Thứ Sáu, 29/11/2024 23:36 CH
Phục hồi trẻ suy dinh dưỡng tại nhà
Thứ Hai, 11/06/2012 10:00 SA

Trẻ bị suy dinh dưỡng kéo dài dẫn đến chậm phát triển về thể chất như hạn chế về chiều cao, suy giảm về thể lực, dẫn đến sức học kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này và tiếp tục sinh ra những thế hệ thấp bé.

 

nau-an120611.jpg

Các bà mẹ được hướng dẫn nấu ăn phòng chống suy dinh dưỡng trẻ nhỏ - Ảnh: T.THỦY

Theo bác sĩ Lê Thị Hải, Trưởng phòng khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Trung ương, để phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ, cần xây dựng chế độ ăn theo nguyên tắc: Tăng dần calo/kg từ 90Kcalo/kg/ngày lên 150Kcalo/kg/ngày; tăng dần lượng protein từ 2g/kg lên 5-7g/kg/ngày. Chất lượng protein nên dùng các loại có nguồn gốc động vật như: trứng, thịt, cá, sữa, tôm, cua...; nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ, mè... Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần tăng đậm độ năng lượng của khẩu phần ăn. Tuy nhiên, khi tăng năng lượng protein hơn nhu cầu bình thường, trẻ dễ chán ăn và ăn ít. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta có thể dùng các loại bột giàu men tiêu hóa như bột mộng làm từ hạt nảy mầm (đỗ, bắp, lúa) hoặc dùng giá đậu xanh để nấu bột, nấu cháo cho trẻ, cứ 10g bột cho 10g giá đỗ.

 

Điều quan trọng là bố mẹ hãy tạo cho trẻ một thói quen dinh dưỡng tốt, như giúp trẻ thích ăn trái cây, thích ăn rau; khuyến khích trẻ tích cực vận động từ nhỏ. Khi trẻ lớn lên, tạo điều kiện cho trẻ tham gia nhiều hoạt động như: đi xe đạp, chơi thể thao (đá bóng, bơi lội…)

 

Không tạo thói quen ăn vặt mà nên cấu trúc 4 bữa ăn/ngày hợp lý. Tránh cho trẻ vừa ăn vừa đùa nghịch hay xem ti-vi, đồng thời dạy con nhai thức ăn thật kỹ, không nuốt chửng có hại cho dạ dày. Dè chừng trước các thức ăn chế biến sẵn, quan tâm đến khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ để không tạo những thái quá.

 

Bữa điểm tâm có tác dụng điều hòa việc hấp thụ các thức ăn của các bữa ăn tiếp theo. Nếu trẻ không cảm thấy đói lúc thức dậy, hãy cho trẻ dùng một ly nhỏ nước ép trái cây để kích thích cảm giác ngon miệng. Trong trường hợp trẻ không muốn ăn, có thể cho trẻ mang theo một số đồ ăn sáng như: xôi, bánh mì, bánh ngọt, hộp sữa để đến lớp khi đói trẻ có thể lót dạ. Các chuyên gia dinh dưỡng gọi bữa chiều là “bữa ăn thứ 4” trong ngày của trẻ. Bữa chiều là bữa ăn nhẹ, có thể là sữa chua hay trái cây… Tránh ép buộc trẻ và biến các bữa ăn thành những thời điểm căng thẳng hay xung đột, ầm ĩ tiếng quát mắng; tránh lấy những món ăn vặt trẻ yêu thích ra làm quà thưởng.

 

Một chế độ dinh dưỡng đa dạng và cân bằng phải đảm bảo tránh những thiếu hụt về acid béo, vitamin hay khoáng chất. Các acid béo, chủ yếu là omega-3 rất cần thiết cho sự phát triển của não và hệ thần kinh của trẻ. Ban đầu, chúng được bổ sung nhờ sữa mẹ và sau này là các thực phẩm như các loại cá béo (ăn ít nhất 2 lần/tuần), dầu cải…

 

Không nên lạm dụng các loại thuốc bổ sung vitamin, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ vì một viên nén 500mg có chứa vitamin C tương đương với 1kg cam. Như vậy, lượng vitamin sẽ vượt quá nhu cầu của cơ thể trẻ

 

NGUYÊN NHẠN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thừa vitamin A
Thứ Hai, 11/06/2012 08:30 SA
Bệnh nhi nhập viện tăng cao
Thứ Hai, 11/06/2012 08:06 SA
Cảnh báo nguy cơ ung thư ở trẻ chụp CT
Thứ Sáu, 08/06/2012 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek