Thứ Năm, 03/10/2024 05:30 SA
Nữ bác sĩ được ba bà hoàng ngợi khen
Thứ Năm, 08/05/2008 15:25 CH

Biết tôi là người Phú Yên, một hôm, nhà báo Thép Mới, ủy viên Ban biên tập Báo Nhân Dân, đi khám bệnh ở bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô về, gặp tôi, anh hỏi: “Cậu có biết cô bác sĩ người Phú Yên công tác ở bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô không?”.

 

080508-le trinh.jpg
Bác sĩ Lê Trinh
Bị hỏi đột ngột tôi chưa kịp nghĩ ra. Vả lại, hồi đó, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, số bác sĩ ở Phú Yên ra công tác ở Hà Nội chưa đủ để đếm trên năm đầu ngón tay. Và tôi cũng không biết ai công tác ở bệnh viện Việt Xô. Anh Thép Mới nói tiếp là anh vừa được bác sĩ Lê Trinh khám bệnh. Đó là bác sĩ rất xinh đẹp, duyên dáng và lịch sự, quê ở Phú Yên.

 

Tuy chưa quen với bác sĩ Lê Trinh, nhưng tôi có nghe bạn bè nói đến chị vài lần. Chị quê ở Sông Cầu, tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên từ trước 1945. Nhân nhà báo Thép Mới muốn biết thêm về Sông Cầu, tôi tranh thủ tuyên truyền cảnh đẹp Phú Yên, nói như cách ngày nay là “quảng bá du lịch”. Tôi nói Sông Cầu là vùng đất non xanh nước biếc vào loại đẹp nhất ở nước ta, bờ biển thiên biến vạn hóa, chỗ thì núi đá nhô ra thành ghềnh, thành mũi, chỗ thì bờ biển lõm lại thành vũng, thành đầm, bãi dài cát mịn, dừa xanh bát ngát…

 

Anh Thép Mới chăm chú nghe, khoan khoái, nói thêm: Thi bá Tản Đà đi qua Phú Yên đã viết một câu nổi tiếng: “Đa tình con mắt Phú Yên”!

 

Tôi cũng nói qua vài nét tiểu sử trích ngang của bác sĩ Lê Trinh mà lúc đó tôi đã được nghe. Khi được biết bác sĩ Lê Trinh đã từng tham gia Cách mạng tháng Tám trong phong trào khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tại Pleiku, đã từng là Bí thư phụ nữ cứu quốc tỉnh Gia Lai những năm 1945-1946, ủy viên HĐND tỉnh Gia Lai, lúc mới 18 tuổi, anh Thép Mới hết sức ngạc nhiên. Và cũng không phải riêng anh Thép Mới, rất nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi của bác sĩ Lê Trinh sau này đều lấy làm bất ngờ về chức danh bí thư phụ nữ cứu quốc tỉnh khi đọc bài báo “Việt Minh là người con gái nói tiếng Pháp” đăng trên Báo Nhân Dân nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, tháng 9/1998. Gần đây, năm 2006, nhà văn hóa Hữu Ngọc, trong tác phẩm “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” (NXB Thanh Niên) đã viết về bác sĩ Lê Trinh với đầu đề “Nữ tri thức thế hệ 45” khiến cho thành tích hoạt động của bác sĩ Lê Trinh được biết rộng rãi trong bạn đọc Việt Nam, và cả bạn đọc nước ngoài. Ngoài chuyện từng là bí thư phụ nữ tỉnh ở miền núi Tây Nguyên, người đọc còn biết, trong khi báo cáo về công tác phụ nữ ở Gia Lai tại Hội nghị Phụ nữ cứu quốc 17 tỉnh ở Trung bộ năm 1946, bác sĩ Lê Trinh còn được nguyên Hoàng hậu Nam Phương (vợ vua Bảo Đại), Phó chủ tịch Ban chấp hành Hội Phụ nữ Trung Bộ thời bấy giờ, bắt tay khen ngợi: “Em còn trẻ, dễ thương, chịu khó và giỏi quá!”.

 

Trước đây khi nước nhà chưa thống nhất, cán bộ Phú Yên ở miền Bắc và Hà Nội, gặp nhau, lẻ tẻ vài năm một lần. Sau ngày nước nhà thống nhất, tổ chức Ban liên lạc đồng hương Phú Yên, hội họp thường kỳ, tôi mới có dịp gặp gỡ, tiếp xúc và tìm hiểu về công tác chuyên môn cũng như xã hội của bác sĩ Lê Trinh.

 

Chị là người thầy thuốc có chuyên môn giỏi, chữa bệnh cho hàng nghìn người bệnh trong nước và nước ngoài. Rất nhiều người sau khi lành bệnh đã ghi lại những lời cảm phục, biết ơn chị – người thầy thuốc đã chữa cho mình.

 

Là chủ nhiệm khoa vật lý trị liệu bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô thời gian gần 20 năm, một bác sĩ chuyên khoa II, được tu nghiệp vật lý trị liệu tại Đức, am hiểu sâu rộng phương pháp chữa bệnh Đông và Tây, chị đã kết hợp hai phương pháp chữa trị đem lại kết quả tốt đẹp cho nhiều người bệnh trong và ngoài nước. Trong thời gian này chị đã được vinh dự chữa bệnh cho bà hoàng Kỳ Nam, vợ hoàng thân Xu Pha-nu-vông, chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Bà rất khen ngợi bác sĩ Trinh.

 

Biết ba thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, bác sĩ Lê Trinh đã viết và tham luận về phương pháp điều trị bệnh nhân trên nhiều diễn đàn các nước châu Âu, châu Á. Chị là cộng tác viên thường xuyên, có nhiều buổi nói chuyện tại trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, được người nghe nhiệt liệt hoan nghênh. Sau nhiều năm nghiên cứu và hợp tác với bác sĩ Giáo sư chủ nhiệm Hoàng Kim Tịnh, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, bệnh viện Việt Xô, về chấn thương, bác sĩ Lê Trinh đã xác định được một phương pháp điều trị rất hiệu quả để phục hồi chức năng chấn thương kết hợp Đông y và Tây y bằng cách dùng “cây ngải cứu”. Bài nói chuyện “chữa đau khớp, chấn thương, thoái hóa” bằng y học cổ truyền như thế nào” của chị đã được phổ biến rộng rãi.

 

Hết lòng chăm sóc người bệnh, tận tâm với nghề nghiệp, say mê nghiên cứu khoa học, chị là tác giả của hàng chục cuốn sách về y học, được Nhà xuất bản thế giới xuất bản bằng tiếng Anh và Pháp. Nhiều công trình nghiên cứu của chị đã được báo cáo ở Hội liên hiệp khoa học quốc tế tại Việt Nam năm 2003-2004 như các công trình: Tìm hiểu lá ngải cứu chữa bệnh đau cột sống, chữa đau chân…

 

Sau khi thôi làm việc ở bệnh viên, chị mở phòng mạch tư và tiếp tục trị bệnh, cứu người.

 

Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam đã giới thiệu tên tuổi và phòng mạch của chị trong hội nghị thượng đỉnh các nước Pháp ngữ năm 1997 tại Hà Nội. Nữ anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô cũ, Valentina Têrêchcôva đã đề tặng chị bức ảnh với dòng chữ quý báu: “Xã hội chúng ta cần rất nhiều người thầy thuốc như đồng chí Lê Trinh”. Ông Trentenaere, tham tán Đại sứ quán Pháp, viết: Bác sĩ Lê Trinh có một cách đề cập toàn diện về bệnh nhân, chú trọng thực hiện hiệu quả đặc biệt bằng cách sử dụng cả thuốc phương Tây và thuốc cổ truyền, cả những kỹ thuật vật lý trị liệu hiện đại Đức”. Đó cũng là sự đánh giá chung của các bệnh nhân khác từng được bác sĩ Lê Trinh điều trị.

 

Ở tuổi gần 80, chị vẫn tham gia công tác y học và xã hội. Thỉnh thoảng vẫn ra nước ngoài dự hội thảo khoa học. Nhân một chuyến đi thăm Căm-pu-chia, trước đây chị đã điện báo cho Hoàng hậu Monique, vợ Quốc vương Căm-pu-chia Nôrôđôm Xi-ha-núc biết và hỏi thăm sức khỏe Quốc vương và Hoàng hậu. Hoàng hậu và Quốc vương cử người thay mặt đến khách sạn chào bác sĩ, chúc sức khỏe và trực tiếp mời bác sĩ ở lại thăm đất nước chùa tháp. Hoàng hậu Monique đã nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về thời gian Hoàng hậu sang chữa bệnh ở Việt Nam, bà đã nhiệt liệt khen ngợi và cảm ơn bác sĩ Lê Trinh – các y tá, hộ lý bệnh viện Việt Xô.

 

Với đồng hương Phú Yên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chị luôn có quan hệ gắn bó mật thiết, tham gia sinh hoạt tích cực. Các học trò của chị ở Trường trung học Lương Văn Chánh, Phú Yên, sau này đã trưởng thành, giữ những trọng trách trong Chính phủ như Bộ trưởng Thái Phụng Nê, cán bộ khoa học có tên tuổi, đều có những kỷ niệm tốt đẹp về người thầy của mình – một nữ thầy thuốc đáng kính.

 

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Như không hề có cuộc chia ly
Thứ Hai, 05/05/2008 10:12 SA
Anh Sáu Râu
Thứ Năm, 21/02/2008 10:30 SA
Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên 100 tuổi
Thứ Tư, 20/02/2008 07:24 SA
Ông già tuổi Tý
Thứ Năm, 14/02/2008 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek