Thứ Năm, 03/10/2024 11:30 SA
Đi tìm chân dung liệt sĩ Trần Mộng Thành
Kỳ II: Từ mái ấm gia đình đến với lý tưởng cách mạng
Thứ Năm, 04/10/2007 07:23 SA

Kỳ I: Cuốn nhật ký từ khói lửa chiến tranh

071003-Ls-Tran-Mong-Thanh.jpg
Liệt sĩ Trần Mộng Thành

Về những năm tuổi thơ ở quê hương Phú Yên, chị Hồng cho biết, mặc dù lúc đó còn nhỏ nhưng các anh chị em trong gia đình đã phải chứng kiến cảnh quân giặc càn quét, đốt phá xóm làng. Trong nhật ký, anh Thành có nhắc đến sự việc này:

 

“...Tôi không quên trận lửa tàn phá làng tôi...

 

Nhà tôi chúng đã đốt, không cứu được cái gì. Hai con bò vô tội cũng bị cháy thui, giãy dụa, chết trong quằn quại. Hai anh em tôi còn nhỏ đứng đó ngơ ngác, còn má thì chỉ biết lăn lóc mà khóc, nhìn ngọn lửa căm thù đang thiêu cháy ruột gan vì chúng không cho cứu chữa.

 

Độc ác hơn chúng đánh đập người già, trẻ em, lùa cả làng đem ra Tuy Hoà giam giữ...”

 

Chị Hồng vẫn còn nhớ những ngày tháng khổ cực, bất hạnh do sớm mồ côi cha mẹ, đời sống của các anh chị em trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nỗi cô đơn trống trải vì thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Anh Thành viết:

 

“...Chiều nay giữa lúc hoàng hôn buông rủ, cắp sách trở về nhìn ngơ ngẩn trước sau, tự nhiên lòng buồn buồn tủi tủi, nhìn bàn thờ má bỗng đôi dòng nước mắt lăn dài không sao ngăn được...”

 

Anh Thành, khi ấy mới 12 tuổi, chỉ học đến lớp Nhất (tức lớp 5 hiện nay) thì phải nghỉ học. Những tâm sự trĩu nặng u buồn khi phải chia tay với mái trường và bạn bè thân yêu đã được anh giãi bày: 

 

“...Hễ mỗi lần nghe tiếng trống trường thì lòng se lại, và mỗi khi thấy đoàn học sinh lũ lượt kéo về cùng nhau đùa giỡn thì mình cứ ao ước được sống lại những ngày đi học dưới mái trường cũ, rồi lại tự trách cho mình, cho gia đình, cho hoàn cảnh thiếu thốn. Có lần mình khóc trộm khi đi qua mái trường thấy mọi người đang học...”

 

Mặc dù còn ít tuổi nhưng sớm có ý thức tự lập, lại không muốn sống dựa vào gia đình anh chị, nên Trần Mộng Thành quyết định đi làm để tự kiếm sống. Năm 1960, anh Thành cùng nhiều người dân trong xã rủ nhau vào thôn Bãi Giếng (bây giờ là xã Cam Hải Tây, thị xã Cam Ranh) đi chặt củi thuê. Sau đó gần một năm chị Hồng cũng theo vào. Trong những ngày đầu đi làm, Trần Mộng Thành vẫn chưa xác định được cho mình một hướng đi cụ thể, nhưng tự trong trái tim, anh khao khát có một cuộc sống sôi động hơn, có ý nghĩa hơn là chỉ đi làm thuê kiếm sống. Và anh đã tự vấn với lương tâm, phải làm gì đây để thay đổi cuộc sống này?

 

“...Khi cuộc sống mãi bên trong ngưỡng cửa gia đình thì không bao giờ tìm ra chân lý được, vì chân lý không ở nơi nệm ấm chăn êm, mà là nơi xa xôi nhất-nơi đầy gian nguy cát bụi.

 

Vậy chẳng lẽ ta cứ ngồi đây mà chờ nó đến bằng biện pháp tiêu cực này chăng? Hay phải đi-đi vào chiến trường hiểm nguy để tìm thấy nó bằng thực tế, dẫu biết rằng ta sẽ phải đổi những gì to lớn để giành lấy chân lý ấy về ta.

 

Đây là câu hỏi của tâm hồn người trai khi đất nước vang lời kêu gọi. Mà cũng là tia sáng soi rọi cho sự quyết định một trong hai ngả đường hành động...”

 

Mặc dù chỉ mới mười lăm tuổi, chưa được ai hướng dẫn dìu dắt, nhưng Trần Mộng Thành đã có những suy nghĩ đầu tiên về những chiến sỹ cách mạng, tuy còn rất mơ hồ nhưng cũng rất gần gũi vì cùng chung một chí hướng:

 

“...Họ là ai?

 

Là những con người từ nơi đâu mà ra?

 

Và đang ở một nơi nào mà có ý nghĩ giống như mình là hận căm muốn đập cho nát chế độ tồi bại, giả dối này đi...”

 

071003-liet-si-1.jpg

Các tác giả viếng mộ liệt sĩ Trần Mộng Thành

 

Theo lời chị Hồng, trong thời gian đi chặt củi thuê anh Thành đã được gặp ông Quý, ông Triều và ông Năm Râu (nguyên là Bí thư Huyện ủy), được họ giác ngộ và trở thành cơ sở cách mạng từ đó. Và chỉ trong lần đầu tiếp xúc, những cán bộ cách mạng đã để lại trong lòng anh những ấn tượng sâu sắc, củng cố thêm quyết tâm ra đi phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc:

 

“...Qua phút giây suy nghĩ, tôi nhìn thấy vai người đó đẫm mồ hôi, bộ đồ đen bạc trắng như đã nhuộm nhiều sương gió, nét mặt hiền từ, tác phong tề chỉnh.

 

Tôi nghĩ thầm trong bụng, đúng là người cách mạng, qua xác định tôi không còn nghi ngờ gì nữa.  Từ đó, như ước mộng đã thành, tôi dứt khoát từ bỏ chế độ thối nát và ghi lấy trong lòng một niềm chân lý sáng rọi. Thế rồi tôi ra đi giữa một chiều đông giá buốt, tìm đến ngọn lửa chân lý để sưởi ấm lòng mình...”

 

Trần Mộng Thành chính thức thoát ly vào ngày 10/9/1961 với bốn người bạn cùng quê Phú Yên là anh Mười, anh Nghĩa, anh Suyên và anh Kỳ.

 

“...Ngày ra đi thoát ly, tạm biệt gia đình đi làm cách mạng. Giờ chia tay, em không khỏi bùi ngùi rơi luỵ trước cảnh bịn rịn, anh chị sắp xa vắng đứa em ngây thơ vừa 17.

 

Anh chị thông cảm cho em-không phải em không xúc động trong buổi chia tay xa cách này-mà vì nhiệm vụ người trai đã trưởng thành cần phải hiến thân cho nhân dân. Vì thế cho nên em nén chặt đau khổ, dồn hết sức mình để mạnh bước ra đi.

 

Phút cuối cùng em đã xa rồi, xa tất cả hình ảnh quê hương quen thuộc, xa gia đình, anh chị, xa những người thân yêu và xa những gì quý nhất của em. Thôi từ đây tạm biệt.

 

Và giờ nầy biết nói gì nữa đây, nói làm sao cho vơi bớt nhớ thương. Thôi em chỉ biết hẹn lại với anh chị rằng: Đêm nay em ra đi, rồi em sẽ trở về, tuy chuyến đi này chưa định ngày trở lại...”

 

Chị Hồng còn nhớ, lúc chia tay, anh Thành đã dặn chị: “Em ở nhà công tác tốt, các anh đi không hẹn ngày về, nhưng anh tin quả đất xoay tròn sẽ có ngày gặp lại em”. Chưa đầy nửa năm sau, chị Hồng cũng theo anh thoát ly, hai anh em lại gặp nhau trên cứ. 

 

ĐÀO MINH HIỆP - HUỲNH VĂN QUỐC

Kỳ III: Những tháng năm thoát ly tham gia cách mạng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek