Thứ Năm, 03/10/2024 13:21 CH
Đi tìm chân dung liệt sĩ Trần Mộng Thành
Kỳ IV: Tình cảm gia đình, bạn bè, đồng đội và … tình yêu
Thứ Hai, 08/10/2007 08:05 SA

Kỳ I: Cuốn nhật ký từ khói lửa chiến tranh

Kỳ II: Từ mái ấm gia đình đến với lý tưởng cách mạng

Kỳ III: Những tháng năm thoát ly cách mạng

071003-Ls-Tran-Mong-Thanh.jpg
Liệt sĩ Trần Mộng Thành
Trong cuốn nhật ký, Trần Mộng Thành cũng có những trang viết về nỗi nhớ gia đình, cha mẹ, anh chị em, nhất là đối với người chị thứ Mười đã yêu thương chăm sóc mình khi còn thơ ấu:

 

“...Chị còn nói “Rồi đây em phải lăn vào cuộc đời sớm chiều no đói, chứ không lẽ chị lo cho em mãi vầy sao? Chị còn có chồng”. Lời nói nghẹn ngào trong nước mắt khi chị nói đến hai tiếng có chồng. Em đã hiểu rồi, đáng lẽ ra có chồng là niềm vui sướng nhất của người con gái, chị đã hiểu, không thể tránh khỏi quy luật ấy, nhưng trước hoàn cảnh này chị không yên tâm khi bước chân theo chồng để lại đứa em còn khờ dại không còn ai nuôi dạy...”

 

Và nỗi đau khi nghe tin bạn bè đồng đội hy sinh:

 

“...Đua ơi! Xót thương biết bao khi anh ngã xuống...

 

Lại càng đau đớn hơn khi nhớ lại lời nói của anh cách đây không đầy hai tháng trong đợt học tập Nghị quyết 13. Nửa đùa nửa thật anh đã nói: Học xong đi chiến đấu, biết đứa nào còn, đứa nào mất. Nếu có hi sinh coi như tròn nhiệm vụ, song ước gì khi hi sinh được nhìn thấy quê hương giải phóng...”

 

Như những chàng trai khác khi đến tuổi trưởng thành, Trần Mộng Thành cũng có những rung động đầu đời trong mối quan hệ với các bạn gái đồng thời là đồng chí, đồng đội. Qua các trang ghi chép vào những thời gian khác nhau, ta thấy anh nhắc đến một số cô gái, đặc biệt là cô gái tên Mai được anh nhắc đến nhiều nhất (có lúc ghi tên, có lúc giấu tên) và qua những dòng tự sự, người đọc có thể hiểu đây là người con gái anh yêu thương nhất.

 

Quả thật, đối với chúng tôi, hình ảnh những người con gái thỉnh thoảng xuất hiện trong nhật ký của Trần Mộng Thành luôn gợi trí tò mò. Họ là ai, còn sống hay đã hy sinh, họ có biết là anh Thành có cảm tình với mình hay không, và điều quan trọng là tình cảm của họ đối với anh Thành?

 

Trong chuyến đi thực tế vào Cam Ranh chúng tôi được gặp chị Phạm Thị Huệ là con gái một gia đình cơ sở của Trần Mộng Thành ở Thôn Phú Bình 1, xã Hoà Tân, huyện Cam Lâm (bây giờ là xã Cam Tân, thị xã Cam Ranh). Sau này chị Huệ cũng thoát ly tham gia cách mạng. Thật thú vị và may mắn là chị Huệ biết người con gái tên Mai được nhắc đến trong cuốn nhật ký vì chị Huệ và chị Mai là chị em con bạn dì. Từ quốc lộ 1A bên đèo Rù Rì thuộc xã Lương Sơn, thành phố Nha Trang xe chúng tôi chạy theo chiếc “Honda cánh én” của cậu con trai chị Mai lòng vòng trong những khu rừng tạp, gồ ghề sỏi đá và rác thải, gần 2 cây số mới đến một ngôi nhà lợp tôn nằm chênh vênh trên bờ dốc. Ra đón chúng tôi là một phụ nữ rất khó đoán tuổi, nhưng ít ra cũng thuộc thế hệ 5X, vóc dáng gọn gàng, trên khuôn mặt vẫn còn lưu lại dấu vết mặn mà của một thời xuân sắc.

 

071005-Anh-3.jpg

Bà Trần Thị Thu Hồng, em gái liệt sĩ và những đồng đội cũ của liệt sĩ: Ông Ngô Thanh Hải (trái), ông Lê Văn Đàn (phải).

 

Qua phần giới thiệu làm quen, chúng tôi biết, tên thật của chị là Nguyễn Thị Diệu Hiền, lúc thoát ly lên cứ chị lấy mật danh là Nhược Mai. Chị Mai sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha chị bị giặc bắt treo cổ vào tháng 7 năm 1957, mẹ chị cũng bị bắt ở tù, đến lượt chị cũng bị địch bắt vào lúc 5 giờ chiều ngày mùng 1 Tết trong đợt tổng tiến công Mậu Thân 1968. Cuối năm 1968 chị được cơ sở đưa ra, đến năm 1971 lại bị bắt lần nữa và bị đày hết nhà lao này đến nhà lao khác cho đến ngày 15/2/1973 thì được trao trả theo Hiệp định Paris.

 

Khi thoát ly, chị Mai công tác ở đơn vị đặc công C91 thuộc Huyện đội Cam Ranh, còn anh Thành công tác ở Đội công tác vũ trang thuộc Huyện uỷ-hai cơ quan chỉ cách nhau con suối, mỗi lần các đơn vị quân đội đi chiến đấu thường được đội công tác vũ trang dẫn đường. Theo lời chị Mai, chị quen biết anh Thành là trong những lần đi công tác ở cơ sở anh thường mang muối về cho thương bệnh binh và cho các em gái ít tuổi, hồi đó muối quý như vàng, từ đó hai người thân nhau. Quãng thời gian hai người có điều kiện gần nhau lâu nhất là trong đợt tập huấn vào cuối năm 1967 chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Điều này hoàn toàn khớp với những dòng tâm sự của anh Thành trong nhật ký:

 

“...Ngồi bên nhau ngập ngừng anh choàng lấy vai em, sung sướng cầm lấy tay em, lần đầu tiên hôn lên má em những cái hôn say đắm. Dưới màn sương dày lạnh lẽo em ấp lấy tay anh cho đỡ lạnh...”

 

Khi các phóng viên truyền hình lắp đặt xong máy móc, chuẩn bị phỏng vấn, ghi hình thì trời bỗng đổ một cơn mưa tầm tã, nước chảy lênh láng qua những lỗ dột trên mái. Tiếng nước mưa đập rầm rầm trên mái tôn như gõ trống. Chị Mai nói: “Ba tháng nay trời không mưa, các anh tới mang cơn mưa này đến thật đúng lúc”. Trong khi trời mưa chúng tôi phải gào lên mới nói chuyện được, còn các phóng viên truyền hình đành bó tay. Và cũng thật lạ, sau hơn nửa tiếng phải trò chuyện với nhau như những người lảng tai, cơn mưa bỗng đột ngột tạnh hẳn như nó đã bất ngờ ập xuống.

 

Khi chúng tôi dè dặt muốn biết rõ hơn về tình cảm giữa anh Thành và chị Mai, chị vội vàng lắc đầu quầy quậy: “Ôi, hồi đó tui còn bé xíu, có biết gì đâu”. Cô con dâu của chị bồng con đứng cạnh nhìn mẹ mỉm cười. Có thể, trước mặt các nhà văn và nhà báo xa lạ với 2 chiếc camera và đèn chiếu sáng trưng chị không muốn nhắc lại những kỷ niệm sâu kín của một thời con gái, hay chị mắc cỡ với các con đang tò mò đứng cạnh? Khi nhà báo Quốc Cường hỏi chị có muốn đọc những đoạn nhật ký anh Thành viết về chị hay không? Chị thành thật đáp: “Để đọc những ghi chép thầm kín nầy, các anh phải cho tui mượn cuốn nhật ký vài ba ngày, tui sẽ chờ tới đêm khuya, khi mọi người đi ngủ hết, tui sẽ chong đèn đọc một mình”. Nói vậy nhưng khi chúng tôi lật ra những trang anh Thành viết về chị, chị cũng đọc. Và thật kỳ lạ, đọc được một đoạn chị bỗng bật khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má người đàn bà đã vào sinh ra tử khiến chúng tôi cũng cảm thấy bối rối. Có lẽ những giọt nước mắt đó đã nói thay chị tất cả.

 

Một lát sau chị nghẹn ngào: “Anh Thành là một con người chân thành, giản dị, rất nhiệt tình với đồng chí, đồng đội. Ở trên cứ, với đám con gái còn ít tuổi như tụi tui, những lúc rảnh rỗi thường hay suy nghĩ vơ vẩn, rất dễ xao lòng. Anh Thành thoát ly trước, có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc, chín chắn hơn nên anh thường chăm sóc, động viên, an ủi tụi tui như một người anh. Có lần thấy tui buồn, anh hỏi: Em có sợ chết không? Nếu sợ thì hãy trèo lên cây thiệt cao để nhìn được khắp quê hương đất nước rồi chết. Mới nghe, tui không hiểu, sau này tui mới rõ ý anh là, nếu cứ ở dưới thấp thì không thấy hết nỗi thống khổ của đồng bào, dân tộc, ở trên cao mới thấy, nếu dao động, đầu hàng thì sẽ phải hổ thẹn với quê hương”. Chị Mai còn cho biết, anh Thành hát rất hay, nhất là bài chòi, anh thường hát cho anh em nghe. Anh hẹn chị khi nào hòa bình anh sẽ đưa chị về nhà anh chơi, anh còn đùa, quê anh nghèo lắm, chỉ mặc quần đùi vì không có quần dài.

 

Theo lời chị Mai, trong công việc, anh Thành là một người rất có trách nhiệm. Có lần chị Mai chứng kiến anh Thành cõng một đồng đội bị thương nặng về, ghé lại chỗ chị, nhưng khi đặt người đó xuống thì anh đã tắt thở từ bao giờ. Mũi công tác của anh Thành là mũi vững vàng nhất, không có đợt chuẩn bị trận đánh nào bị thất bại, luôn luôn bảo vệ được thương binh và lấy được xác của đồng đội hy sinh. Trong lần quay lại cõng đồng chí Huấn là đại đội trưởng đơn  vị  C91  bị  thương, bơi qua sông Cái, anh Thành cũng bị thương vào chân, thành tật. Trong đợt tổng tiến công Mậu Thân, chị Mai nằm trong đội cảm tử 12 người. Anh gặp chị đề nghị cho anh đổi vị trí với chị nhưng chị không chịu. Lần đó, chị Mai có gặp chị Hồng, chị Hồng nói: “Mai sắp là chị dâu của tui rồi. Sau chiến dịch này anh Thành sẽ báo cáo với tổ chức đấy”. Nhưng ngay trong chiến dịch Mậu Thân 1968 chị Mai đã bị địch bắt, khi mối quan hệ giữa hai người mới chỉ bắt đầu chưa đầy 5 tháng.

 

“Em bị địch bắt” cái tin như sét đánh vào đầu anh, anh bàng hoàng như người vừa tỉnh mộng, nhưng trước đám đông anh cố làm khuây, gượng cười để giấu niềm xúc động, để cho mọi người không biết được quả tim này trong giờ phút tang thương, song làm sao được, càng giấu bao nhiêu, sóng lòng càng dạt dào bấy nhiêu...”

 

Chúng tôi chia tay với chị Mai và cảm thấy hài lòng vì không chỉ được biết về một người bạn gái của anh Thành, mà qua những câu chuyện xúc động của chị, bức chân dung về anh ngày càng rõ nét và đầy đủ hơn.

 

ĐÀO MINH HIỆP - HUỲNH VĂN QUỐC

Kỳ V: Vì sự nghiệp cách mạng sẵn sàng đối mặt với cái chết

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek