Thứ Năm, 03/10/2024 05:35 SA
Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên 100 tuổi
Thứ Tư, 20/02/2008 07:24 SA

Thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông của cả nước và của tỉnh liên tục nói về cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân cả nước hồi Tết Mậu Thân (1968) và xuân Ất Mão trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Là người lính từng có mặt ở mặt trận trong hai chiến dịch lịch sử ấy, tôi lại càng nhớ đến chiến trường xưa và đồng chí, đồng đội của mình. Tôi quyết định đi thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thành phố, đó cũng là cách đến thăm những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.

 

080220-cu-uc.jpg

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Úc

Làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Tuy Hòa, tôi được biết trong thành phố có rất nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều mẹ còn sống, nhưng nhiều mẹ cũng đã qua đời. Tôi suy nghĩ phải đi thăm ngay Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Úc ở phường 1, vì tết này mẹ đã 101 tuổi, nếu muộn thì tôi sẽ rất ân hận.

 

Cô Phan Thị Hương, cán bộ Ban chính sách xã hội phường 1 vui vẻ đưa tôi đến nhà mẹ Phan Thị Úc ở 75 Lê Thánh Tôn. Người mở cửa đón chúng tôi vào nhà là bác Phan Bồng, năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi, em ruột của mẹ Úc. Một lúc sau mẹ Úc chống gậy từ phòng trong đi ra, theo sau là một người cháu gái dìu mẹ đi từ từ. Tôi rất xúc động trong giây phút đầu tiên vừa gặp mẹ. Đầu tóc mẹ đã bạc phơ, khuôn mặt chữ điền đầy những nếp nhăn, lưng còng, chân run, tai điếc…

 

Mẹ đi đến cạnh tôi, giơ đôi bàn tay khẳng khiu của mình run run nắm lấy bàn tay tôi lắc qua lắc lại mấy lần rồi nói rất to: “Mẹ xin chào đại biểu nhà báo đến đây thăm mẹ! Xin mời đại biểu nhà báo uống nước trà nóng!”. Tôi nói: “Con xin cám ơn mẹ!”. Mẹ nhìn tôi, rồi quay sang hỏi người em – bác Phan Bồng: “Đại biểu nhà báo nói gì?”. Bác Phan Bồng phải “phiên dịch” vào tai, mẹ mới gật đầu. Suốt buổi nói chuyện với mẹ hôm đó tôi hoàn toàn nhờ vào sự “phiên dịch” của bác Phan Bồng.

 

Mẹ Phan Thị Úc sinh năm 1907 tại thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ, huyện Tây Hòa. Ở vùng quê nghèo khổ này, từ thuở nhỏ mẹ đã chịu thương, chịu khó lam lũ làm ăn góp phần làm ra của cải để nuôi sống gia đình. Việc gì khó nhất của nhà nông như cày bừa, đào mương… mẹ đều thành thạo. Lúc nhàn rỗi, mẹ đi buôn gánh, bán bưng xuống tận thị xã Tuy Hòa. Ở thôn Phú Thuận này mọi người đều khen Phan Thị Úc là đứa con gái đẹp người, đẹp nết, lao động cần cù, hiếu thảo với cha mẹ, lễ phép với bà con, chan hòa với bạn bè, nên ai ai cũng mến, cũng thương.

 

Chồng mẹ là ông Lê Văn Diệu, sinh năm 1898. Quê ông ở tỉnh Quảng Nam. Gia đình nghèo khổ nên từ lúc còn trai trẻ ông đã vào tỉnh Phú Yên để tìm việc làm kiếm sống. Vì không có nghề nghiệp gì nên ông chỉ làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày.

 

Trong cuộc sống lao động khó nhọc ấy họ gặp nhau, thông cảm với nhau và yêu nhau. Năm 1928 lúc ông Diệu 30 tuổi, mẹ Úc 21 tuổi thì họ cưới nhau. Hai người thuê nhà trọ ở thị xã Tuy Hòa để tá túc. Ai thuê mướn việc gì ông Diệu đều ra sức làm. Bà Úc thì gánh hàng tạp hóa đi bán khắp nơi. Năm 1931, hai người sinh được một người con trai đặt tên là Lê Minh Châu. Vì nuôi con còn nhỏ, mẹ không thể tiếp tục gánh hàng tạp hóa đi bán dạo được. Hai vợ chồng dựng  một cái quán nho nhỏ dưới cái bi cầu Sông Chùa để bán quán ăn. Về sau cái quán nhỏ này trở thành điểm hẹn liên lạc của các đồng chí hoạt động cách mạng qua sự bảo vệ và giúp đỡ của ông Diệu. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của những người hoạt động cách mạng bí mật, ông Diệu trở thành cơ sở cách mạng rất hăng hái, nhiệt tình. Việc gì tổ chức cách mạng giao cho, ông Diệu đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Sau cách mạng Tháng Tám (1945), ông Diệu đã gần 50 tuổi, được tổ chức cách mạng giao nhiệm vụ thành lập Hội Phụ lão cứu quốc trong thị xã và cử làm Hội trưởng. Hồi đó Hội có nhiệm vụ: động viên con cháu hăng hái tòng quân, tham gia dân quân du kích, thoát ly hoạt động cách mạng. Các cụ trong Hội hằng ngày đi vận động,  thu gom hũ gạo cứu quốc và lo chặt tre, đan giỏ để tải gạo đi chiến trường. Cụ nào còn khỏe thì giúp đỡ con cháu việc luyện tập quân sự, dạy võ, tham gia tuần tra canh gác bảo vệ xóm làng. Với khí thế cách mạng hừng hực sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, già trẻ, gái trai các tầng lớp nhân dân thị xã Tuy Hòa hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Họ sẵn sàng ủng hộ tiền, gạo và mọi thứ vật chất khác nếu cách mạng cần để nuôi quân đánh giặc. Hội Phụ lão cũng sát cánh cùng dân quân du kích trực chiến ở các điểm chốt, hoặc phân công nhau đi tuần tra quanh các khu phố trong thị xã, giữ gìn sự yên bình cho nhân dân.

 

Hội Phụ lão hăng hái làm việc suốt ngày đêm. Hàng ngàn giỏ tre các cụ đan bảo đảm đủ chỉ tiêu trên giao để tải gạo đi chiến trường. Hàng tấn lương thực các cụ thu gom ở hũ gạo cứu quốc do nhân dân đóng góp kịp thời chuyển ra mặt trận. Có thể nói Hội Phụ lão cứu quốc là một tổ chức của nhân dân, được nhân dân rất tin yêu và kính trọng. Việc gì khó khăn, các cụ đứng ra nói và làm là thành công ngay.

 

Ngày 24/8/1947, cụ Lê Văn Diệu đang cùng các cụ phụ lão trong Hội đi làm nhiệm vụ quyên góp sự ủng hộ của nhân dân về vật chất cho cách mạng. Khi họ đến đoạn đường Nhà máy đèn Băng Hưng (nay là rạp Đại Nam), giặc Pháp phục kích bắn chết một số cụ, trong đó có cụ Lê Văn Diệu.

 

Cha hy sinh lúc Lê Minh Châu mới 16 tuổi. Chỉ có một đứa con độc nhất nên mẹ Úc rất thương Châu và bảo:

 

- Châu ơi! Cha con bị địch giết hại rồi, chỉ còn mẹ con mình đùm bọc và sống với nhau. Theo mẹ, con nên tiếp tục đi học trung học.

 

Châu lau khô nước mắt rồi nói với mẹ:

 

- Nhất định con sẽ đi theo cách mạng để trả thù cho cha. Bây giờ tuổi còn nhỏ, nhưng con sẽ xin được tham gia dân quân du kích. Làm liên lạc cũng được mẹ ạ!

 

Với cái quán nhỏ bên cầu Sông Chùa, bây giờ chỉ còn một mình mẹ lo buôn bán để kiếm tiền nuôi bản thân và nuôi con ăn học. Thỉnh thoảng Châu còn giúp các chú dân quân du kích chuyển công văn, tham gia trực chiến hoặc theo các chú đi tuần tra canh gác. Nhìn thấy đứa con trai độc nhất ngày càng lớn khôn, trưởng thành, mẹ Úc quên cả nỗi buồn hiu quạnh. Lê Minh Châu rất thương mẹ, việc gì ở nhà, ở quán anh cũng gắng sức làm để phụ giúp mẹ. Công tác dân quân du kích tuy vất vả khó nhọc, nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành. Các đồng chí chỉ huy khen ngợi: “Lê Minh Châu là một chiến sĩ có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, mọi nhiệm vụ của đơn vị giao cho đều cố gắng hoàn thành. Tương lai sẽ trở thành một cán bộ quân sự giỏi…”

 

Ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến Giơnevơ có hiệu lực, Lê Minh Châu được các đồng chí lãnh đạo địa phương giới thiệu ra khu tập kết 300 ngày ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để đi tập kết ra miền Bắc. Châu đang còn lưỡng lự nhiều bề: Đi tập kết ra miền Bắc sẽ có điều kiện tiếp tục học tập để sau này khi thống nhất nước nhà trở về miền Nam góp phần xây dựng quê hương như các cô chú lãnh đạo địa phương căn dặn. Nhưng còn mẹ già ở lại một mình, ai gần gũi giúp đỡ mẹ lúc trái gió, trở trời? Còn cái việc đánh địch để trả thù cho cha thì sao?

 

Như đoán biết được ý nghĩ của Châu, mẹ Úc ân cần nói:

 

- Mẹ biết con đang phân vân giữa việc đi tập kết ra miền Bắc hay tiếp tục ở lại miền Nam. Mẹ biết con thương mẹ và lo cho mẹ nhiều lắm. Theo mẹ, con nên thực hiện theo lời khuyên bảo của các cô chú lãnh đạo địa phương là nên đi tập kết ra miền Bắc. Con còn quá trẻ nên có điều kiện học tập trưởng thành. Mẹ ở lại đây đã có cậu Phan Bồng của con và bà con cô bác chòm xóm đùm bọc, chăm sóc. Với lại những người cách mạng trung kiên như bác Bốn, chú Ba, dì Bảy, cô Hai… vẫn còn ở lại với bà con cả mà. Con yên tâm mà ra đi. Còn việc đánh giặc để trả thù cho cha là công việc rất dài, con còn rất nhiều thời.  Mẹ mong con yên tâm lên đường ra miền Bắc. Con nghe lời của mẹ nghen con!

 

Nghe những lời tâm sự có lý, có tình của mẹ, Châu lên đường ra tỉnh Bình Định để đi tập kết ra miền Bắc. Ra đến miền Bắc, Lê Minh Châu được học tập, rèn luyện và trưởng thành. Lòng anh luôn nhớ mẹ, nhớ miền Nam đang chìm ngập trong cảnh tàn sát dã man của kẻ thù. Với quyết tâm được trở lại miền Nam để trực tiếp tham gia chiến đấu nên anh xung phong nhập ngũ. Đầu năm 1966, anh được mang quân hàm chuẩn úy và cuối năm đó anh làm đơn tình nguyện xin đi vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Anh phụ trách một phân đội hành quân trên đường Trường Sơn với tinh thần phấn khởi mong mau tới chiến trường để đánh giặc. Ngày 25/12/1966, máy bay B52 của Mỹ ném bom tọa độ trúng đội hình hành quân của phân đội anh. Chuẩn úy Lê Minh Châu đã anh dũng hy sinh ở một cung đường Trường Sơn nằm sát biên giới giáp nước bạn Lào.

 

Tết Mậu Thân năm 1968, quân giải phóng đánh vào thị xã Tuy Hòa. Các mũi tiến quân của quân giải phóng đều tiến sâu trong lòng thị xã và đánh mạnh vào các vị trí đầu não của địch. Cuộc chiến đấu ở ngã năm Trần Hưng Đạo diễn ra rất quyết liệt vào giờ giao thừa. Nằm trong cái quán ọp ẹp dưới cái bi cạnh cầu Sông Chùa, mẹ Úc không thể nào chợp mắt được. Mẹ thắp hương khấn rằng: “Nam mô trăm lạy ngàn lạy chi Phật mười phương, mười phương chi Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát hãy phù hộ cho quân giải phóng đánh to, thắng lớn tiêu diệt hết bọn Mỹ ngụy ác ôn để giải phóng thị xã Tuy Hòa, giải phóng Phú Yên…”. Rồi mẹ lấy gạo nấu thật nhiều cơm, vắt lại nhiều vắt với ý định tiếp tế cho bộ đội mình ăn no đánh giặc. Mẹ nhìn qua khe cửa thấy đạn lửa bắn chéo nhau, pháo sáng đầy trời; trận địa pháo của địch trên tháp Nhạn bắn ra phía cầu Ông Chừ không lúc nào ngớt. Mẹ Úc lại trước bàn thờ khấn: “Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát! Hãy phù hộ cho các chiến sĩ bộ đội giải phóng được an toàn. Hòn tên mũi đạn hãy nhằm về phía quân địch mà lao tới tiêu diệt chúng nó…”

 

Mờ sáng mẹ dậy thật sớm. Tiếng súng trong lòng thị xã vẫn nổ dữ dội. Mẹ trông thấy các chiến sĩ quân giải phóng mặc quân phục màu xanh lá mạ, đầu đội mũ tai bèo thoắt ẩn, thoắt hiện ở từng đầu hè, góc phố, xả đạn về phía địch. Mẹ cố nhìn xem may ra có thể thấy thằng Lê Minh Châu con của mẹ trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Nhưng đó chỉ là những người trạc tuổi con trai của mẹ. Mẹ mong ước sao những ngày chiến đấu sôi sục thế này, mẹ được gặp đứa con trai duy nhất của mình về đây đánh giặc để trả thù cho cha nó. Mẹ dõi theo không mỏi mắt bóng dáng của các chiến sĩ quân giải phóng đang truy kích địch trên đường phố Tuy Hòa. Đứa nào cũng hao hao giống như đứa con trai của mẹ.

 

Ngày 1/4/1975, tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng. Trên tháp Nhạn, lá cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phần phật. Trên mọi đường phố Tuy Hòa, bà con tràn ra vẫy cờ hoa đón mừng quân giải phóng tiến vào. Mẹ Úc cũng hòa vào dòng người náo nức đó để mừng ngày tỉnh nhà được giải phóng. Riêng mẹ còn có một mong ước: Tìm gặp đứa con trai Lê Minh Châu sau hơn 20 năm xa cách, xem nó có được cùng đồng đội trở về giải phóng quê hương trong ngày vui hôm nay không? Mẹ cầm hoa, cờ lách hết đám đông này đến đám đông khác, rồi nhón gót chân lên để cố nhìn cho rõ các chiến sĩ trong đoàn quân giải phóng đang tiến bước rầm rập trên đường phố, giơ cao mũ tai bèo vẫy chào nhân dân đứng chật hai bên đường. Nhiều người gặp được người thân, đang ôm chầm lấy nhau mà khóc. Nhiều người không gặp được người thân, cũng đang khóc như mẹ Phan Thị Úc.

 

*     *

*

 

Năm 1976, sau khi nước nhà độc lập thống nhất trọn vẹn, bác Phan Bồng là em ruột của mẹ Phan Thị Úc được UBND phường 1 mời lên cơ quan phường. Ông Nguyễn Bổ – Phó chủ tịch UBND phường 1 đã trân trọng trao bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Văn Diệu cho gia đình. Bác Phan Bồng xúc động đón nhận.

 

Cũng năm đó, gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị cũ từ miền Bắc gởi vào ghi rõ đồng chí chuẩn úy Lê Minh Châu đã anh dũng hy sinh ngày 25/12/1966 tại chiến trường phía Nam.

 

Ngày 17/12/1994, mẹ Phan Thị Úc được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Bác Phan Bồng xúc động tâm sự: - Anh ạ! Từ ngày anh tôi hy sinh, cháu Châu đi tập kết ra miền Bắc, đi bộ đội rồi cũng hy sinh, chị tôi sống chung cùng chúng tôi và được các cháu trong gia đình chăm sóc nuôi dưỡng. Bên cạnh đó là sự đùm bọc, cưu mang, động viên giúp đỡ tận tình của bà con cô bác láng giềng. Điều đặc biệt là sự quan tâm rất chu đáo của Thành ủy, UBND thành phố cũng như Đảng ủy, UBND phường 1 đối với chị tôi và gia đình tôi. Phải nói rằng các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở thành phố Tuy Hòa cũng như ở phường 1 đã thực hiện rất tốt đạo lý Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, trong đó có gia đình tôi. Năm 2004, ông Trần Đình Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, khi vào công tác ở tỉnh Phú Yên, cũng đã đến nhà thăm chị tôi. Tết Mậu Tý này ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, vào làm việc và chúc Tết ở tỉnh Phú Yên cũng đến nhà chúc Tết chị tôi. Tôi rất cảm động và biết ơn Đảng và Nhà nước. Tôi thường xuyên giáo dục các con, các cháu trong gia đình hãy luôn luôn tự hào và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, của dân tộc để ra sức học tập tốt, lao động tốt, công tác tốt, góp phần xây dựng quê hương mình càng giàu hơn, đẹp hơn, làm thỏa lòng mong ước của những người đã hy sinh xương máu của mình để có ngày hôm nay. Đó cũng là đạo lý của những người còn sống.

 

Chúng tôi được biết Trường THPT Nguyễn Huệ đã nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Úc suốt đời. Những ngày lễ, tết, thầy trò trường Nguyễn Huệ thường đến nhà thăm mẹ, chăm sóc mẹ, mừng tuổi thọ của mẹ, hát cho mẹ nghe và nghe mẹ kể chuyện cổ tích, chuyện một thời đánh giặc Pháp, giặc Mỹ rất ác liệt và rất hào hùng ở mảnh đất mà mẹ đã sống trên 100 năm với biết bao biến cố, thăng trầm, có cả máu và nước mắt.

 

Truyện ký của TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek