tác phẩm sáng tác tại trại sẽ được triển lãm và có thể dùng để trang trí ở các trụ sở lớn…

 

Những gì có thể làm được, tôi xin hết lòng. Bây giờ là lúc mình cảm ơn bằng cách góp giọt nước nhỏ vào biển cả quê hương …

 

* Xin cảm ơn chị!

 

Họa sĩ Văn Dương Thành được xem là “Đại sứ văn hóa của Việt Nam” tại Thụy Điển do những nỗ lực của bản thân góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Chị đã vẽ trên 1.500 bức tranh, có khoảng 15 cuộc triển lãm tại nhiều nước trên thế giới như  Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Singapore, Đức… Hai tác phẩm Làng cổ Việt NamSự yên lặng của họa sĩ Văn Dương Thành được chọn là những tác phẩm xuất sắc nhất trong Chương trình nghệ thuật quốc tế kiệt xuất do các giám khảo Pháp và Mỹ chọn trong số 36 nước tham dự. Bức tranh lớn nhất của chị Phụ nữ và thiên nhiên (6,5 m x 1,5 m) được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Staffanstorp, Thụy Điển. Năm 2006, Văn Dương Thành là 1 trong 17 người Việt nhận giải thưởng Vinh danh nước Việt. Chị là nữ họa sĩ người châu Á đầu tiên giảng dạy mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển. Những học viên của chị đã thành lập một hội mỹ thuật mang tên Văn Dương Thành (Thành - Gruppen).

 

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cháo hàu Ô Loan
Thứ Năm, 19/06/2008 07:41 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek