Chiến lược an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã khẳng định quan điểm: Bảo đảm ATVSTP có tác động lớn tới sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên về vấn đề này. Trước tiên nói về các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn, bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc cho biết:
Cán bộ Trung tâm Y tế TX Sông Cầu kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn tại một cơ sở nhà trẻ tư nhân - Ảnh: T.THỦY
Bệnh truyền qua thực phẩm là nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi do sử dụng lâu dài thực phẩm không bảo đảm. Hiện có tới 400 loại bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm... Tỉ lệ mắc bệnh giun sán còn rất cao, nhất là ở những vùng có tập quán ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh (ăn gỏi cá, ăn rau sống, ăn tiết canh, nộm...). Phú Yên có tới 37% người mắc bệnh sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Ngoài ra, các bệnh ký sinh trùng khác như: giun đũa, giun xoắn, giun kim, bệnh ấu trùng sán, giun cũng còn phổ biến. Đây là các bệnh mà nguồn lây truyền chủ yếu qua đường thực phẩm, ăn uống. Nhiều bệnh ký sinh trùng gây tác hại rất lớn cho sức khỏe: gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, viêm và áp xe gan, rối loạn tiêu hóa, thần kinh và vận động.
* Công tác đảm bảo ATVSTP thời gian qua ở Phú Yên đã có những tiến bộ gì, thưa bác sĩ?
- Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các sở ban ngành trong tỉnh đã có các văn bản cụ thể hóa sự chỉ đạo trong lĩnh vực ATVSTP sát với tình hình thực tế tại địa phương; ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP các cấp đã được thành lập và đi vào hoạt động. Các hội đoàn thể đã có sự quan tâm phối hợp trong công tác tuyên truyền vận động người dân, đồng thời thông qua các kênh truyền thông đại chúng với nội dung và hình thức phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATVSTP đã bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.
Tiến bộ đáng kể trong quản lý ngộ độc thực phẩm là hệ thống thông tin ghi nhận ngộ độc thực phẩm đã thực hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời. Các doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc tập thể được nhắc nhở, theo dõi, có cam kết. Điều kiện ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cải thiện hơn như đã có diện tích trồng rau an toàn, chăn nuôi quy mô trang trại, chợ đầu mối, siêu thị kinh doanh thực phẩm... Ô nhiễm vi sinh vật trong một số sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau, thịt, thủy sản... có chiều hướng giảm. Số người bị ngộ độc thực phẩm trong một năm có xu hướng giảm dần. Tỉ lệ bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP tăng.
* Theo bác sĩ, trong công tác đảm bảo ATVSTP ở Phú Yên hiện có những tồn tại gì cần khắc phục?
- Công tác bảo đảm ATVSTP ở Phú Yên thời gian qua còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng ngộ độc thực phẩm luôn là mối nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở tỉnh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát ATVSTP rất khó khăn; công tác đầu tư cho quản lý ATVSTP còn nhiều bất cập, hạn chế về nguồn lực, kinh phí, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép sử dụng còn phổ biến ở các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Nhiều loại phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng ATVSTP vẫn lưu thông trên thị trường... Trong khi đó, còn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khắc phục, xử lý hậu quả ngộ độc thực phẩm tập thể và truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể gây ra ngộ độc thực phẩm.
Đây là những vấn đề cần khắc phục để bảo đảm ATVSTP. Vì ATVSTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến năng suất lao động, mà còn liên quan đến hiệu quả phát triển kinh tế, du lịch và an sinh xã hội. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền lợi đối với mỗi con người.
* Ngoài góp phần an sinh xã hội bằng đảm bảo ATVSTP, ngành Y tế Phú Yên đồng hành cùng hành trình xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên như thế nào?
- Công tác ATVSTP của Ngành Y tế đã góp phần không nhỏ vào thành công của các sự kiện lớn được tổ chức trong tỉnh thời gian qua. Tại đây, Phú Yên đã giới thiệu được nhiều sản phẩm, thực phẩm đặc trưng đến các du khách như: bánh tráng Hòa Đa; sò huyết Ô Loan; cá ngừ đại dương; ghẹ đầm Cù Mông; bánh tráng thịt heo luộc, cháo lòng, bánh hỏi Hòa Đa; gỏi sứa; chả dông… Có được thành công này là do trong quá trình hình thành thương hiệu các sản phẩm, ngành Y tế đã kịp thời kiểm tra, hướng dẫn các chủ sản xuất kinh doanh thực phẩm du lịch thực hiện đúng quy trình đảm bảo ATVSTP. Các điểm ăn uống giải khát trên địa bàn tỉnh có lượng khách đông đều được kiểm tra, hướng dẫn kịp thời đảm bảo không có ngộ độc thực phẩm tập thể, đe dọa tính mạng con người và khách du lịch.
Điều đáng quan tâm là hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để sản xuất, đánh bắt, khai thác, nuôi giữ và buôn bán các mặt hàng hải sản gắn với thương hiệu du lịch của tỉnh. Các đội thuyền chuyên khai thác hải sản ở phường 6 (TP Tuy Hòa) và các xã ven biển huyện Tuy An, TX Sông Cầu là địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho các khách sạn, nhà hàng kinh doanh thực phẩm ở Phú Yên, luôn được khách hàng tin tưởng và gắn bó trong nhiều năm. Nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đã phát triển theo hướng “Giữ vững cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp với ATVSTP” để xây dựng niềm tin và thu hút khách du lịch.
Để đồng hành với sự phát triển du lịch tỉnh nhà, công tác ATVSTP cần được thực hiện toàn diện, xuyên suốt theo “chuỗi cung cấp thực phẩm” trên cơ sở từng bước áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, chế biến, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa sâu rộng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động khoa học - công nghệ; hướng dẫn, đào tạo trên các lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm nghiệm ATVSTP và các hệ thống quản lý ATVSTP tiên tiến.
Cùng với sự phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch, sự phục vụ chu đáo, trong đó có ATVSTP, đảm bảo sức khỏe, sẽ giúp cho uy tín các dịch vụ du lịch Phú Yên càng được củng cố. Vấn đề đặt ra là tỉnh cần đầu tư thích đáng cho sự phát triển hệ thống quản lý, kiểm nghiệm ATVSTP, tạo điều kiện cho nhân dân học hỏi và tiếp cận kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thương hiệu an toàn, bổ ích.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
THU THỦY (thực hiện)