Thứ Năm, 03/10/2024 11:26 SA
Đi tìm chân dung liệt sĩ Trần Mộng Thành
Kỳ III: Những tháng năm thoát ly tham gia cách mạng
Thứ Sáu, 05/10/2007 08:30 SA

Kỳ I: Cuốn nhật ký từ khói lửa chiến tranh

Kỳ II: Từ mái ấm gia đình đến với lý tưởng cách mạng

071003-Ls-Tran-Mong-Thanh.jpg

Liệt sĩ Trần Mộng Thành

Khi lên cứ, anh Thành được bố trí vào Đội công tác vũ trang huyện uỷ Cam Lâm (nay là Cam Ranh), rồi được điều về đơn vị hậu cứ (đơn vị C10), đến năm 1964 lại được đưa về Đội công tác vũ trang, hoạt động tại địa bàn các xã Cam Tân, Cam Hòa, Phú Bình, Lập Định, Bãi Giếng. Nhiệm vụ của Đội là xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào trong lòng địch. Để đảm bảo bí mật, những ngày không có trăng các anh đi xuống cơ sở, thường phải nằm hầm bí mật, còn những ngày có trăng thì trở lên cứ.

 

Khi còn ở nhà, ai cũng có tên cúng cơm, nhưng khi thoát ly lên cứ mỗi người phải tìm cho mình một bí danh. Anh chọn bí danh là Trần Mộng Thành. Theo lời chị Hồng, chị không thích cái tên đó vì nghe nó ngộ nghĩnh và tức cười quá, mỗi lần gọi tên anh, ai cũng bật cười làm chị Hồng rất bực. Có lần chị hỏi: “Bộ không còn tên nào khác hay sao mà anh chọn cho mình cái chữ lót kỳ vậy?”. Anh đáp: “Đó là tên kỷ niệm của anh, rồi sau này em sẽ hiểu”. Mãi đến khi anh Thành hy sinh chị Hồng mới hiểu, chữ “Mộng” chính là ước mộng tham gia cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của anh.

 

Khi mới thoát ly, anh Thành phải làm quen với cuộc sống trên cứ vô cùng gian khổ, hiểm nguy và đây cũng chính là thời gian mà anh có dịp hiểu thêm về những phẩm chất tốt đẹp của những con người cách mạng. Anh viết về họ:

 

“...Tình thương giống nòi luôn bồi đắp cho họ đầy đủ nghị lực vượt qua mọi gian nguy để giành lấy thắng lợi mang về cho đất nước, họ có niềm  tin và niềm lạc quan khi gặp khó khăn, sẵn sàng hiến dâng xương máu mình để bồi đắp giang sơn khi cần đến...”

 

Những tháng năm sống và chiến đấu trên vùng căn cứ đã giúp cho chàng thanh niên Trần Mộng Thành trưởng thành trong tư tưởng, nhận thức và trong công việc, từ đó anh đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam ngày 1/5/1964.

 

“...Không gì bằng niềm vui sướng của người thanh niên đã trưởng thành trên bước đường cách mạng. Tôi được Chi Đoàn kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam. Buổi lễ kết nạp tuy đơn giản song đầy ý nghĩa, đưa tâm hồn người thanh niên vào một ngày lịch sử, mở ra một chân lý sáng ngời. Với tập thể, đây cũng là buổi lễ mà Chi đoàn có thêm một đoàn viên mới để tăng thêm sức chiến đấu...”

 

Rồi anh được kết nạp vào Đảng ngày 17/9/1967.

 

“...Trong một căn nhà lợp bằng lá giữa khoảng rừng nơi chiến khu, dưới đêm mưa tầm tã, trên tường treo một lá cờ Đảng, ảnh của Hồ Chủ Tịch và ngọn đèn dầu leo lét. Đó là nghi thức của một buổi lễ đầy trang nghiêm, là thời khắc lịch sử của cuộc đời chính trị- Chi bộ làm lễ kết nạp tôi vào Đảng...”

 

Và Trần Mộng Thành đã được vinh dự tham gia vào cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 vô cùng hào hùng và ác liệt:

 

“...Vừa mừng vừa lo, suốt mấy ngày không ăn ngủ được. Lệnh tổng công kích đã đến rồi. Mỗi đồng chí chúng ta sẽ làm gì đây trong giờ phút lịch sử quyết định này? Lời thề với dân với Đảng nơi đây là cơ hội cho mình trọn ước...

 

...Buổi lễ xuất phát cuối cùng, mỗi đồng chí trang nghiêm gắn lên vai lời thề Tổ quốc, rồi rầm rập lên đường, đoàn quân đi, chìm trong đêm tối. Niềm vui đi chiến đấu, rì rào ngọn gió biển thổi qua, trôi nhè nhẹ trên cánh đồng mênh mông bát ngát, thì thầm thỏ thẻ như nhắc nhở vuốt ve lên mái tóc của từng chiến sĩ trên đường lập công mang về vinh quang cho nòi giống...”

 

“...Trận chiến đấu với quân giặc đông gấp 50 lần, cái chết của chúng tôi tưởng chừng đã đến tận gáy, quần lộn với chúng suốt một ngày, cách nhau 2-3 mét, dẫm qua dấu giày của chúng mà đi, vượt qua vòng vây dày đặc mà tiêu diệt chúng, bảo vệ đồng đội.

 

Đây là trận đánh ác liệt nhất trong ngày 30 Tết, nhận nhiệm vụ hợp đồng chung, kéo địch, giữ chân địch để các nơi làm nhiệm vụ...”

 

071003-lsthanh5.jpg

Các tác giả đang trò chuyện với ông Trần An, anh trai liệt sĩ Trần Mộng Thành – Ảnh: H.V.QUỐC

 

Cũng như các chiến sĩ cách mạng khác, Trần Mộng Thành cũng trải qua những gian nguy, thiếu thốn, bị bệnh, bị thương. Trong nhật ký, có một đoạn Trần Mộng Thành nói về “cơn nguy ngập”, “bị mù đôi mắt”.

 

Theo lời chị Hồng thì trường hợp anh Thành bị bệnh suýt mù mắt là do suy nhược cơ thể sau gần nửa tháng bị lạc trong rừng. Chị kể: Đợt ấy, vào khoảng tháng 11 năm 1965, anh Thành mới đi công tác ở cơ sở về thì gặp một trận càn ác liệt của quân địch đánh vào căn cứ. Dưới đất thì quân địch đông gấp nhiều lần bao vây bắn xối xả, trên trời thì máy bay thả bom, mọi người phải rút lui để bảo toàn lực lượng, anh Thành cũng chạy vào rừng nhưng bị lạc suốt 12 ngày. Lúc rút lui mỗi người chỉ kịp mang theo vài lon gạo. Nhờ mấy lon gạo nhai sống cầm hơi, rồi ăn lá rau rịa, môn dóc mà anh Thành cầm cự được hơn chục ngày không bị chết đói. May nhờ anh em đi tìm được đưa về cứ, nhưng vì đói ăn, thiếu sinh tố nên anh Thành bị suy nhược cơ thể mờ cả hai mắt, hầu như không còn nhìn thấy gì nữa. Cơ quan, bệnh xá cũng chẳng có thuốc gì đặc trị, anh em chỉ biết xuống suối mò cua, bắt cá bồi dưỡng cho anh Thành. Ai cũng nghĩ anh sẽ bị mù, nhưng nhờ còn trẻ nên cơ thể phục hồi được. Trong nhật ký, Trần Mộng Thành đã ghi lại những phút giây ngặt nghèo đó:

 

“...Pháo đèn suốt đêm địch bắn không có qui luật. Chúng tôi dò dẫm, mỗi lúc ra lệnh ngồi và đi chỉ bằng tiếng tróc. Cứ thế suốt đêm ba chúng tôi vượt qua bao lưới bủa giăng của quân thù, trở về căn cứ an toàn trong chuyến đi bằng cặp cây chống dò đường trong  đêm tối cộng với cặp mắt mù...”

 

“...Mùa xuân này không phải như những mùa xuân khác, mình chỉ được hưởng xuân bằng một màn đen u tối bao trùm vì cơn bệnh quá ngặt nghèo, hai mắt không nhìn thấy gì nữa.  Thử hỏi một tâm hồn non trẻ đang chứa đựng nhiều ước mơ trong trắng đã ngất lịm đi trong tuyệt vọng thì làm sao có đầy đủ nghị lực để vui xuân với những tiếng cười vui rộn rã...”

 

Về trường hợp anh Thành bị thương, anh Ngô Thanh Hải-quê ở Thái Bình vào Nam chiến đấu năm 1966 ở đơn vị C91 thuộc Huyện đội Cam Ranh, sau được biệt phái sang Đội công tác vũ trang với anh Thành, cho biết: Anh Thành bị thương nặng một lần là vào khoảng tháng 4 năm 1968 trong chiến dịch mở rộng địa bàn phối hợp với các chiến trường. Trên đường đi xây dựng cơ sở trở về, anh bị địch phục kích, một viên đạn bắn xuyên qua phổi làm anh mất nhiều máu mê man bất tỉnh. Từ chỗ anh bị thương, đồng đội đã thay phiên nhau cáng anh về bệnh viện Khánh Sơn ở Ba Cụm mất 5-6 ngày. May là đưa về kịp nên vẫn cứu được, nhưng anh phải điều trị khá lâu. Trong nhật ký, Trần Mộng Thành kể về những ngày bị thương được đồng đội cáng đi cứu chữa:

 

“...Tôi đang ở đâu và làm gì, tôi đang mơ hay đang tỉnh. Các đồng chí để tôi nằm trên đám cỏ non, cơn mê đã đến tự bao giờ, khi văng vẳng tiếng gọi khe khẽ tôi mới tỉnh ra, đến khi hiểu được thì trời ơi chân tay tê liệt cả, khắp thân người chỉ toàn là máu, một bên lồng ngực chết cứng tự bao giờ, quả tim như có bàn tay vô hình bóp chặt, tôi không thở được, đau đớn, quằn quại rồi lại ngất đi...

 

Mấy ngày mình đau đớn, trông anh em còn khó nhọc hơn. Nhìn anh em tôi cảm động quá, bổn phận người nằm trên võng phải làm gì đây?

 

Chiều ngày thứ năm đến bệnh xá lại là buổi chiều mưa như đổ, anh em ướt cả, song các đồng chí đều tươi cười tỏ niềm vui yên tâm vì hoàn thành nhiệm vụ đưa mình đến nơi điều trị...”

Nhưng tất cả những gian lao, vất vả và hiểm nguy đó không hề làm nhụt chí người thanh niên, mà chỉ càng hun đúc thêm quyết tâm và nghị lực để hoàn thành nhiệm vụ. Theo lời anh Hải và chị Hồng, sau khi điều trị lành vết thương, tổ chức dự định đưa anh ra miền Bắc để an dưỡng và học tập, nhưng anh Thành đã xin ở lại và về đơn vị cũ là Đội công tác vũ trang Phú Bình ở Hoà Tân. Và anh đã đặt ra cho mình một quyết tâm, một mục đích:

 

Ở đời muôn sự khổ đau

Hễ  bền ý chí ngày sau nên người.

 

Do đặc điểm công việc, phải thường xuyên xuống cơ sở, tiếp xúc với quần chúng nhân dân, nên trong nhật ký của mình, Trần Mộng Thành có những suy nghĩ rất chân thành với lòng biết ơn và cảm phục đối với những cơ sở cách mạng là những người đã cưu mang, bảo vệ anh trong những lần đi công tác. Theo lời chị Phạm Thị Huệ-gia đình cơ sở của Trần Mộng Thành thì anh là một người chân chất và nhiệt tình với công việc, luôn được bà con thương yêu, đùm bọc. Anh viết về những cơ sở cách mạng của mình:

 

“...Những người dân đáng quý ấy, trong lòng họ có sẵn ý thức cách mạng, mỗi khi họ được giác ngộ con đường chính nghĩa, quyền lợi của người dân trong xã hội tự do dân chủ, thì dù trong hoàn cảnh nào, nơi vùng kìm kẹp hay khi sa vào tay địch, họ cũng một lòng với cách mạng, trung thành với quyền lợi nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ...”

 

Chỉ một sự giúp đỡ nho nhỏ của bà con cơ sở cách mạng cũng để lại trong lòng anh một niềm kính yêu và biết ơn vô hạn. Trong bài thơ “Cuốn bánh” anh viết:

 

“Một đêm đứng gác bên vườn chuối

Bỗng giật mình chị cơ sở gọi tôi

Chị dúi vào tay tôi cuốn bánh

Rồi vội vàng chị bỏ đi ngay

Nhìn món quà tuy không lớn

Nhưng chứa đầy tình cảm bao la

Tình thương ấy của đồng bào cách mạng

Tình giống nòi dân tộc Việt Nam

Biết nói gì nhìn chị giữa đêm tàn

Khẽ gọi nhỏ cảm ơn nhiều chị nhé”

 

Những trang cuối của cuốn nhật ký viết về những ngày tháng đau buồn vô hạn khi nghe tin Bác Hồ từ trần. Trần Mộng Thành khóc Bác bằng một bài thơ chân thành, mộc mạc:

 

“...Chiều nay trên bước hành quân

Giữa rừng ảm đạm ngập tràn màu tang

Hướng về linh cữu dặm đàng

Nghiêng mình kính viếng hương hồn Người Cha...”

 

ĐÀO MINH HIỆP - HUỲNH VĂN QUỐC

Kỳ IV: TÌNH CẢM GIA ĐÌNH, BẠN BÈ, ĐỒNG ĐỘI VÀ... TÌNH YÊU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek