Thứ Năm, 03/10/2024 05:33 SA
Nhân kỷ niệm 121 năm ngày mất của Lê Thành Phương (28 tháng giêng năm 1887 – 28 tháng giêng năm 2008):
Những nét lớn của cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương (1885 - 1887)
Thứ Tư, 05/03/2008 07:31 SA

Cuộc tấn công vào quân Pháp tại kinh thành Huế đêm ngày 4 rạng ngày 5/7/1885 thất bại, Tôn Thất Thuyết phò giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở, ban dụ Cần vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên chống giặc. Hưởng ứng lời kêu gọi Cần vương, một phong trào nổi dậy chống thực dân Pháp và bọn quan lại chủ hòa đầu hàng bùng nổ mạnh mẽ khắp cả nước, ngay cả xứ Nam kỳ mặc dù đã trở thành thuộc địa của Pháp cũng có một số cuộc khởi nghĩa hưởng ứng(1).

 

080305-ltp.jpg

Thành An Thổ (Tuy An), nơi nghĩa binh Cần vương do Lê Thành Phương lãnh đạo tiến đánh vào tháng 9/1885 -  Ảnh: D.T.XUÂN

 

Ở Phú Yên, ngày 15/8/1885, tại núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, diễn ra lễ tế cờ, ban bố Hịch Chiêu quân tụ họp lực lượng nghĩa quân trong toàn tỉnh mở đầu phong trào Cần vương do Lê Thành Phương lãnh đạo. Sau lễ tế cờ, không khí khởi nghĩa dâng tràn mạnh mẽ khắp các làng xã thuộc 7 tổng, 3 phủ, huyện trong tỉnh được một tác giả đương thời ghi lại:

 

“Ngoài Bình Định đương ngày giặc giã

Trong Phú Yên nghe đã dậy rân

Bang Thinh làm đầu đốc dân

Tú Phương, cử Đốc, đội Tần xưng quan

Mật cờ cho các xã làng

Một lần dậy rập dư ngàn dư muôn…” (2)

 

Toàn tỉnh Phú Yên, các thứ quân phối hợp với các đội hương binh, dân dũng do một số thân hào, nhân sĩ chiêu mộ được phân chia làm 3 quân khu. Phía bắc tỉnh gồm các thứ quân Xuân Đài, Xuân Sơn do Phó soái Bùi Giảng thống lĩnh, đóng quân tại các đồn Bình Tây, Hòn Đồn, Thế Hiên. Khu trung tâm Xuân Vinh quân thứ do Lê Thành Phương trực tiếp chỉ huy đóng bản doanh tại núi Chóp Vung và các cứ điểm Lâm Cấm, Phiên Thứ, Gò Trú Quân. Quân khu nam Phú Yên (thuộc huyện Tuy Hòa) được chia làm hai khu vực: phía nam sông Đà Rằng với các thứ quân Hòa Lạc, Hòa Mỹ, Hòa Đa do Đề đốc Trương Chính Đường phụ trách, đặt đồn chính tại Gành Bà, Mỹ Thạnh, Đà Nông; phía bắc sông Đà Rằng do Đề đốc Đặng Đức Vĩ chỉ huy thứ quân Hòa Bình, đặt căn cứ tại núi Sầm. Ven biển là hệ thống phòng thủ từ đầm Cù Mông cho đến vịnh Xuân Đài, Vũng Rô để chặn địch đổ bộ từ hướng đông; vùng rừng núi phía tây huyện Đồng Xuân, một thời là Tây Sơn hữu đạo, có các căn cứ sơn phòng Vân Hòa, Tổng Binh, Tân Lương, La Hiên do Phó tướng Hữu tham quân Nguyễn Bá Sự, Tả tham quân Nguyễn Sách trấn giữ. Phú Yên trở thành pháo đài, trung tâm của phong trào Cần vương khu vực phía nam kinh thành Huế (3).

 

Sau khi phân chia các khu vực đóng quân và xây dựng căn cứ để kháng chiến lâu dài, Lê Thành Phương được nghĩa quân tôn làm Thống soái chỉ đạo toàn bộ phong trào Cần vương trong tỉnh, ban hiệu cờ với bốn chữ “Cần vương ái quốc”, tiến hành lập các lò xưởng, rèn đúc vũ khí, khai thác sắt ở vùng Lò Thổi, Hố Thiết, Lỗ Vàng; một số vũ khí được đưa từ bên ngoài vào do Hoa thương Ngô Kim Ký cung cấp với số lượng khoảng 200 đại bác, súng cò mổ và đạn dược để trang bị.

 

Tháng 9/1885, nghĩa quân Cần vương Phú Yên mở chiến dịch tấn công tỉnh thành An Thổ nhằm lật đổ chính quyền tay sai thân Pháp do án sát Huỳnh Côn cầm đầu. Tại đây, quân địch vừa được tăng viện 800 lính An Nam và đại đội lính Pháp ra sức đóng giữ. Lê Thành Phương huy động lực lượng nghĩa quân cả tỉnh phối hợp tiến đánh: đạo quân phía bắc tỉnh do Bùi Giảng phối hợp với Nguyễn Bá Sự, Võ Hữu Phú, đốc Ba, đốc Tấn, Nguyễn Bảy, Nguyễn Sách đánh vào mạn tây và bắc của thành; đạo quân phía nam do Lê Thành Bính phối hợp với Huỳnh Tần, Lê Thành Ký, Trần Đôn vượt sông Ngân đánh vào mặt đông và nam thành. Chiến trường diễn ra ác liệt, các đồn địch bảo vệ ngoại vi lần lượt tan vỡ, nghĩa quân vượt cầu treo chiếm trại chỉ huy trong thành. Quân địch một số bị tiêu diệt, một số rút chạy theo hướng biển ra Quy Nhơn. Sau đó nghĩa quân đánh chiếm huyện thành Tuy Hòa tại Đông Phước, giết tri huyện Lê Đình Mại, đuổi án sát Đinh Duy Tân phải đào tẩu vào Khánh Hòa.

 

Thắng lợi to lớn của Cần vương Phú Yên đã tác động hỗ trợ phong trào hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận lên cao. Thừa lệnh của Lê Thành Phương, ngày 14/12/1885, sau khi tiến đánh Bình Thuận, Phó soái Bùi Giảng rút quân về đánh chiếm thành Diên Khánh, bắt sống bố chính và án sát tỉnh Khánh Hòa giao cho Cần vương tỉnh này. Từ tháng 4 đến tháng 6/1886, lực lượng Bùi Giảng gồm 3.000 người phối hợp với Cần vương Bình Thuận do Ung Chiếm, Nguyễn Xương lãnh đạo chiếm phủ Ninh Thuận và các thành Phan Rí, Phan Thiết, đồng thời đem quân áp sát biên giới đe dọa an ninh của xứ Nam kỳ trực trị. Trước tình hình đó, chính quyền Nam kỳ được sự thỏa thuận của triều đình Huế, cử quân viễn chinh ra đàn áp phong trào các tỉnh Nam Trung kỳ.

 

Từ 3/7 đến 20/8/1886, quân Pháp tiến hành đánh chiếm Bình Thuận, phá tan lực lượng Cần vương ở đây. Ngày 20/8/1886, chúng tiến đánh Khánh Hòa, các thủ lĩnh Cần vương của Khánh Hòa như Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh lần lượt bị bắt, bị giết, phong trào coi như thất bại (4/12/1886).

 

Trong lúc chiến sự diễn ra ở Khánh Hòa, một kế hoạch “giải quyết Phú Yên đã được quyết định”(4). Theo đó, quân Pháp sẽ đổ bộ lên vịnh Xuân Đài tiến công đánh chiếm khu vực bắc Phú Yên để cắt đôi sự liên kết giữa lực lượng Cần vương hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Sau đó dốc toàn bộ lực lượng đánh vào phía nam, tập trung vào căn cứ Xuân Vinh – đại bản doanh của Lê Thành Phương trực tiếp chỉ huy và truy kích lên miền tây tiêu diệt các cứ điểm còn lại. Kế hoạch này quả thật hoàn hảo nhằm mục đích tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Cần vương ở Phú Yên, tiến tới cô lập, tiêu diệt phong trào Bình Định.           

 

080305-ltp1.jpg

Biểu diễn múa cờ trong lễ hội đền  Lê Thành Phương - Ảnh: .T.X

'

Ngày 4/2/1887, đạo quân viễn chinh Nam kỳ làm lễ xuất phát tại đại lộ Mac Mahon xuống tàu ra Phú Yên trên chiến hạm Nièvre. Đội quân này gồm 1500 người, trong đó có 500 lính chính qui (200 lính Âu và 300 lính bản xứ) do thiếu tá Chevreux chỉ huy và 1000 lính tình nguyện mới được tuyển mộ dưới quyền của Tổng đốc Trần Bá Lộc. Tham gia trong đoàn quân có những sĩ quan thực dân đã dày dạn kinh nghiệm trong việc đàn áp các phong trào ở Nam kỳ, Cao Miên như: đại úy pháo binh Gosselin, trung úy Collin, phó đại úy Gouttenègre trong bộ tham mưu; đại úy Nicolais, trung úy Grimal, thiếu úy Huillard chỉ huy đại đội 27 trung đoàn 4 thủy quân lục chiến; đại úy Lambert, Tipveau, trung úy Hervé, Philipppe chỉ huy đại đội thứ 8… và nhiều tên tay sai trung thành với nước Pháp như Chánh quản Huỳnh Công Hiếu, kinh lịch Hồ Tuấn, đốc phủ sứ Gò Công Lê Xuân Đức (5).

 

Ngày 5/2/1887 quân Pháp đến vịnh Xuân Đài. Khoảng 5 giờ sáng ngày 6/2/1887, quân địch đổ bộ lên cửa biển Tiên Châu - cửa ngõ quan trọng nhất của Phú Yên bấy giờ, mở đầu cuộc tấn công vào quân khu bắc. Phần lớn dân chúng các làng Hội Phú, Tiên Châu, Bình Thạnh đã di tản mang theo của cải, để lại vườn không nhà trống. Với trang bị vũ khí hơn hẳn, quân Pháp đã nhanh chóng đánh chiếm các pháo đài Phú Vĩnh, Mỗi Tra, Tiên Châu chọc thủng hệ thống phòng thủ tiền duyên tại Vũng Lắm, nghĩa quân phải lùi sâu vào đất liền cố thủ và chặn địch. Quân Pháp dùng sơn pháo 80mm có sức công phá mạnh tiến chiếm 3 cứ điểm Tân Thạnh, Đồi Dương, Xuân Đài và hạ thành An Thổ. Tại bến đò Phủ, hơn 100 nghĩa quân đã dũng cảm chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ cứ điểm. Đại đồn Định Trung, một căn cứ lớn và quan trọng của quân khu bắc do Phó soái Bùi Giảng chỉ huy cũng rơi vào tay địch trong ngày 7/2/1887.

 

Ngày 8/2/1887, sau khi dẹp tan quân khu bắc, địch tập trung lực lượng đánh vào khu trung tâm Xuân Vinh - nơi có các cánh quân chủ lực do Lê Thành Phương trực tiếp chỉ huy. Mặc dù chiến đấu dũng cảm, các trận đánh chặn địch trên đèo Quán Cau, phục kích tại núi Một, đánh giáp lá cà tại Phiên Thứ, Tân An nhưng nghĩa quân không thể ngăn nổi bước tiến của địch. Sau một ngày kịch chiến, các pháo đài Chóp Vung, Lâm Cấm, gò Trú Quân thất thủ, các làng chiến đấu Đồng An, Đồng Đức, Mỹ Phú, Phong Phú bị vỡ. Lê Thành Phương ra lệnh rút lên căn cứ địa Vân Hòa mưu tính cuộc kháng chiến lâu dài.

 

Sau ngày 8/2, quân Pháp tiến vào đồng bằng Tuy Hòa chạm trán với nghĩa quân các tổng do Đặng Đức Vĩ, Trương Chính Đường, Nguyễn Tấn Thảo chỉ huy. Trước sức mạnh của địch, nghĩa quân lui về miền núi cố thủ, vùng đồng bằng quân địch chiếm giữ. Ngày 14/2/1887 trên đường từ Trà Kê trở về đồng bằng để bàn tính kế hoạch phản công thì Lê Thành Phương bị địch bắt (6). Trong thời gian bị địch giam cầm tại Hàng Dao, chúng ra sức dụ dỗ nhưng kông lung lạc được khí tiết của vị Thống soái của phong trào. Ngày 20/2/1887 tại bến đò Cây Dừa, phủ Tuy An trước đám đông dân chúng bị ép buộc tập trung, Lê Thành Phương ngẩng cao đầu nhận án xử chém của kẻ thù, bỏ mình vì nghĩa lớn. Ngày 23/2/1887, Hữu tham quân Lê Thành Bính bị địch phục kích tại Vân Hòa, sau đó đã qua đời vì vết thương quá nặng. Ngày 25/2/1887, phó soái Bùi Giảng ra đầu thú, đánh dấu phong trào Cần Vương trong thời kỳ Lê Thành Phương lãnh đạo tạm lắng.

 

Khởi nghĩa Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo diễn ra từ năm 1885-1887 là một sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào chống Pháp của nhân dân Phú Yên cũng như các tỉnh Nam Trung kỳ cuối thế kỷ 19. Cuộc khởi nghĩa không chỉ lật đổ chính quyền tay sai thân Pháp ở Phú Yên mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, giúp cho phong trào các tỉnh này phát triển mạnh mẽ. Bản thân vị thủ lĩnh phong trào không chỉ thể hiện tài năng về quân sự mà đức độ, khí tiết của ông cũng đã để lại trong lòng nhân dân Phú Yên sự kính phục sâu sắc:

 

“Ô Loan nước lặng như tờ

Thương người chí sĩ dựng cờ Cần Vương

Trải bao gối đất màn sương

Một lòng vì nước quên thân bao người

Ai đem dòng máu đỏ tươi

Nhuộm hồng áo bạc nửa đời tang thương

Ngàn năm hùng khí Tú Phương

Hãi quân cướp nước, kinh phường buôn dân

Sinh vị quốc, tử vi thần

Lời thề độc lập nghĩa nhân khắp trời

Uy linh Hồng Lạc sáng ngời

Lửa thiêng chính khí muôn đời còn reo…” (7). 

 

————

(1) Nguyễn Phúc Nghiệp, Có một phong trào Cần vương ở Nam kỳ hồi cuối thế kỷ XIX, Kiến thức ngày nay, số 120 (1/10/1993).

 

(2) Lam Giang, Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn – Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam, tác giả tự xuất bản, Sài Gòn 1970, tr.549.

 

(3) Charles gourniau, Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp, Nghiên cứu lịch sử, số 6-1982, tr.36.

 

(4) Durrwell (1900), Trần Bá Lộc, tổng đốc de Thuân – Khanh, Sa vie et son Oeuvre, Notice biog raphique d’après les documents de famille, p.40.

 

(5) Joural oficie la Cochinchine Francaise 1887 - Trung tâm lưu trữ quốc gia II.

 

(6) Theo Nguyễn Đình Tư, Non nước Phú Yên, Tiền Giang xuất bản 1965, trang 145 có ghi: Lê Thành Phương bị Chánh tổng Hòa Bình là Đặng Trạch bắt nộp cho Trần Bá Lộc.

 

(7) Bài thơ Hùng khí Tú Phương do Nguyễn Phúc Quang, một chí sĩ yêu nước đương thời sáng tác.

 

Thạc sĩ ĐÀO NHẬT KIM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Anh Sáu Râu
Thứ Năm, 21/02/2008 10:30 SA
Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên 100 tuổi
Thứ Tư, 20/02/2008 07:24 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek