Phú Yên vừa kết thúc việc thực hiện Dự án Phát triển chăm sóc mắt toàn diện giai đoạn 2009-2012. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ, Giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên về hiệu quả của dự án mang lại.
* Ông có thể tóm tắt sự đầu tư của Dự án Phát triển chăm sóc mắt toàn diện tại Phú Yên?
Bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ, Giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
- Dự án Phát triển chăm sóc mắt toàn diện giai đoạn 2009-2012 do Quỹ Fred Hollows (FHF) và Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ sau khi Phú Yên kết thúc Dự án Chăm sóc mắt cộng đồng. Theo đó, dự án thực hiện giai đoạn I tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, TX Sông Cầu và mở rộng mô hình đến 3 huyện: Sơn Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa. Dự án tập trung phát triển năng lực Trung tâm Mắt Phú Yên; phát triển năng lực tuyến huyện; xây dựng mạng lưới chăm sóc mắt cộng đồng tại tuyến thôn và xã. Đây là yếu tố then chốt trong việc nâng cao dịch vụ chăm sóc mắt và nhận thức cho người dân thông qua các hoạt động giáo dục kỹ năng y tế, tập huấn, phát hiện bệnh, theo dõi, giám sát…
Cùng với đó, đáp ứng mong muốn phát triển hệ thống hạ tầng để chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn, FHF và AP tài trợ cho Phú Yên triển khai dự án: “Phát triển Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Yên”, xây dựng bệnh viện quy mô 50 giường. Với tổng kinh phí đầu tư 848.987USD, các mục tiêu và hoạt động của dự án được triển khai song song với chiến lược phát triển chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa quốc gia.
* Kết quả thực hiện các mục tiêu của dự án như thế nào, thưa ông?
- Với việc đào tạo nhân lực, dự án đã nâng cao trình độ chuyên môn cho hơn 800 cán bộ chăm sóc mắt ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở. Những khóa đào tạo cho các bác sĩ cấp tỉnh, huyện không những giúp họ nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận và áp dụng được các kỹ thuật tiên tiến về nhãn khoa trên thế giới mà còn tạo điều kiện nâng cao tay nghề cho cán bộ chuyên khoa, thu hút được người dân đến các cơ sở dịch vụ chăm sóc mắt. Công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành tạo điều kiện triển khai các dịch vụ, góp phần duy trì, mở rộng các hoạt động của dự án một cách bền vững.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, tại tuyến tỉnh đã xây dựng Bệnh viện Mắt Phú Yên khang trang với trang thiết bị hiện đại. Dự án còn cung cấp trang thiết bị nhãn khoa thiết yếu (kính hiển vi phẫu thuật, sinh hiển vi khám bệnh, sinh hiển vi cầm tay, máy đo và tập lác…) đảm bảo cho tuyến tỉnh và các huyện tham gia dự án cải thiện chất lượng khám và điều trị các chuyên khoa sâu phẫu thuật cho trẻ em, khám phát hiện các bệnh lý về võng mạc, điều trị dự phòng bệnh glaucoma, đặc biệt nâng cao chất lượng mổ đục thủy tinh thể; 9/9 huyện, thị xã, thành phố triển khai phòng khám mắt đạt tiêu chuẩn… Qua đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc nhãn khoa thuận tiện, giảm bớt nhiều chi phí cho gia đình và cộng đồng, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống mù lòa, số lượng khám và điều trị năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là mổ đục thủy tinh thể.
Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Qua 9 đợt truyền thông nhóm lớn, chương trình đã tổ chức khám hơn 5.000 người, điều trị tại chỗ 300 bệnh nhân, tư vấn và phẫu thuật hơn 540 ca đục thủy tinh thể. Cùng với đó, các hoạt động chăm sóc mắt ban đầu đã phát huy tác dụng, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương về công tác phòng chống mùa lòa; nhận thức về phòng bệnh trong cộng đồng từng bước được nâng lên, làm thay đổi hành vi, chủ động hình thành, duy trì những thói quen có lợi cho sức khỏe, từ bỏ những hành vi bất lợi cho sức khỏe.
Nhờ sự tài trợ của FHF, AP qua Dự án Phát triển chăm sóc mắt toàn diện, nhiều người dân được hưởng lợi - Ảnh: T.THỦY
* Ý nghĩa xã hội từ dự án này được đánh giá như thế nào, thưa ông?
- Qua 4 năm thực hiện dự án, hàng trăm ngàn lượt người được chăm sóc mắt. Đặc biệt, gần 10.000 bệnh nhân được phòng tránh hoặc thoát khỏi cảnh mù lòa nên có thể lao động bình thường, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, người thân. Dự án giúp bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể không có điều kiện chữa bệnh được hỗ trợ kịp thời để phẫu thuật phục hồi thị lực; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, tham gia lao động thuần về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa xã hội nhân văn cao cả trong việc đem lại ánh sáng cho người mù. Bên cạnh đó, hàng ngàn học sinh được tiếp cận với những thông tin hướng dẫn bảo vệ thị lực, phòng chống tật khúc xạ học đường. Hơn 14.000 học sinh bị tật khúc xạ được giúp đỡ khắc phục tình trạng giảm thị lực để học tập tốt hơn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện của nhà trường.
Xa hơn nữa, nhiều triệu bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực mà dự án đã để lại, vì vậy không thể đo đếm được hết hiệu quả mà dự án đem lại ở thời điểm hiện tại. Do vậy, có thể nói, dự án đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho Phú Yên.
* Xin cảm ơn ông!
VŨ HOÀNG (thực hiện)