Thời gian qua, ngành Y tế đã tích cực tham mưu cho UBND các cấp kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và đã tập trung nguồn lực lớn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, hiện nay bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc phải tuy có giảm nhưng vẫn còn cao.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu trẻ từ 0-3 tuổi - Ảnh: T.THỦY
Tại Phú Yên, chùm ca bệnh tay chân miệng được phát hiện đầu tiên tại thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa vào cuối tháng 8. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 500 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh được ghi nhận ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, trong đó các địa phương có số người mắc bệnh cao là Phú Hòa, TP Tuy Hòa, Tây Hòa; lứa tuổi mắc bệnh nhỏ nhất 7 tháng tuổi, lớn nhất 11 tuổi. Bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm 0-3 tuổi, chiếm 72,4%. Số trường hợp mắc bệnh tại nhà trẻ, mẫu giáo chiếm tỉ lệ tương đối thấp, gần 17%.
Trước tình hình bệnh dịch lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành và xuất hiện ở Phú Yên, ngành Y tế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 1689/UBND-VX về tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh. Ngay từ khi có chùm ca bệnh đầu tiên, tất cả các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở đã phân công cán bộ “đứng cánh” theo khu vực; tổ chức giám sát chủ động phát hiện ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm và kịp thời gởi làm xét nghiệm tác nhân gây bệnh; chủ động tổ chức điều tra, lập danh sách hơn 350 nhóm trẻ gia đình; cử cán bộ hướng dẫn giáo viên, bảo mẫu về các biểu hiện ban đầu của bệnh tay chân miệng ở trẻ để kịp thời phát hiện, khai báo với cơ quan y tế; cấp phát hóa chất (Cloramin B) và hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường như: lau rửa nền nhà, vệ sinh cá nhân, dụng cụ sinh hoạt của trẻ. Đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tập huấn cho hơn 500 cán bộ y tế xã, phường và hơn 300 nhân viên y tế thôn, buôn.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền bệnh tay chân miệng trên các phương tiện truyền thông, đại chúng được đẩy mạnh. Bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên, cho biết đơn vị này đã cấp phát 20.000 tờ rơi, 1.000 áp phích, 200 băng đĩa tuyên truyền. Các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, phát tờ rơi và tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình có con dưới 5 tuổi, các nhà trẻ, mẫu giáo. Tại các bệnh viện, ngoài công tác điều trị, nhân viên y tế còn tư vấn và hướng dẫn gia đình cách phòng bệnh để tránh lây lan và cách thức chữa bệnh đúng tuyến.
Số ca mắc bệnh thời gian gần đây cao, mà nguyên nhân chủ quan là chính quyền một số xã, phường thiếu quan tâm, chưa huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, thiếu kiểm tra, giám sát. Các hoạt động phun hóa chất, khử khuẩn… ở cơ sở chưa đạt yêu cầu; hoạt động truyền thông chưa thực hiện thường xuyên; một số bệnh viện chưa tuân thủ đúng quy định cách ly nhằm hạn chế lây bệnh lan ra cộng đồng và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Theo nhận định của ngành Y tế, bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp vì đang lưu hành 2 chủng vi rút Coxsackievius A16 và Enterovirus 71 (EV 71), địa bàn có trẻ mắc rộng, số lượng mắc mới cao. EV 71 là chủng vi rút khá nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh, thường gây các biến chứng nặng và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa nên dễ lan rộng vì một số hành vi, thói quen không tốt của cá nhân, gia đình và cộng đồng đã làm cho các biện pháp “cắt đứt” đường lây truyền gặp rất nhiều khó khăn, mầm bệnh có điều kiện phát tán rộng trong cộng đồng.
Xác định dịch tay chân miệng là một dịch bệnh nguy hiểm, nhưng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, nên chủ động phòng, chống là biện pháp quan trọng hàng đầu. Do đó, ngành Y tế tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ; phối hợp nhiều ngành huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Đặc biệt, có sự tham gia trực tiếp của gia đình - nhà trường - y tế. Theo đó, các cấp tập trung giám sát ca bệnh và tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu ban đầu của bệnh, các đường lây truyền, mức độ nguy hiểm và cách phòng tránh, sao cho người dân không hoang mang mà vẫn không chủ quan.
Ngành Y tế đang đưa ra giải pháp chặt chẽ trong giám sát bệnh là nhân viên y tế dự phòng tuyến huyện, thị xã, thành phố xuống giám sát ở xã, phường, thị trấn; nhân viên y tế dự phòng cấp xã xuống thôn, buôn để giám sát ca bệnh… để tiến hành điều tra dịch tễ kỹ càng, khoanh vùng cách ly, xử lý tiêu diệt mầm bệnh hiệu quả.
DƯƠNG THU