Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chiều 16/12, trong số 78 bệnh nhân nằm viện thì có đến 59 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trong đó có 56 người lớn, 3 trẻ em), chưa kể một số trường hợp choáng nặng đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Chị Dương Thị Kim Chi, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm, cho biết: 3 tháng gần đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 15-20 ca, cao điểm lên đến 30 ca vào những ngày cuối tháng 11.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Tốt, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TX Sông Cầu, từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận điều trị 650 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 44 ca choáng, đã được điều trị ổn định. Vì là địa phương thường xảy ra dịch sốt xuất huyết nên công tác điều trị bệnh này ở Bệnh viện Đa khoa TX Sông Cầu không gặp nhiều khó khăn. Tháng trước có ngày cao điểm, số bệnh nhân nhập viện lên 20 ca. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có 5-6 trường hợp nhập viện; nâng số bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện ở mức 30 ca/ngày. Ông Trần Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế TX Sông Cầu cho rằng: Đây là năm khá đặc biệt, thường thì bệnh đến cuối tháng 9 là giảm nhiều. Sốt xuất huyết ở TX Sông Cầu đang có dấu hiệu giảm sau đợt tổng vệ sinh diệt bọ gậy toàn thị xã ngày 9/12.
Ghi nhận của ngành Y tế, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.800 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh tập trung chủ yếu là TX Sông Cầu, huyện Phú Hòa, TP Tuy Hòa. Đặc biệt, năm nay bệnh xuất hiện nhiều ở huyện Sơn Hòa với 82 ca, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Ngoài lý do thời tiết mưa nắng thất thường sinh nhiều muỗi, thì ý thức của người dân trong việc vệ sinh còn kém, chưa thực hiện đổ bọ gậy thường xuyên; nhiều nơi còn ỷ lại lực lượng y tế, chưa có sự phối hợp tốt trong phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nói: Năm nay ở Phú Yên có xuất hiện type vi rút mới (type 4). Như vậy, những người đã từng mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại khi bị chủng vi rút mới tấn công. Hai trường hợp tử vong năm nay (Phú Hòa và Sơn Hòa) đều là người lớn. Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gây áp lực lớn trong công tác điều trị. Sắp tới, Bệnh viện tỉnh sẽ hỗ trợ bệnh viện các huyện theo Chương trình 1816 về điều trị sốt xuất huyết. Hiện nay, một số địa phương giám sát ca bệnh ban đầu không rõ, vì vậy cái chính là tập trung giám sát rõ bệnh và đẩy mạnh truyền thông. Song, cốt lõi vẫn là ý thức của người dân trong việc đổ bọ gậy ở những nơi nước đọng, hạn chế lượng muỗi truyền bệnh phát sinh. Ông Trúc khuyến cáo, khi có biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện nay nhiều trường hợp tưởng bị cảm nên tự ý mua thuốc dùng, đến khi bệnh phát nặng thì nhập viện với các triệu chứng xuất huyết nặng, dễ tử vong.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện gửi lãnh đạo Sở Y tế Phú Yên về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế Phú Yên khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp mắc mới, xác định các địa điểm nguy cơ cao của tỉnh, tập trung các nguồn lực để triển khai các hoạt động phòng, chống và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng từ 2-3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế để xử lý triệt để ổ dịch; Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết đến các hộ gia đình; Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong. Cục Y tế cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Yên chỉ đạo các đơn vị y tế cần tập trung cao độ các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết; Khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết, lập tức đến cơ sở để được tư vấn khám và điều trị, nghiêm cấm các các trường hợp truyền dịch tại nhà, vì ẩn chứa nhiều nguy cơ sốc thuốc và làm cho bệnh sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn và có thể gây tử vong. QUỐC HỘI |
THU THỦY