Thứ Năm, 03/10/2024 11:27 SA
Đi tìm chân dung liệt sĩ Trần Mộng Thành
Kỳ I: Cuốn nhật ký từ khói lửa chiến tranh
Thứ Tư, 03/10/2007 10:56 SA

Chúng tôi được biết về cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Mộng Thành qua sự giới thiệu của Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin - Thể Thao huyện Đông Hoà Đỗ Đình Tây và phóng viên Đài Truyền thanh huyện Lê Thanh Hội. Sau khi đọc cuốn nhật ký và gặp gỡ với ông Trần An là người anh thứ ba của liệt sĩ hiện ở thôn Một, xã Hoà Vinh, huyện Đông Hoà, chúng tôi mới chỉ biết đôi nét về cuộc đời của người chiến sĩ giải phóng quân Trần Mộng Thành.

 

071003-Ls-Tran-Mong-Thanh.jpg
Liệt sĩ Trần Mộng Thành
Trần Mộng Thành tên thật là Trần Văn Thừa, sinh ngày 5/5/1945 tại xã Hoà Tân Đông, huyện Đông Hoà, trong gia đình nông dân có 11 anh chị em, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 1961 anh được giác ngộ và thoát ly tham gia cách mạng ở Đội công tác vũ trang huyện Cam Lâm (nay là Cam Ranh), tỉnh Khánh Hoà. Trần Mộng Thành hy sinh ngày 13/11/1969, khi vừa bước sang tuổi 24. Anh được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Nhì và được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

 

Cuốn nhật ký của Trần Mộng Thành là một cuốn sổ tay loại hai trăm trang khổ 10x15 cm, bìa màu xanh đậm, trong đó bút tích của Trần Mộng Thành khoảng 120 trang, được trình bày, trang trí rất cẩn thận bằng nét chữ nhỏ, đều đặn. Trang đầu tiên của cuốn nhật ký được viết vào ngày 17/9/1957 và trang cuối dừng lại ở ngày 10/9/1969. Điều đặc biệt là Trần Mộng Thành viết nhật ký từ rất sớm-khi mới 12 tuổi, dưới hai hình thức: văn xuôi và văn vần. Với văn xuôi, đó không chỉ là những ghi chép khô khan về những công việc hàng ngày mà chủ yếu là những suy nghĩ, tình cảm của anh trước một sự việc hay một vấn đề nào đó. Mỗi đoạn ghi chép mang dáng dấp như một tản văn hay một đoạn hồi ký và điều thú vị nữa là hầu hết chúng đều có một tiêu đề riêng. Về các bài thơ trong nhật ký của Trần Mộng Thành, theo chúng tôi cảm nhận là tác giả không nhằm mục đích làm thơ mà chỉ ghi lại những sự kiện, công việc và suy nghĩ của mình dưới dạng các bài thơ lục bát, thơ Đường luật và thơ 5 chữ. Mặc dù vậy, trong số những đoạn nhật ký bằng văn vần, ta vẫn thấy thấp thoáng những bài thơ làm lay động lòng người.

 

Cảm giác đầu tiên sau khi đọc xong cuốn nhật ký của Trần Mộng Thành là sự chân thành, mộc mạc qua từng câu chữ đối với những vấn đề, sự việc diễn ra quanh anh. Qua những dòng tự sự, người đọc có thể hình dung được quá trình trưởng thành và giác ngộ của Trần Mộng Thành trên bước đường đến với lý tưởng cách mạng, rồi từ đó trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc.

 

071003-nhat-ky-lsthanh.jpg

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Mộng Thành

Tuy nhiên, chỉ với từng ấy tư liệu chưa thể dựng lên bức chân dung đầy đủ của một thanh niên nông thôn Phú Yên, sinh ra, lớn lên và tham gia cách mạng vào giữa thế kỷ 20. Còn nhiều điều về liệt sĩ mà ta chưa biết. Chúng tôi quyết định vào Khánh Hoà tìm gặp người em gái út của liệt sĩ là chị Trần Thị Thu Hồng-cũng là một cán bộ thoát ly tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi và những đồng đội cũ của anh Thành để tìm hiểu thêm về quãng thời gian anh Thành tham gia cách mạng. Chúng tôi hy vọng, qua lời kể của những nhân chứng cùng với những ghi chép trong cuốn nhật ký, bức chân dung về anh Thành sẽ đầy đủ và chân xác hơn. Tham gia chuyến đi, ngoài Hội Liên hiệp VHNT Phú Yên và Phòng Văn hoá-Thông tin-Thể thao huyện Đông Hoà còn có các nhà báo ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên.

 

Chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi là UBND phường Cam Phúc Nam, huyện Cam Ranh. Tại đây chúng tôi được cán bộ phường tiếp đón niềm nở và nhanh chóng đưa đến tận nhà chị Trần Thị Thu Hồng. Thật may mắn là trong buổi gặp mặt này chị Hồng đã mời thêm các ông Lê Văn Đàn và Ngô Thanh Hải là những đồng đội cũ của anh Thành ở Đội công tác vũ trang Cam Lâm.

 

Chị Trần Thị Thu Hồng là em út trong gia đình, kề anh Thành và là người thân trong gia đình có điều kiện gần gũi anh Thành nhất trong thời gian thoát ly tham gia cách mạng. Cuối năm 1960, chị Hồng theo chân anh Thành từ Phú Yên vào Cam Hải (Cam Ranh) sống với người chị thứ bảy và cũng đi làm mướn kiếm sống. Tại đây chị được giác ngộ và trở thành cơ sở cách mạng. Năm 1961, cơ sở của chị bị lộ, chị được đưa lên cứ  ngày 25/2/1962 (sau anh Thành vài tháng). Thời gian tham gia cách mạng, chị công tác ở tiểu đoàn 120, rồi chuyển qua Trường Đảng, được cử đi học y tá, đến năm 1967 trở về Huyện ủy Cam Lâm, tham gia Đội công tác Phú Bình 1. Năm 1972 chị là thường trực Phụ nữ huyện Cam Lâm cho đến ngày giải phóng.

 

ĐÀO MINH HIỆP - HUỲNH VĂN QUỐC

 

Kỳ II: TỪ MÁI ẤM GIA ĐÌNH ĐẾN VỚI LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek