Hỏi: Bác sĩ cho biết, tại sao người ta hay bị bệnh cúm. Cúm và cảm lạnh có gì khác nhau. Tiêm phòng vắc xin có thể phòng ngừa được bệnh này lâu dài không?
Lê Thị Thanh Thủy
(phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Cảm lạnh và cúm tưởng giống nhau, nhưng chúng ta có thể phân biệt được chúng do các điểm khác biệt dễ nhận thấy. Người bị cảm thường bắt đầu bị khụt khịt vì sổ mũi, hắt hơi, người cảm thấy khó chịu nhẹ. Nếu bị cúm nhẹ thì cũng không phân biệt được với cảm lạnh.
Người bị cúm mất sức nhanh hơn. Một giờ trước còn khỏe, giờ sau đã thấy mệt phải nằm nghỉ. Chứng cảm ít khi tấn công vào phổi, nhưng bệnh cúm dễ gây biến chứng thành viêm phổi, nhất là khi bị cúm do vi rút cúm A/H1N1, H5N1.
Người bị cảm lạnh vẫn có thể cố gắng tới công sở, nhưng người bị cúm thấy mình không còn sức để đi làm. Bởi vậy, nếu chúng ta bị cơn bệnh đánh quỵ xuống giường một cách nhanh chóng thì đấy chính là bệnh cúm. Những triệu chứng có thể kèm theo là: ho khan, đau họng, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, mệt nhiều, ớn lạnh, đau mỏi mắt, sốt cao 400C hoặc hơn. Những triệu chứng rõ nét nhất để biết mình bị cúm là thấy rất mệt và đau khắp người (đau các cơ bắp). Cảm lạnh thường chỉ bị mỏi mệt nhẹ.
Không có thuốc nào làm ngưng ngay bệnh cúm, phải để nó tự hết. Mục đích của điều trị là làm giảm sự đau nhức và ngăn ngừa không cho bệnh phát triển và biến chứng. Bình thường, có thể tự chữa trị ở nhà, nhưng nếu thấy khó thở, ho nhiều, ho có đờm màu vàng - xanh, thì cần phải tới bác sĩ khám bệnh, vì bệnh cúm có thể đã biến chứng thành viêm phổi.
Nếu cúm nhẹ, cần nhất là nằm nghỉ để dành sức cho cơ thể chiến đấu chống lại vi rút cúm. Ngoài ra nên thực hiện các việc cần làm sau:
- Uống nhiều nước ấm để làm thông đường phổi, đường mũi và bù lượng nước đã bị mất vì đổ mồ hôi khi sốt.
- Súc miệng với nước muối. Đừng nhịn ho, vì ho có tác dụng thông các ống ở phổi và tống các chất đờm ra.
- Chăm rửa tay luôn, nhất là trước khi ăn để tránh lây lan sang người khác.
- Hạ nhiệt giảm đau bằng thuốc paracetamol (3-4 viên/ngày đối với người lớn)
Vi rút gây bệnh cúm thường thay đổi hằng năm. Nếu bạn muốn phòng bệnh, hằng năm phải tiêm phòng đúng loại vắc xin với chủng gây bệnh của năm đó.
BS ĐOÀN VĂN HẢI