Theo các bác sĩ nội khoa, rối loạn tiêu hóa (RLTH) không phải là chuyện đơn giản. Tùy từng trường hợp, các nguyên nhân gây RLTH phải được xem xét kỹ càng trước khi điều trị.
Hóa chất tồn dư trong rau quả cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa - Ảnh: MINH TUẤN |
Giữa giờ học, bé Lê Thanh Hoàng (8 tuổi, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) bỗng dưng bị đau bụng dữ dội và ói liên tục. Sau đó người em trở nên mệt mỏi, da tái xanh. Hôm sau, mẹ Hoàng đưa em đến một cơ sở y tế siêu âm và làm xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận bị rối loạn tiêu hóa. Em bảo, thấy bánh mì ngọt sẵn có trong nhà tuy hết hạn, nhưng thấy tiếc nên vẫn ăn. Còn chị Hoàng Ngọc Hoa (phường 7, TP Tuy Hòa) cho biết, hôm rồi cả nhà chị bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần sau khi ăn bánh xèo buổi tối, do gia đình tự chế biến. Chị Hoa bảo: “Chúng tôi dùng thuốc cầm tiêu chảy theo chỉ dẫn của bác sĩ và uống thêm trà gừng. Tôi chưa xác định được nguyên nhân tiêu chảy là do rau hay do tôm, mực trong bánh. Sao bây giờ ăn thứ gì cũng dễ bị RLTH”.
Bác sĩ Huỳnh Văn Dũng (Bệnh xá Tỉnh đội Phú Yên) cho rằng: Trước bất cứ một trường hợp RLTH nào, câu hỏi được đặt ra đầu tiên là bệnh nhân có nhiễm khuẩn hay không, biểu hiện cụ thể như sốt, môi khô, lưỡi bẩn; có thời gian ủ bệnh và đặc điểm của triệu chứng: tiêu chảy, nôn nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt… Khi đã nghi ngờ RLTH do nhiễm khuẩn, cần làm thêm các xét nghiệm như công thức máu, CRP, cấy máu, cấy hoặc soi tươi phân tìm hồng cầu, bạch cầu và vi khuẩn gây bệnh. Nếu có các bằng chứng chắc chắn RLTH do nhiễm khuẩn, ngoài việc bù nước, điện giải theo phác đồ, phải sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn.
Còn khi sơ bộ xác định được bệnh nhân bị RLTH không do nhiễm khuẩn, phải tìm các nguyên nhân gây bệnh khác. Dị ứng thức ăn là nhóm nguyên nhân gây RLTH hay gặp trên thực tế và thường các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi ăn. Các protein “lạ” trong thực phẩm có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng cũng như nồng độ histamin cao là nguyên nhân gây triệu chứng RLTH. Các loại thực phẩm hay gây dị ứng là sữa, trứng, sữa chua, cá, cua, tôm, mực, sò, lươn… Cá biệt, có một số trường hợp bị dị ứng thức ăn kiểu sốc phản vệ (mạch nhanh, huyết áp tụt, co thắt thanh môn…) khi ăn thực phẩm biển. Khi xác định là bệnh nhân bị RLTH do dị ứng thức ăn, việc đầu tiên là loại bỏ ngay tác nhân gây dị ứng bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày nếu như bệnh nhân mới ăn trong vòng 6 giờ và tùy mức độ nặng nhẹ của triệu chứng.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tâm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên), một nguyên nhân hàng đầu hay gặp hiện nay đó là RLTH do ngộ độc các hóa chất bảo vệ thực vật có trong rau quả (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, nấm mốc, ký sinh trùng và các loại thuốc kích thích tăng trưởng). Tất cả các loại hóa chất này đều có thể gây ngộ độc nếu hàm lượng trong rau quả vượt quá mức cho phép. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây RLTH còn là do các chất độc có trong thức ăn như ngộ độc cóc, cá nóc, ngộ độc sắn… Các triệu chứng ngộ độc các chất này biểu hiện bằng loạn nhịp tim, tím, tụt huyết áp kèm RLTH. Các chất phụ gia trong thực phẩm nhiều khi cũng trở thành “độc chất” nếu nồng độ vượt quá mức cho phép. Tương tự như vậy, các chất tạo màu cho thực phẩm “bắt mắt” hơn cũng là thủ phạm gây RLTH đối với nhiều người tiêu dùng.
Các trường hợp ngộ độc này, khi vào viện sẽ được xác định rõ loại độc chất và mức độ nặng nhẹ để các bác sĩ cho thuốc giải độc kịp thời cho bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân bị ngộ độc nên đến bệnh viện kịp thời.
MINH TUẤN