Thứ Năm, 03/10/2024 03:42 SA
Trần Mai Ninh - Tổng Biên tập Báo Phấn Đấu
Thứ Bảy, 21/06/2008 07:58 SA

Nhiều người đã biết Tổng Biên tập của tờ báo Đảng bộ tỉnh nhà, tờ Phấn Đấu, là Trần Mai Ninh. Song  cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo, nhà văn nổi tiếng ấy thì ít người biết rõ.

 

tran-mai-linh-080621.jpg

Nhà thơ Trần Mai Ninh

Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi xin gởi lại một ít trang sử hào hùng của nhà báo cộng sản Trần Mai Ninh, và cái duyên do ông làm tổng biên tập báo Đảng Phú Yên.

 

Ông quê gốc ở Thanh Oai, Hà Đông, sau gia đình định cư ở Thanh Hóa. Tên khai sinh là Nguyễn Thường Khanh, sinh ngày 28/7/1917 tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Học tiểu học ở Vinh, trung học ở Thanh Hóa, đậu tú tài phần Một ở Hà Nội. Tại đây, ông được tiếp xúc với các nhà trí thức yêu nước như Trần Huy Liệu, Trường Chinh… được giác ngộ cách mạng. Gia đình muốn ông tiếp tục học hành, đỗ đạt cao, sang Pháp du học, đi theo con đường khoa cử. Gia đình có tiền, có thế, Khanh thì học giỏi. Nhưng Khanh đã từ chối một “tiền đồ xán lạn” như vậy, dấn thân vào con đường đấu tranh cho độc lập, tự do đầy gian nguy. Ông phải vừa kiếm sống vừa hoạt động cách mạng. Ông tham gia nhóm nghiên cứu Mác-xít ở Hà Nội, hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ Đông Dương. Ông viết báo, làm thơ, viết truyện với các bút danh: Trần Mai Ninh, Hồng Diệu, Tố Chi, Thảo Hoa, Mạc Đỗ, T.K.

 

Đầu năm 1937, ông tham gia công tác báo chí của Đảng, viết cho các báo Tin Tức, Thế Giới, Đời Nay, Bạn Dân, Thời Mới… Nhà báo Như Phong, cùng làm báo Đảng với Nguyễn Thường Khanh thời kỳ 1937, 1938 đã viết về ông như sau:

 

“Khanh có một sức làm việc khỏe lạ thường. Hằng ngày Khanh phải chạy đến hàng trăm thứ việc, đi họp, đi sửa bản in ở nhà in, đi gặp quần chúng cơ sở trong thành phố, đi dạy học tư để kiếm tiền tự túc về sinh hoạt, đỡ gánh nặng cho đoàn thể v.v… Vậy mà không hiểu Khanh còn tìm đâu được thời giờ để viết, viết đủ thứ từ điều tra, luận văn tuyên truyền đến thơ, truyện ngắn, dịch văn nước ngoài, viết nhiều mà lại nhanh bằng một thứ chữ nhỏ li ti nhưng rõ ràng, đều đặn trên những trang bản thảo ít khi bị tẩy xóa, chứng tỏ ý kiến lúc nào cũng dồi dào, và sẵn sàng có trật tự ngay từ đầu”…

 

Ở báo Tin Tức do đồng chí Trường Chinh trực tiếp chủ trì, Nguyễn Thường Khanh nổi lên là cây bút sắc sảo, đầy triển vọng. Ông viết bài, vẽ tranh, trình bày báo, làm đủ mọi việc cần thiết để ra báo kịp thời.

 

Trong câu chuyện kể với cán bộ báo Nhân Dân đầu năm 1986, đồng chí Trường Chinh nhắc tới Nguyễn Thường Khanh rất trân trọng, mến yêu. Đồng chí cho biết có một lần, đồng chí diễn thuyết tại một cuộc mít tinh quần chúng ở chỗ cột đồng hồ, giữa hai đoạn đường Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải bây giờ, đồng chí bị mật thám Pháp ập đến bắt đưa lên ô tô, đồng chí kịp gọi Nguyễn Thường Khanh, lúc này đang làm phóng viên tường thuật cuộc mít tinh, dặn là “ghi lại những điều tôi nói cùng với tường thuật mít tinh, nói rõ họ đã bắt tôi vô lý, trái phép, đăng ngay số báo ngày mai!”. Nguyễn Thường Khanh làm đúng như lời đồng chí Trường Chinh. Sáng hôm sau, báo phát hành, trẻ con bán báo rao ầm trời. Nguyễn Thường Khanh bị kêu ra tòa, nhưng ông cãi rất hay, tòa án thực dân Pháp phải thả ông ra.

 

Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai đến gần. Bọn phản động thuộc địa đánh phá phong trào cách mạng, tiến công trước hết vào các cơ quan báo chí, công khai của Đảng, tờ Tin Tức bị đóng cửa, Đảng xuất bản tờ báo mới lấy tên là Đời Nay. Mật thám đến khám xét tòa soạn báo Đời Nay, Nguyễn Thường Khanh lại bị bắt đưa ra tòa. Một lần nữa ông lại cãi bay, trắng án.

 

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Địch khủng bố dữ dội. Đảng phải rút vào bí mật. Nguyễn Thường Khanh về lại Thanh Hóa, cùng với Đào Duy Kỳ xuất bản báo Bạn Đường. Năm 1940, Nguyễn Thường Khanh được kết nạp vào Đảng. Tỉnh ủy Thanh Hóa xuất bản tờ báo Tự Do, ông được làm biên tập.

 

Ngày 10/7/1941, chiến khu Ngọc Trạo, chiến khu đầu tiên do Đảng ta thành lập ở miền Bắc Trung Bộ, Trần Mai Ninh được điều động lên chiến khu, vừa làm báo vừa làm đội trưởng thanh niên du kích. Chiến khu Ngọc Trạo bị đánh phá, Trần Mai Ninh bị bắt trong chiến đấu, bị kết án mười năm tù. Năm 1943, địch đày ông đi Buôn Ma Thuột. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 3/1945, Trần Mai Ninh ra tù, được Đảng phân công về huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, vận động khởi nghĩa, Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công. Tháng 5/1946, ông được cử làm Trưởng ban Tuyên truyền Đại đoàn 27, sở chỉ huy đóng ở Tuy Hòa. Ông cho xuất bản tờ Xung Phong. Làm việc ở Đại đoàn 27, ông có cống hiến xuất sắc trong công tác chính trị, báo chí, thể hiện một tài năng và phẩm chất được cán bộ lãnh đạo và đồng nghiệp quý trọng.

 

Do đó, năm 1947, ông được Tỉnh ủy Phú Yên mời đứng ra tổ chức và phụ trách tờ báo của Đảng bộ tỉnh lấy tên là tờ Phấn Đấu. Công việc ông làm lúc đó như là tổng biên tập sau này (vì thời đó chưa có chức danh tổng biên tập).

 

Giữa năm 1948, ông được cấp trên phân công vào công tác ở Cục Nam Trung bộ. Ông đi bằng thuyền từ Tiên Châu, xã An Ninh, huyện Tuy An, Phú Yên, vào phía Nam. Đến vùng biển Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa thì bị địch bắt. Giặc Pháp đem ông vào Nha Trang tra tấn, đánh đập tàn nhẫn, khoét mắt ông, kéo lê ông trên đường phố Nha Trang và giết chết ông một cách dã man. Cho đến nay, cũng chưa biết đích xác ngày ông hy sinh và nơi địch giết ông. Cuối năm 1999, sau 51 năm ông hy sinh, ông được chính thức công nhận là liệt sĩ.

 

Nhà báo - nhà văn Nguyễn Thường Khanh nêu một tấm gương sáng rực về tinh thần chiến đấu, dũng cảm ngoan cường, hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng. Tên ông được khắc trang trọng trên tấm bia cao bằng đá đỏ lấy từ núi Hòn Tượng thuộc vùng đất khởi nghĩa Tây Sơn đặt tại khu văn hóa Quân khu 5, ở giữa lòng thành phố Đà Nẵng, cùng với tên tuổi của 195 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ đã hy sinh trên chiến trường Liên khu 5 trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong đó có nhà thơ Nguyễn Mỹ, quê ở Tuy An, Phú Yên, tác giả Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng.

 

Hơn mười năm tham gia cách mạng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, báo chí, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thường Khanh - Trần Mai Ninh đã để lại một khối lượng tác phẩm lớn thơ, văn, báo chí có ảnh hưởng lớn lao trong lòng bạn đọc.

 

Riêng đối với Phú Yên - ông đã làm cho “Cái gió Tuy Hòa, Cái gió chuyên cần và phóng túng, các địa danh Sông Cầu, Vũng Lấm, “Dăm lá thuyền, ít mái tranh, vừa đẹp, vừa lành Tuy Hòa ngang dọc ngõ, dậy sáng, dịu màu tươi… được cả nước biết nhiều qua hai áng thơ bất hủ “Nhớ máu”“Tình sông núi”. Những người làm báo Đảng tỉnh nhà rất may mắn có người tổng biên tập khai sáng, tài năng, đức độ, được cả nước kính yêu, quý trọng.

 

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cháo hàu Ô Loan
Thứ Năm, 19/06/2008 07:41 SA
Như không hề có cuộc chia ly
Chủ Nhật, 11/05/2008 14:47 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek